Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh

Chủ nhật, 04 Tháng 3 2018 22:41 Báo Xây dựng
In

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái hải ngoại (J-CODE) vừa phối hợp tổ chức “Hội thảo chỉnh trang và phát triển đô thị” vào chiều 03/3. 

Hội thảo được tổ chức với mục đích trao đổi kinh nghiệm chỉnh trang và phát triển đô thị của Nhật Bản và Việt Nam. Qua đó, TP Hồ Chí Minh giới thiệu danh mục 193 dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn như các dự án metro; dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch; dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; dự án kinh doanh bất động sản nhằm mời gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam. Đã có 19 tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được chỉnh trang.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết: Đây là thời điểm cực kỳ thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản thắt chặt quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, kinh doanh mà cả hai bên đều có lợi. 

Theo ông Châu, năm 2017 Nhật Bản đã thay thế Hàn Quốc để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh và vào thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia thực hiện các dự án hạ tầng đô thị lớn thuộc nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Mitsui, Maeda...

Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư phát triển các dự án lớn như Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Idemitsu Kosan đã hợp tác đầu tư Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, trong khoảng 05 năm gần đây, đã có một số quỹ đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản đã hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam dưới các hình thức mua cổ phần, góp vốn đầu tư, hoặc cho vay để phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chuẩn Nhật Bản và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, như Tokyu đầu tư vào Hưng Thịnh Corporation, Becamex IDC; Hankyu, Nishi Nippon Railways với Nam Long Corporation; Mitsubishi Corporation với Phúc Khang Corporation; Sanyo Home với Cty Tiến Phát; Creed Group với Cty An Gia…


Nhà ven kênh tại quận 8 cần di dời chỉnh trang đô thị (Ảnh: Cao Cường).

Ông Keiji Kimura – Chủ tịch J-CODE chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất ấn tượng về sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, thông qua hội thảo này sẽ có nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên và tôi nghĩ tốc độ phát triển đô thị hóa ngày càng nhanh hơn và sẽ có cơ hội để các bên hợp tác”.

Trong quá trình phát triển đô thị sẽ đối mặt với những thách thức về giao thông, ô nhiễm môi trường… Đây là những vấn đề chung mà tất cả các đô thị phát triển đều trải qua và Nhật Bản cách đây 50 năm khi phát triển đô thị hóa cũng đã xảy ra những tình trạng trên.

“Ở những nước phát triển, thông thường thì bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông và đây cũng là một thử thách của TP Hồ Chí Minh. Tôi hy vọng là hiệp hội chúng tôi có thể bắt tay cũng như hợp tác trong vấn đề thúc đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông.

Trải qua những thành công và thất bại chúng tôi đã đến được thời điểm hiện tại hiện nay và đã có rất nhiều kinh nghiệm trong xây dựng những đô thị ở Nhật Bản phát triển bền vững. Tôi hy vọng, sẽ sử dụng những kinh nghiệm đó đối với những nước bên ngoài, đặc biệt là ở Việt Nam. Những kinh nghiệm thành công sẽ áp dụng có thể hỗ trợ hợp tác trong những phương diện không chỉ là xây dựng phát triển mà còn là quản lý, đào tạo nguồn nhân lực”, ông Keiji Kimura cho biết thêm.

Ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: Mục tiêu của TP đến năm 2020 là di dời tổ chức lại cuộc sống cho hơn 20.000 người dân đang sống trên, ven kênh rạch và các chung cư cũ hư hỏng nặng cuống cấp. Tuy nhiên, để tiết giảm ngân sách cho TP và hoàn thành được mục tiêu nên đòi hỏi phải xã hội hóa thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP.

Trong thời gian tới TP thực hiện giải tỏa di dời tái định cư những hộ dân sống trên và ven kênh rạch nhất là tuyến kênh Đôi (quận 8), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) và những tuyến kênh ô nhiễm nặng có vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước. Doanh nghiệp khi đầu tư vào cải tạo chỉnh trang đô thị ngoài việc mang đến một khoản lợi nhuận nhất định, thì đó còn là trách nhiệm đối với xã hội, đối TP góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP nói chung. Do đó, TP Hồ Chí Minh mời gọi các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng TP hợp tác đầu tư xây dựng các dự án chỉnh trang đô thị.

Mục tiêu của chỉnh trang và phát triển đô thị chính là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt văn minh, hiện đại và nghĩa tình như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra. 

Cao Cường Bùi Hiền 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: