Canada dẫn đầu thế giới về mức giảm khí thải CO2

Thứ hai, 13 Tháng 5 2013 12:48 TTXVN
In

Bất chấp việc Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, lượng khí thải điôxít cácbon (CO2) của quốc gia Bắc Mỹ này đã giảm gần như nhiều nhất thế giới. 

Báo Bưu điện tài chính ngày 11/5 dẫn các số liệu mới nhất cho thấy lượng khí thải năm 2011 của Canada đã giảm 11,4% so với năm 2005, trong khi lượng khí thải năm 2011 của Mỹ chỉ giảm 8,5%. 

Trong số các nước công nghiệp phát triển, lượng khí thải của Canada trong các năm 2005-2011 giảm nhiều hơn châu Âu và Nhật Bản, gần bằng mức của Đức, và chỉ thấp hơn mức giảm khí thải của Anh.  


Ottawa, Canada
(Ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, những nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển lại bị che khuất bởi sự gia tăng lượng khí thải lớn từ các nền kinh tế mới nổi. 

Chính sách khí hậu chỉ có thể thành công ở cấp độ toàn cầu và nó sẽ có rất ít ý nghĩa nếu những chính sách này ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, trong khi không đạt được lợi ích môi trường. 

Lượng khí thải của Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2011 đã tăng 60%, tức tăng gấp ba lần lượng khí thải cắt giảm tổng cộng của Canada, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Nếu cộng thêm cả Ấn Độ và Nga cùng với Trung Quốc, lượng khí thải đã tăng 4 tỷ tấn trong vòng sáu năm. 

Tăng trưởng kinh tế cao có thể là nguyên nhân khiến lượng khí thải của các nước đang phát triển tăng mạnh. Ngay trong giai đoạn đại suy thoái kinh tế năm 2008-2009, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc vẫn đạt trên 7%, trong khi châu Âu và Mỹ có khả năng giảm lượng khí thải do kinh tế của họ suy giảm rõ rệt.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là, mặc dù kinh tế Canada chỉ suy giảm chút ít, nhưng lượng khí thải của nước này sau năm 2005 đã giảm nhanh hơn hầu hết các nước phương Tây khác.

Một nguyên nhân khác khiến lượng khí thải của Canada và các nước phương Tây khác có xu hướng sụt giảm là việc các nước này giảm được sự phụ thuộc vào nhiệt điện sử dụng than đá, khi tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.

Theo các nhà khoa học, than đá phát ra nhiều khí thải nhất, tiếp theo là dầu mỏ và khí đốt.

Cuối năm 2011, Canada là quốc gia đầu tiên chính thức rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu bởi vì cho rằng Nghị định này "không đại diện cho tương lai Canada." 

Mục tiêu của Nghị định thư Kyoto , được thông qua năm 1997, là ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu. Theo các tính toán, chi phí để đáp ứng các nghĩa vụ của Canada theo Nghị định thư Kyoto là 13,6 tỷ USD, tuy nhiên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên khi hai quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto. 

Canada ủng hộ một thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu, có thể giúp các quốc gia thành viên tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, dữ liệu từ trung tâm đo lường của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ tại Hawaii cho biết lượng CO2 trung bình hàng ngày trên Thái Bình Dương đo hôm 9/5 đã vượt ngưỡng 400 ppm, lên tới 400.03 ppm. Con số này khớp với dữ liệu cùng ngày của Viện Hải dương học Scripps ở thành phố San Diego bang California (Mỹ), cho biết mật độ CO2 trong khí quyển đã lên tới 400.08 ppm. 

Các chuyên gia cho biết mật độ CO2 trong khí quyển Trái Đất chưa từng lên đến mức cao như vậy trong vòng 3-5 triệu năm trở lại đây. Hiện tượng này được cho là từng tồn tại trước khi con người xuất hiện, vào thời điểm nhiệt độ Trái Đất rất cao và mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 20-40m. 

Ông Bob Ward, Giám đốc chính sách tại Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường ở Luân Đôn, cảnh báo khí hậu "đang trở về hình thái thời tiền sử" đe dọa đẩy xã hội loài người vào những mối nguy hại không thể lường trước.

Theo thông số từ Viện Grantham, mật độ CO2 trong khí quyển vào thời điểm trước cuộc cách mạng công nghiệp là 280 ppm./. 

(TTXVN)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: