Với vai trò là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM rất cần những cơ chế, chính sách đặc thù với các quy định phân cấp tài chính – ngân sách mạnh hơn, tạo nguồn lực tài chính cho TPHCM phát triển nhanh hơn, từ đó tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 20/5, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố, đã nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đứng) phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo TPHCM (Ảnh: Văn Nam)
Nhiều kiến nghị cơ chế tài chính đặc thù
Cụ thể, thành phố kiến nghị trung ương cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 – 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng.
TPHCM muốn được nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.
Cũng theo ông Liêm, trung ương cần phân cấp cho thành phố thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan thuộc trung ương quản lý và phân chia tỷ lệ phần trăm thành phố được hưởng là 50% đối với các khoản thu này. Phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước trung ương cho ngân sách thành phố được hưởng là 50%.
Theo quy định của Luật Ngân sách năm 2015, dư nợ vay của ngân sách địa phương bao gồm thêm dư nợ các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo phân tích của ông Liêm, trên thực tế nguồn vốn này là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu tính thêm dư nợ vay lại vào tổng dư nợ vay của ngân sách địa phương thì thành phố sẽ không có khả năng tiếp tục vay mới.
Do vậy, TPHCM kiến nghị cho phép thành phố được tính ngoài giới hạn vay nợ đối với các khoản vay để đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn; các khoản vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được quản lý, sử dụng theo quy định về quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, trong phần kiến nghị của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm còn kiến nghị Chính phủ chấp thuận việc đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam tại địa bàn TPHCM. Ngoài ra, thành phố đề nghị Chính phủ thưởng cho thành phố 10.000 tỉ đồng vượt thu ngân sách năm 2015.
“Với vai trò là đô thị đặc biệt, TPHCM rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù với các quy định phân cấp tài chính – ngân sách mạnh hơn, tăng tính năng động hơn cho thành phố, tạo nguồn lực tài chính cho TPHCM phát triển nhanh hơn, từ đó tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho trung ương”, ông Liêm nói.
Đáng chú ý nhất, ông Liêm nêu thực trạng về điều tiết ngân sách cho thành phố, từ năm 2011 đến 2015, ngân sách thành phố được hưởng 23% trên tổng giá trị thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giảm dần qua từng thời kỳ, trước đó giai đoạn 2001 – 2006 thành phố được hưởng 29%, giai đoạn 2007 – 2010 được hưởng 26% và sang giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 23% và giữ nguyên cho đến nay.
“Tôi nghe nói tỷ lệ này còn giảm nữa. Đây chính là một trở ngại cho việc tập trung nguồn lực cho thành phố để tạo nguồn phát triển nhanh hơn, từ đó tạo ra nguồn thu lớn hơn”, ông Liêm nói tại cuộc họp.
Các bộ ngành nói gì về kiến nghị của TPHCM
Trong phần phát biểu trước các kiến nghị của TPHCM về phân cấp nguồn thu, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng về cơ chế tài chính đặc thù của thành phố thì trong một buổi họp như chiều nay không thể giải quyết căn cơ được, các bộ ngành trung ương cần rà soát lại, lĩnh vực nào khó khăn, cần thống nhất giữa bộ ngành và trung ương để cùng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Đi vào phần kiến nghị về nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách về cho thành phố, ông Chí cho biết trên cả nước có 63 tỉnh thành thì chỉ có 13 tỉnh thành điều tiết thu ngân sách về trung ương, còn lại các địa phương khác thì trung ương phải điều tiết lại.
Ông Chí thông tin hiện nay nhiều địa phương thu ngân sách rất thấp, một năm thu chưa được 1.000 tỉ đồng mà chi đến 4.000 – 5.000 tỉ đồng. Ví dụ như Hậu Giang thu một năm được 1.200 tỉ đồng, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre mỗi địa phương cũng thu chưa được 1.500 tỉ đồng...
Thu ít nhưng chi nhiều nên trong bối cảnh chung ngân sách cả nước khó khăn, trung ương không điều tiết về các địa phương nói trên thì rất khó. Do vậy TPHCM cần thông cảm, chia sẻ, thứ trưởng Bộ Tài chính phân tích.
Về kiến nghị trung ương cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện trong 10 năm, ông Chí nói theo Luật Ngân sách thì phần thu thuế từ xuất nhập khẩu trung ương hưởng 100% nên không thể để lại cho địa phương phần này, ngay cả Hải Phòng, Quảng Ninh mỗi năm thu đến vài chục ngàn tỉ đồng cũng điều tiết về trung ương.
“Các kiến nghị vượt luật thì về cơ chế phải ngồi lại, cái nào vượt luật thì chúng ta cần có cơ chế riêng. Hôm nay các đồng chí đề nghị vượt luật thì tôi chỉ trả lời theo luật mà thôi chứ không thể nào khác”, ông Chí trả lời trước các kiến nghị của thành phố nhưng bày tỏ sự đồng ý thành phố cần có cơ chế thí điểm.
Khi nghe đến đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phản biện: “Trong nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 có đề cập: xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa ngân sách trung ương và thành phố thực hiện từ năm 2015. Trong khi chưa tăng tỷ lệ điều tiết hàng năm, xem xét tăng nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu, tăng hỗ trợ từ nguồn thu xuất nhập khẩu trên địa bàn, ưu tiên các nguồn tài chính cho dự án giao thông vận tải được duyệt, tạo điều kiện để thành phố phát triển nhanh, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đầu tàu đối với vùng và cả nước. Nghị quyết của Bộ Chính Trị đã nói rõ vậy mà cái gì anh cũng nói theo luật thì biết làm sao”.
Cho phép thí điểm những vấn đề lớn
Phát biểu kết luận hội nghị chiều nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị TPHCM chủ động chuẩn bị đề án trình Chính phủ cho TPHCM thí điểm thực hiện một số vấn đề mới phát sinh, mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hoặc vượt các quy định hiện hành.
Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM trình Chính phủ đề án nói trên càng sớm càng tốt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị TPHCM phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ban Kinh tế Trung ương xây dựng chính sách phát triển cơ chế điều phối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đô thị TPHCM và xây dựng cơ chế điều phối giữa các địa phương trong vùng để trình Chính phủ.
Một điểm quan trọng được Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM thực hiện là thành phố cần chủ động phối hợp với các bộ nghiên cứu trình Chính phủ xem xét quyết định các vấn đề phân cấp mạnh hơn cho thành phố về quản lý tài chính, tăng tự chủ cho thành phố về ngân sách, quyết định các khoản thu - chi, quy hoạch kế hoạch và đầu tư, tổ chức về nhân sự và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính …
“Nghị quyết 16 cũng nói rồi. Tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói là phân cấp triệt để cho địa phương, cho các nơi, không đẩy việc lên trên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói thêm và nhấn mạnh rằng Nghị quyết 16 Bộ Chính trị đã cho phép Chính phủ quyết một số việc, còn đối những vấn đề vượt pháp luật hiện hành thì Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để tạo điều kiện cho TPHCM có thể chế vượt trội để phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn TPHCM phải là thành phố khởi nghiệp để phát huy lợi thế của thành phố vốn là địa phương năng động nhất, với chỉ tiêu đến năm 2020 TPHCM sẽ tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp hoạt động. Muốn vậy, TPHCM cần phải trình Chính phủ thí điểm cơ chế thành lập Quỹ khởi nghiệp chính quyền địa phương, xây dựng thể chế thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân cho khởi nghiệp.
Văn Nam
(TBKTSG)
- Công bố danh sách sơ tuyển Giải thưởng Bất động sản Việt Nam 2016
- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội “loay hoay” giữa biển nước
- TPHCM: Doanh nghiệp có thể tham gia giải tỏa nhà ven kênh rạch
- Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Đưa đường sắt cao tốc vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)
- Hải Phòng xem xét điều chỉnh quy hoạch tổng thể quận Ngô Quyền
- Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo tập thể Kim Liên và khu vực lân cận
- Khởi động dự án nhà ở chống biến đổi khí hậu cho người nghèo đô thị
- ADB viện trợ gần 3 triệu USD phát triển đô thị thích ứng và bền vững tại Việt Nam
- Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050