Nhật Bản phá căn nhà từng được dựng để ngăn xây sân bay

Thứ tư, 28 Tháng 11 2012 17:55 Vietnam+
In

Nhật Bản ngày 28/11 đã bắt đầu tiến hành phá hủy hai căn nhà được xây vào năm 1971 trên khu đất dự kiến xây sân bay Narita, những tàn tích của cuộc phản đối cực đoan một thời chống lại việc xây sân bay quốc tế chính của nước Nhật. 

Những ngôi nhà này được xây trong các cuộc biểu tình đẫm máu làm cảnh sát thiệt mạng khi các sinh viên, nhà hoạt động và nông dân cánh tả ném bom tự tạo vào lực lượng gì giữ trật tự khi họ coi mình là nạn nhân của tình trạng cướp đất để phát triển hạ tầng.  

Hàng chục căn nhà đã được xây lên vội vàng hòng ngăn cản việc xây dựng sân bay lớn ở vùng khi đó là nông thôn cách Tokyo 50 km. Một số căn nhà còn tồn tại cho tới khi sân bay được xây xong, khiến nhà chức trách phải nắn lại cả một đường cất cánh. 

Việc phá hủy hai căn nhà đã được Tòa thượng thẩm Tokyo bật đèn xanh vào tháng Tư. “Chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế khu đất này,” một quan chức tại tòa án khu vực Chiba tuyên bố trên trang web của tòa ngày thứ Tư khi khoảng 30 người biểu tình tóc đã muối tiêu tìm cách ngăn cản công nhân đập nhà.

Khoảng 100 cảnh sát đã được huy động để đảm bảo trật tự và không có thông tin gì về người bị thương hay rắc rối lớn tại khu vực cưỡng chế, theo cảnh sát tỉnh Chiba. “Chúng tôi sẽ không để chuyện này xảy ra”, một người biểu tình nói qua loa, trong khi những nhà hoạt động khác giơ cao các băng-rôn phản đối.

Đỉnh điểm của phong trào chống đối cực đoan tại Nhật là vào những năm 1970, khi hàng nghìn người cánh tả đã tụ tập ở vài chục căn nhà xung quanh khu sân bay để ngăn trở việc xây dựng. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhiều vùng ở Nhật Bản vẫn còn là nông thôn, nhưng nước này trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế kỳ diệu để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 


Quang cảnh vụ cưỡng chế đất xây sân bay năm 1978
(Nguồn: AFP) 

Năm 1966, chính quyền quyết định xây dựng một sân bay bên ngoài thủ đô sau khi sân bay Haneda ở vịnh Tokyo hết công suất. Việc giải tỏa đất nông nghiệp đã gây ra nhiều phản đối, nông dân sau đó thu hút được sự ủng hộ của các sinh viên và những nhà hoạt động cánh tả. 

Thời đó, đụng độ thường xuyên diễn ra giữa cảnh sát và hàng nghìn người biểu tình. Các vụ đụng độ từng khiến ba cảnh sát và một nhà hoạt động thiệt mạng. Hàng trăm người biểu tình cũng từng bị bắt giữ. 

Tuy nhiên, phong trào dần đi xuống và hiện chỉ còn lại tám căn nhà xung quanh khu vực sân bay./. 

Trần Trọng 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: