Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tin tức Việt Nam Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

Viết email In

Theo hồ sơ dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) vừa được Bộ Giao thông Vận tải chuyển cho Bộ Tư pháp thẩm định thì các quy định cụ thể về đường sắt cao tốc đã được đưa vào dự luật này (luật hiện hành chưa có quy định).  

Luật hóa 

Cụ thể, dự luật quy định: “Đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt có tốc độ thiết kế đảm bảo chạy tàu từ 160 ki lô mét/giờ trở lên”. Theo Bộ Giao thông Vận tải, cơ sở để bổ sung điều này vào luật là Quyết định 214/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, giai đoạn đến năm 2020: nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc – Nam. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030: triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 ki lô mét/giờ đến dưới 200 ki lô mét/giờ). Tầm nhìn đến năm 2050: phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 milimét trên trục Bắc – Nam…

Hơn nữa, theo kinh nghiệm thế giới, dải tốc độ của đường sắt tốc độ cao được lấy từ 160 – 350 ki lô mét/giờ tùy theo điều kiện khai thác của mỗi nước. Như ở châu Âu: đường sắt cao tốc cho phép chạy tàu với tốc độ 250 ki lô mét/giờ trở lên trên các đường mới hay 200 ki lô mét/giờ trên các tuyến đường có sẵn; Nhật Bản với các tuyến Shinkansen có tốc độ hơn 260 ki lô mét/giờ; Trung Quốc có hai cấp đường cao tốc: các tuyến chở hàng và chở khách có tốc độ trong khoảng 160 và 250 ki lô mét/giờ; các tuyến đường cao tốc chỉ để chở khách có tốc độ tối đa lên tới 350 ki lô mét/giờ.

Do đó dải tốc độ được lựa chọn đối với đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam được lấy từ 160 kilômét/giờ trở lên. 

Và ưu đãi

Theo dự luật, Nhà nước sẽ tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội quốc gia. Cụ thể, Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao; nhưng cũng khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao không trực tiếp liên quan đến chạy tàu; đầu tư phương tiện giao thông đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao.

Tất nhiên, dự luật quy định việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải đồng bộ, hiện đại về kết cấu hạ tầng, phương tiện, công nghiệp và tổ chức khai thác vận tải để đảm bảo hoạt động giao thông vận tải thông suốt, an toàn, thuận tiện, hiệu quả; phải nghiên cứu tổng thể từng tuyến; phải tổ chức xây dựng theo quy hoạch, nhu cầu vận tải và khả năng huy động vốn.

Dự luật cũng xác định Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên dành ngân sách, quỹ đất phù hợp để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao; đồng thời bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt tốc độ cao.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt tốc độ cao được hưởng các ưu đãi đặc biệt như: được giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đường sắt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoặc được thuê đất với mức ưu đãi đối với đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được.

Ngoài ra, các dự án đường sắt cao tốc được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ về vốn vay; Chính phủ xem xét việc góp vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công tư trong thời gian xây dựng hoặc kéo dài suốt vòng đời dự án để đảm bảo tính khả thi về tài chính, tính kinh tế và khả năng cân đối ngân sách cho dự án. 

Quang Chung 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo