Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một nơi “đáng sống”

Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành một nơi “đáng sống”

Viết email In

Tiếp tục chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, ngày 15/10, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tổ và báo cáo tham luận tại hội trường, đóng góp cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Nhất trí với chủ trương “xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình,” đại biểu Phan Ngọc Minh, Bí thư Quận ủy Quận 6, cho rằng Dự thảo bổ sung thêm Chương trình đột phá thứ bảy “về chỉnh trang và phát triển đô thị” đã thể hiện được mục tiêu trên.  

Hiện thành phố có hơn 19.000 căn nhà lụp xụp vẫn còn tồn tại trên và ven các kênh rạch, nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng... Đây là vấn đề cần giải quyết, trong đó tập trung nhất vào chỉnh trang đô thị, giúp nâng cao chất lượng và đảm bảo cuộc sống cho người dân. 

Trong hơn 20 năm qua, thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho khoảng 36.000 hộ sinh sống trên và ven kênh rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện cuộc sống cho người dân, tập trung vào năm tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ-Bến Nghé, kênh Đôi-Tẻ, Tân Hóa-Lò Gốm, Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên. Từ đó, bộ mặt đô thị đã gần như “lột xác,” hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, cải thiện ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước và quan trọng hơn là tạo ra không gian sống và môi trường sống tốt hơn cho người dân thành phố. 

Tham gia ý kiến thực hiện “Về chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị,” đại biểu Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chương trình đột phá này là một bước phát triển từ tổng kết thực tiễn, có kế thừa kinh nghiệm và kết quả từ việc thực hiện Chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh, rạch qua các giai đoạn trước đây nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó, Thành phố sẽ tập trung di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch(riêng giai đoạn 2015-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn); phấn đấu đến năm 2020, thực hiện tháo dỡ 120.000m2 sàn chung cư hư hỏng nặng, xây dựng mới 240.000m2 sàn các chung cư mới.

Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh “đáng sống,” ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh những mục tiêu Đại hội đề ra cần sát với thực tế và có giải pháp phù hợp, làm sao để người dân được hưởng thụ những kết quả đạt được đó.

Đại biểu Hà Phước Thắng, Trưởng ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Khu đô thị mới Nam Thành phố, cho rằng chỉ tiêu đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người là rất đáng quan tâm, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay nhà ở thương mại, nhà ở xã hội xây xong còn trống khá nhiều, người dân tiếp cận được chưa nhiều. Diện tích nhà ở bình quân hiện nay là 17 m2/người nhưng nhiều người không được hưởng điều này. 

Theo đại biểu Hà Phước Thắng, bên cạnh huy động các nguồn lực xã hội cho mục tiêu xây dựng mới, Nhà nước cần làm cầu nối, để người dân và chủ đầu tư thỏa thuận, đưa ra giá thành các căn hộ sát với thực tế, giúp người dân thật sự tiếp cận được những kết quả mà thành phố đạt được. Điều này sẽ nâng cao được chất lượng cuộc sống thật sự cho nhân dân. 

Về chỉ tiêu cung cấp nước sạch cho người dân, đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng chỉ tiêu đến năm 2020 đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân là điều ấn tượng nhất. Đây là nhu cầu tối thiểu của người dân, vừa đảm bảo sức khỏe cho nhân dân vừa tránh được tình trạng khai thác nước ngầm. Điều này thể hiện được bản chất của thành phố nghĩa tình, chăm lo cho nhu cầu của người dân. Cần tăng cường triển khai xây dựng các đường ống dẫn nước đến vùng sâu, vùng xa của thành phố, đồng thời áp dụng công nghệ lọc nước tiên tiến, hiện đại của thế giới để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân.. 

(TTXVN /Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo