Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam "Bùng nổ" sân golf vì... phân cấp cho địa phương

"Bùng nổ" sân golf vì... phân cấp cho địa phương

Viết email In

Thừa nhận thực trạng các dự án sân golf được cấp phép ồ ạt là có thật và phần lớn số dự án đó là trá hình sân golf để kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cùng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 12-6 giải thích lý do là do phân cấp về cho địa phương, cả nước chưa có quy hoạch tổng thể phát triển sân golf...

2 năm, các tỉnh cấp dự án sân golf gấp 3 lần so với 4 năm Trung ương cấp

  • Ảnh bên : Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Hải Dương

Hiện nay, cả nước ta có 139 dự án kinh doanh với mục đích xây dựng sân golf, nằm ở 38 tỉnh, thành, tức là chiếm tới hơn 60% số tỉnh thành trong cả nước. Liệu số sân golf như vậy thì có quá nhiều không, nhất là khi có tới 80% diện tích đất sân golf được lấy từ đất nông nghiệp, nhưng các chủ dự án chỉ sử dụng 30% đất để xây dựng dân golf, còn lại dành cho biệt thự, nhà vườn, khách sạn để kinh doanh? Cử tri rất bức xúc khi biết rằng kinh doanh sân golf chỉ phục vụ cho một số rất ít những người giàu có điều kiện về mặt thời gian, vật chất, còn lại hàng ngàn nông dân không còn ruộng để sản xuất – Đại biểu Nguyễn Minh Hà  - TP Hà Nội nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trong 139 sân golf trên, có 84 sân đã được Nhà nước cho phép, còn lại mới cho chủ trương đầu tư chứ chưa cho phép. Ngoài ra, ở các tỉnh, số lượng mới nhất mà Bộ nắm được là các tỉnh cũng quy hoạch riêng cho tỉnh mình khoảng gần xấp xỉ 30 sân golf nữa.

Trong số các sân golf trên, có 18 sân golf đã đi vào hoạt động còn lại các sân golf khác chưa đi vào hoạt động, 13 sân golf đang trong quá trình xây dựng còn lại đang tiến hành thủ tục đầu tư.

Lý giải về việc ồ ạt cấp phép xây dựng sân golf, Bộ trưởng cho biết: Kể từ khi Luật đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2006, việc cấp phép các dự án nói chung trong đó có sân golf phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, trong vòng 2 năm, tức là từ tháng 7/2006 đến nay, số lượng các tỉnh cấp lên gấp 3 lần so với 4 năm trung ương cấp.

Tại sao lại xảy ra trường hợp như thế này? Vì trước đây, Trung ương cấp thì quy trình làm rất cẩn thận, sau khi Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, đều lấy ý kiến của các bộ ngành và đều thành lập các hội đồng thẩm định”, Bộ trưởng giải thích.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đăng Vang  - Bình Định về việc di chuyển hai cơ sở nghiên cứu khoa học là Trung tâm tinh đông lạnh Môncađa và Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng để lấy đất làm sân golf, resort vui chơi giải trí tại Ba Vì, Bộ trưởng cho biết, quyết định này là của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Bộ sẽ tiến hành kiểm tra xem quy hoạch sử dụng đất như thế nào, quy mô của sân golf ra sao...

Tôi xin báo cáo với Quốc hội là để xây dựng và có một truyền thống như hai trung tâm này là khó vô cùng, chúng tôi sẽ cố gắng làm để làm sao với tinh thần là giữ được hai cái tổ chức này”, Bộ trưởng nói.

Cả nước chưa có quy hoạch phát triển sân golf

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hiện nay cả nước ta chưa có một quy hoạch tổng thể nào về sân golf và vì chưa có quy hoạch tổng thể về sân golf nên cũng chưa có quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất. Đến thời điểm này cũng chưa có một tiêu chí nào để hướng dẫn về các sân golf.

Trước tình hình đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tổng thể và kiến nghị với Chính phủ sớm hoàn thành quy hoạch về phát triển sân golf, xác định số sân golf vừa cho giai đoạn 2020 tiến đến 2030. Trên cơ sở quy hoạch đó, sẽ tiến hành rà soát lại các dự án sân golf hiện có.

Vừa rồi, chúng tôi đã đề nghị các sân golf tạm dừng lại hết, tất cả những cái đang tiến hành thỏa thuận phải tạm dừng lại, chờ phù hợp với quy hoạch mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định lúc đó mới ép vào. Những sân golf hiện nay đang tiến hành triển khai thì phải rà soát lại”, Bộ trưởng nói. 

  • Ảnh bên : Sân golf Đồng Mô - Hà Nội

Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quy hoạch, những diện tích đất trên là dành cho du lịch, dành cho thể thao, dành cho công viên cây xanh, chứ không phải để dành cho sân golf.

Nếu dự án nào đã lấy vào đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa và đất lúa hai vụ thì đề nghị chuyển đổi, không đồng ý lấy đất lúa này. Nếu tỉnh đã giao rồi thì đề nghị điều chỉnh lại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Điều chỉnh ở đây theo Bộ trưởng là điều chỉnh diện tích, bởi qua rà soát, đa số các sân golf đều vượt quá diện tích theo định mức cho phép. Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, những sân golf 38 lỗ chỉ cho tối đa 100 ha. Vì hiện nay nhiều sân golf 18 lỗ đã tới 120 ha, có những sân golf tới 300 ha...

Với những sân golf có xây dựng bất động sản, Bộ sẽ rà soát lại theo các hướng: Một loại là chuyên sân golf. Chuyện sân golf hiện nay trong số 139 cái chỉ có 26 cái là chuyên sân golf thôi, còn lại các sân golf khác đều dưới hình thức khu đô thị có gắn liền sân golf, thậm chí có những cái gọi là khu công nghiệp có sân golf ở bên trong. Nếu như các sân golf này, các khu gọi là khu bất động sản này mà đã thu tiền sử dụng đất theo đúng các tiêu chí để xây dựng bất động sản thì cho tồn tại, nhưng nếu lợi dụng vào đất làm sân golf để xây dựng bất động sản thì sẽ bắt tái thu hồi lại tiền cho đúng giá trị của đất dành xây bất động sản. Nếu không thì phải thu hồi lại và điều chỉnh quy hoạch. 

Đang kiến nghị Chính phủ loại bỏ 50 sân golf

Giải đáp thêm về các dự án sân golf, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc xin “đính chính lại số liệu của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên”.

Từ sau Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng rà soát lại sân golf trên cả nước và xem xét lại quy hoạch sân golf từ nay đến năm 2020. Ngày 2/6/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf và trước đó cũng đã lập Ban công tác bao gồm đại diện các bộ, các ngành hữu quan để làm đề án này. Trước đây khi chưa phân cấp cho địa phương, thực tế chỉ có 33 dự án được cấp giấy phép và trong đó 19 dự án hoạt động.

Tính đến thời điểm này tổng rà soát quy hoạch lại thì hiện nay trên cả nước có 166 dự án sân golf đang hoạt động, đang triển khai xây dựng và đang trong quy hoạch xây dựng. Trong đó, 145 dự án đã được cấp đất, 84 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư bao gồm cả 19 dự án đang hoạt động và 23 dự án đang xây dựng. Trên cơ sở rà soát chung, Bộ trưởng cho biết, các dự án sân golf hiện đang được trá hình để lợi dụng xây các khu dân cư, khu nhà ở. Riêng diện tích cấp đất cho các dự án, 145 dự án đã cấp lên đến 52.700 ha, tức là bình quân hơn 300 ha cho một sân golf. Về đất nông nghiệp, các dự án sân golf chiếm dụng 10.500 ha, trong đó đất lúa là 2.900ha.

Chúng tôi rà soát lại và xem xét mức độ cần thiết của sân golf thì đang trong bản qui hoạch, đã kiến nghị với Chính phủ chỉ giữ lại 116 sân golf phải loại bỏ đi 50 sân golf hiện nay đang triển khai hoặc đang chuẩn bị triển khai xây dựng. Đồng thời, đưa ra tiêu chí điều kiện cụ thể để thành lập sân golf với điều kiện là diện tích sân golf như đồng chí Phạm Khôi Nguyên đã nói tiêu chuẩn 100ha và đối với một số sân golf ở địa hình khó khăn chẳng hạn như hồ ao nhiều, đồi núi nhiều thì cho cộng thêm 10% diện tích tức là không quá 110ha”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết.

  • Ảnh bên : Sân golf Văn Trị

Cũng theo đề án, sân golf tối đa chỉ được chiếm dụng 10ha diện tích đất lúa xấu, tức là lúa một vụ, chứ không phải lúa hai vụ và các điều kiện về môi trường kèm theo, về khoáng sản kèm theo.

Đây cũng là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa các địa phương, nhiều địa phương vì đã có rồi, đã trót cấp rồi hoặc đang có dự kiến rồi thì cố giữ, nhưng chúng tôi kiên quyết loại bỏ 50 cái sân golf. Không có lý gì chúng ta lại lấy đất lúa hai vụ để làm sân golf. Đất nông nghiệp, trồng cây công nghệ lâu năm, cây ăn trái lâu năm cũng không được lấy làm sân golf”, Bộ trưởng Phúc khẳng định.

Qua kiểm tra và đánh gái từng vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sắp xếp lại như sau: Khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ hiện nay có 19 sân golf, sẽ oại bỏ đi 7 cái, chỉ được giữ 12 cái. Vùng đồng bằng sông Hồng dự kiến cũ là 33 cái, tính cả Hà Nội, cả Vĩnh Phúc, nay loại bỏ đi 14 cái, chỉ giữ lại 19 sân. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung, trước đây dự kiến 57 cái, nay còn 41 cái. Vùng Tây Nguyên dự kiến 13, bỏ 2, còn 11. Vùng Đông Nam Bộ dự kiến 37 cái, bỏ đi 11, còn 26 cái. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến 7 cái và giữ nguyên 7 cái.

Những thông tin trước đây nói rằng Long An có mấy chục sân golf thì không có đâu. Chúng tôi kiểm tra, đó là những nhà đầu tư họ phác ra ý tưởng, họ đi xin đất, họ nêu ra như thế, chứ thực chất Long An chỉ có 3 cái thôi”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về các dự án sân golf của Hà Nội, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, hiện nay quy hoạch, tất cả ở Hà Nội có 19 sân golf. Trong quy hoạch Bộ trình Thủ tướng Chính phủ, sẽ loại bỏ 10 cái, chỉ giữ còn 9 cái đúng tiêu chí đã ban hành.

Với hai trung tâm nghiên cứu khoa học ở Ba Vì bị thu hồi để cấp đất cho dự án sân golf, resort, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Phúc cũng chung quan điểm với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải giữ.

Nhưng ở đây tôi đề nghị một cách làm, vì hiện nay chúng ta đang phân cấp cho các tỉnh, thành phố. Tôi nghĩ là những vấn đề nêu có liên quan đến quyền, trách nhiệm của tỉnh, thành phố nào thì Quốc hội cũng kiến nghị tỉnh, thành phố đó phải xử lý”, Bộ trưởng đề xuất.

Vân An

>> Hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo