Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tin tức Việt Nam Bộ Xây dựng phải giải trình lý do ‘chủ đầu tư tự điều chỉnh quy hoạch’

Bộ Xây dựng phải giải trình lý do ‘chủ đầu tư tự điều chỉnh quy hoạch’

Viết email In

Ngày 17/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, xóa bỏ tất cả những gì là rào cản, là giấy phép con cản trở doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng giải trình, làm rõ 6 vấn đề đang được người dân, dư luận đang rất quan tâm.  


Hà Nội đang dày đặc các tòa nhà cao tầng 

6 vấn đề nổi cộm

Vấn đề đầu tiên liên quan tới công tác xây dựng thể chế. Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Luật Xây dựng năm 2014, nhất là về tính đồng bộ với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đô thị, Luật Bất động sản, Luật Đầu tư công… Do vậy Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện nhanh nhất, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng. Đây là nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 60 của Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đều nói việc giải ngân đầu tư công rất chậm trễ do nguyên nhân quan trọng từ thủ tục xây dựng tại Nghị định 59.

Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng. Việc này đã được Bộ quan tâm nhưng trong thực tiễn thì thực hiện chưa nghiêm, từ đó dẫn tới tình trạng phá vỡ quy hoạch ban đầu, thậm chí có tình trạng nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cả cơ quan Nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng hết sức quan tâm công tác này, làm sao vừa phân cấp tạo thuận lợi cho địa phương, vừa gắn trách nhiệm kiểm tra giám sát của Bộ và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Vấn đề thứ ba là phát triển nhà ở. Bộ đã đề xuất nhiều cơ chế về xây dựng nhà cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách… nhiều đối tượng được thụ hưởng. Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, ngay cả với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, các khu công nghệ cao… nhưng cần bảo đảm quy hoạch đô thị, không phá vỡ quy hoạch.

Vấn đề thứ tư là quản lý thị trường bất động sản, để tránh lệch pha cung cầu, Bộ cần tiếp tục cảnh báo để lường đón.

Vấn đề thứ năm là quản lý vật liệu xây dựng liên quan tới bảo vệ môi trường. Bộ cần tính toán, xem xét, ứng dụng công nghệ để phát triển các loại vật liệu thay thế, giảm ô nhiễm, ưu tiên phát triển vật liệu không nung, vật liệu siêu nhẹ.

Vấn đề cuối cùng là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu cần đẩy công tác này càng nhanh càng tốt, tập trung làm trong năm 2017.

Hạn chế tín dụng đối với phân khúc cao cấp

Về quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định đây là vấn đề hết sức quan trọng. Quy hoạch nếu không tốt sẽ để nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… khiến dư luận bức xúc.

“Chúng ta làm quy hoạch rất chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi điều chỉnh lại chỉ một số ít người làm vì thế chất lượng, tính đúng đắn chưa tốt. "Không loại trừ có lợi ích nhóm” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận.

Ông Hà đưa ra giải pháp khắc phục là hoàn thiện thể chế, phân cấp. 

"Hiện Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ hồ sơ Luật quản lý, phát triển đô thị. Trong quý II/2017, Bộ sẽ tăng cường, kiểm tra đôn đốc, rà soát toàn bộ quy hoạch liên quan tới bảo vệ môi trường, kiểm tra quy hoạch tại một số khu đô thị mới, khu vực có dư luận bức xúc" - Bộ trưởng Hà khẳng định.

Về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Bộ thừa nhận tỷ lệ thoái vốn nhà nước những đơn vị trực thuộc còn thấp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh quan điểm, không cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bằng mọi giá.

Theo ông, hiện một số tập đoàn tư nhân lớn trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong khi đó, ngành xây dựng còn có những lĩnh vực then chốt khác như xây lắp, thủy điện, vật liệu xây dựng...

"Sông Đà, Lilama... thực sự là những quả đấm chủ lực của ngành với nhiều công trình thủy điện, xây lắp. Do đó, khi cổ phần hóa phải tính toán, cân nhắc thận trọng nếu không làm tan luôn", ông Hà lý giải.

Còn về sự mất cân đối cung cầu trên thị trường bất động sản, Bộ trưởng cũng cho hay lãnh đạo ngành đã nhận thức được điều này. Theo ông, hiện phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng đã dư thừa.

“Có những sản phẩm theo tính toán của chúng tôi là đã đủ dùng đến năm 2020 rồi. Do đó, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hạn chế tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp, trong đó có những chính sách đẩy mạnh hơn nhà giá rẻ và tầm trung" - ông Hà khẳng định. 

Linh Nhi 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo