Hà Nội cần gần 250.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển đô thị trong giai đoạn 2016-2020, trong đó khoảng hơn 150.000 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm, cấp thiết như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, các dự án xử lý môi trường…
Tại hội thảo “Thách thức trong đô thị và nền kinh tế tuần hoàn” do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức chiều 6/2, ông Nguyễn Hồng Sơn, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho hay, nhu cầu vốn phát triển đô thị rất lớn trong khi hiện nay ngân sách thành phố chỉ cân đối được khoảng 93.000 tỉ đồng, tức chỉ chiếm khoảng 36,4% nhu cầu vốn cấp thiết.
Kẹt xe luôn diễn ra ở các đô thị lớn do diện tích giao thông chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng diện tích. Ảnh: TL
Theo ông Sơn, dân số ngày càng tăng đang đặt áp lực lớn trong việc xây dựng đô thị thành phố. Trong vòng 8 năm kể từ khi mở rộng địa giới, dân số đô thị tại các quận của Hà Nội đã tăng 21% trong giai đoạn 2008-2016. Vấn đề này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, cấp nước sạch, xử lý chất thải, vấn đề hài hòa giữa tăng trưởng nhanh để nâng cao mức sống của người dân với việc bảo vệ môi trường, vấn đề giải quyết chỗ ở cho người dân, thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo…
Bên cạnh đó, áp lực với cơ sở hạ tầng giao thông thành phố cũng rất lớn. Với hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô, trong khi mật độ đường giao thông chỉ chiếm gần 10% đất xây dựng đô thị, hiện tượng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đại bàn nội đô Hà Nội. Chưa kể vấn đề ô nhiễm rác thải, phát thải khí nhà kính. Theo thống kê, chất thải rắn gia tăng liên tục khoảng 15%/năm, trong khi hơn 80% lượng rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho hay, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam đang diễn ra chóng mặt. “Chúng tôi vẫn thường nói đùa rằng mỗi tháng Việt Nam hình thành một đô thị, mỗi năm có thêm khoảng một triệu người dân trở thành dân đô thị, đây là thách thức thực tế. Càng ngày câu chuyện quản lý đô thị càng trở nên phức tạp, khó lường”, ông Thái nói.
Chưa kể biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng và khó lường tới phát triển đô thị nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ông Thái lấy ví dụ chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa trong 3 ngày diễn ra cơn bão số 12 vừa rồi đã gây thiệt hại khoảng 14.000 tỉ đồng, bằng với số thu ngân sách một năm của Đà Nẵng.
“Do vậy, biến đổi khí hậu là vấn đề rất cấp bách, có thể mất nhiều thời gian để xây dựng đô thị, nhưng chỉ cần một cơn bão đi qua là có khả năng gây thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, vấn đề này cần có công cụ, sự hỗ trợ, hợp tác”, ông Thái nói.
Theo Cục Phát triển Đô thị, tháng 1 vừa qua Bộ Xây dựng đã ban hành bộ chỉ tiêu về phát triển xanh giúp cho đô thị có cơ sở giám sát quá trình phát triển của mình theo hướng tăng trưởng xanh. Từ đó có thể nhận ra bất cập và đưa ra giải pháp cho đô thị.
Thùy Dung
(TBKTSG)
- Ga Sài Gòn được đề xuất cải tạo theo kiến trúc xưa
- Hà Nội: Đề xuất cho phép phương tiện khác được sử dụng làn đường của buýt BRT
- Đồ án ga Hà Nội phải phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô
- Triển khai thi hành Luật Quy hoạch
- Dulux đến từ AkzoNobel đồng hành cùng dự án vẽ tranh vì biển đảo quê hương "Bích họa tương lai"
- Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050
- Hà Lan muốn hỗ trợ Hà Nội xây dựng thành phố thông minh
- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
- TPHCM ưu đãi để kiếm nhà đầu tư cải tạo nhà ven kênh rạch
- Cần Thơ: nâng cấp đô thị giúp thu hút thêm vốn đầu tư