Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện việc quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.
Quy hoạch ga Hà Nội phải xem xét hạ tầng giao thông và các các tuyến đường xung quanh
Theo đó, khu vực ga Hà Nội được quy hoạch có tổng diện tích 98,1ha. Tổng dân số của khu vực này khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người.
Trong quy hoạch, TP Hà Nội đề xuất xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.
Quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng gồm: Khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố trí ở phía bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên ở phía đông.
Khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng ở phía tây nam khu đất lập quy hoạch. Khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; khu ga đường sắt 40-70 tầng tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.
Đồ án đưa ra 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 (đến năm 2020) tập trung triển khai xây dựng các công trình tái định cư khu vực nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và khu vực tập thể Văn Chương; thực hiện tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.
Giai đoạn 2 (phát triển đến năm 2030) triển khai xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ, xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt.
Giai đoạn 3 (2025 đến 2035) cùng với giai đoạn 2 đảm bảo 100% nhà ở tái định cư để thúc đẩy phát triển, xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.
Đơn vị lập đồ án đưa ra khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 23.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đồ án đưa ra lấy ý kiến đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia lo ngại, toàn bộ diện tích của Ga Hà Nội rơi vào khoảng 210 nghìn m2 và nếu tính theo giá trị dựa trên giá đất xung quanh đó, khu đất này sẽ có giá không ít hơn 3 tỷ đô la Mỹ. Đây rõ ràng là "miếng bánh" béo bở cho bất kì doanh nghiệp bất động sản nào.
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, trong đó bác đề xuất xây công trình cao 70 tầng khu vực này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội cần thận trọng trong công tác quy hoạch, bảo đảm phát triển bền vững.
Linh Nhi
(DĐDN)
- Tháng 5, trình Quốc hội việc tăng vốn 2 tuyến metro tại TPHCM
- Thủ tướng: Không vì thể chế mà bế tắc phát triển hạ tầng
- Lựa chọn phương án tối ưu để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất
- Ga Sài Gòn được đề xuất cải tạo theo kiến trúc xưa
- Hà Nội: Đề xuất cho phép phương tiện khác được sử dụng làn đường của buýt BRT
- Triển khai thi hành Luật Quy hoạch
- Dulux đến từ AkzoNobel đồng hành cùng dự án vẽ tranh vì biển đảo quê hương "Bích họa tương lai"
- Hà Nội cần tới 250.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển đô thị
- Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050
- Hà Lan muốn hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố thông minh