Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tin tức Thế giới Bắc Kinh tiếp tục ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Bắc Kinh tiếp tục ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Viết email In

Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, chất lượng không khí lại giảm xuống mức nguy hiểm chỉ vài ngày sau khi người dân thành phố được hưởng thời tiết quang đãng. 

Khói mù đã bắt đầu bao trùm lên thành phố vào tối 18/1, khiến cho mật độ trung bình của các hạt ô nhiễm bé nhất được gọi là PM2,5 lên tới mức 300-400 microgam/m3 không khí, hay cấp độ 4 - cấp độ nguy hiểm nhất. 

Cục dự báo thời tiết đã đưa ra lời cảnh báo vàng đối với sương và mây mù - mức độ cao nhất sau cảnh báo đỏ và cam. Tầm nhìn tại khu vực phía Nam thành phố sẽ giảm xuống chưa tới 500m trong ngày 19/1. 

Các bộ bảo vệ môi trường của thành phố đã khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ em, không nên ra ngoài, đồng thời kêu gọi các bộ ngành có liên quan yêu cầu các công ty của mình áp dụng các biện pháp giảm khí thải. 

Khói bụi ô nhiễm làm hoen ố “Trung Quốc tươi đẹp” 

Khói bụi bốc lên từ những ống khói một nhà máy hóa chất ở Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng hơn một năm sau khi nhà chức trách đóng cửa nhà máy vì những cuộc tụ tập phản đối của hàng nghìn người.

Nhà máy ở thành phố Đại Liên đã được lệnh ngừng sản xuất và chuyển địa điểm 17 tháng trước sau khi người dân địa phương xuống đường tuần hành vì lo ngại những hóa chất độc hại từ nhà máy sẽ làm nhiễm độc môi trường.

Nhưng nhà máy hiện đang hoạt động trở lại, dù không rõ ở quy mô nào. Nhà máy này là một ví dụ điển hình cho câu hỏi liệu chính quyền Trung Quốc có thể xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong khi vẫn đảm bảo được hoạt động sản xuất đã thúc đẩy kinh tế nhiều năm qua.

Khắp Trung Quốc, dư luận đã lên tiếng trong tuần này khi sương mù và khói bụi dày đặc che phủ nhiều đô thị lớn của đất nước, ngay cả truyền thông nhà nước cũng đặt câu hỏi về tham vọng của chính quyền xây dựng một “Trung Quốc tươi đẹp.” 

Bầu trời phủ khói đen đã khiến Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi thực thi pháp luật môi trường nghiêm túc hơn, nhưng việc không thể đóng cửa những nhà máy như ở Đại Liên cho thấy thách thức còn rất lớn.

“Họ không hề có ý định dời đi”, một người dân địa phương chỉ cho biết là họ Triệu, 31 tuổi, nói. “Thực ra, họ chưa bao giờ ngưng hoạt động”.

Triệu, làm việc gần nhà máy, nói anh đã phải chuyển việc vì “mùi kinh khủng” bốc ra từ nhà máy. “Mùi quá ghê. Làm việc ở đây lâu dài rất có hại cho sức khỏe,” Triệu nói và cho biết gần đây anh bị ho nhiều.

Khoảng 12.000 người đã xuống đường ở trung tâm thành phố Đông Bắc đất nước này vào tháng 8/2011 sau khi một trận bão khiến nước biển làm vỡ con đập bảo vệ nhà máy và người dân phải sơ tán vì lo sợ các chất độc theo dòng nước lan tới khu dân cư. 

Nhà máy hiện đang sản xuất paraxylene, hay PX, một chất lỏng dễ cháy dùng trong công nghiệp nhựa và dệt may. Nhà chức trách đã cam kết đóng cửa nhà máy và chuyển nó sang một địa điểm khác, trong khi công ty sở hữu nhà máy, Tập đoàn hóa chất Dalian Fujia Dahua, đồng ý “ngừng ngay lập tức dự án sản xuất PX,” theo nhật báo địa phương Dalian Daily. Nhưng sau đó một quan chức thành phố lại nói với truyền thông là nhà máy hoạt động trở lại vì đã đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường.

Kể từ tháng 7, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở ít nhất ba thành phố, một số dẫn tới bạo lực, buộc một số dự án công nghiệp phải hủy bỏ. Tại thành phố miền đông Ninh Ba, người dân nói họ nghi ngờ nhà chức trách có thể giữ lời hứa. Vào tháng 11, Bộ trưởng môi trường Trung Quốc Chu Sinh Hiền cam kết tất cả các dự án lớn đều phải làm báo cáo tác động môi trường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nói nên có hệ thống luật lệ rõ ràng cho vấn đề này, thay vì chỉ đóng cửa nhà máy do sức ép dư luận, có thể gây ra bất lợi cho các doanh nghiệp./.

(Vietnam+) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo