Giá năng lượng cùng lạm phát tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới chi phí đắt đỏ tại các thành phố trong danh sách năm nay của Economist Intelligence Unit.
Theo danh sách của Economist Intelligence Unit, New York và Singapore đã trở thành đô thị đắt đỏ nhất thế giới vào năm 2022. Việc Singapore đứng đầu bảng xếp hạng không có gì đáng ngạc nhiên. Thành phố này là thành phố đắt đỏ thứ hai vào năm 2021 và giữ vị trí số một 8/10 năm qua.
New York và Singapore đã trở thành đô thị đắt đỏ nhất thế giới. (Ảnh: Bloomberg)
Thành phố đứng đầu năm ngoái là Tel Aviv đã tụt xuống vị trí thứ ba. Hong Kong và Los Angeles cũng có mặt trong top 5. Năm nay, Sydney bất ngờ lọt vào Top 10. Các thành phố của Australia nhìn chung đều tăng hạng. Melbourne tăng từ hạng 16 năm ngoái lên hạng 15, Brisbane tăng lên hạng 32 từ hạng 36.
Hai thành phố của Nga là Moscow và St.Petersberg đã tăng bậc nhiều nhất, lên tới 88 bậc và 70 bậc, do các lệnh trừng phạt đã đẩy giá cả lên cao hơn.
Ngoài ra, tất cả 22 thành phố của Mỹ trong cuộc khảo sát đều tăng hạng do đồng USD mạnh. Sáu thành phố trong số này là Atlanta, Charlotte, Indianapolis, San Diego, Portland và Boston, đều nằm trong top 10 thành phố có bước nhảy vọt lớn nhất trong bảng xếp hạng.
Thành phố thuộc các quốc gia có đồng tiền suy yếu thì lại tụt hạng.
Tokyo và Osaka của Nhật Bản nằm trong số 10 thành phố giảm hạng nhiều nhất, lần lượt ở vị trí thứ 37 và 43, giảm từ vị trí thứ 13 và 10 vào năm 2021.
Stockholm và Luxembourg tụt hạng nhiều nhất, cả 2 đều giảm 38 bậc xuống vị trí 99 và 104. Damascus ở Syria và Tripoli ở Libya vẫn giữ vị trí là những thành phố có chi phí rẻ nhất.
Ba thành phố của Anh được khảo sát đều tụt hạng. Trong đó, London đứng thứ 28, giảm từ vị trí thứ 17 vào năm 2021. Edinburgh đứng ở vị trí thứ 46, giảm từ vị trí thứ 27, trong khi Manchester đắt đỏ thứ 73 thế giới, so với vị trí thứ 41 của năm 2021.
Có một thực tế là chi phí sinh hoạt ở 172 thành phố lớn trên thế giới đã tăng trung bình lên 8,1%, mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ. Nguyên nhân là do chiến tranh ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá năng lượng tăng cao, tỷ lệ lạm phát cũng tăng gấp đôi.
Giá xăng dầu tăng là động lực lớn nhất dẫn đến lạm phát cao. Trung bình, một lít nhiên liệu đã đắt hơn 22% so với một năm trước đó.
Giá gas và điện cao hơn 29% ở các thành phố Tây Âu, gấp 3 lần mức tăng trung bình 11% trên toàn cầu, do khu vực này đang cố gắng tìm giải pháp thay thế năng lượng từ Nga.
Tuy vậy, EIU dự đoán việc tăng chi phí sẽ giảm bớt vào năm 2023 khi thế giới loại bỏ được một số áp lực về nhu cầu nhiên liệu và giải quyết được tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Bảo Trung
(Zing.vn)
- "Kinh đô ánh sáng" đón Giáng sinh với tinh thần tiết kiệm năng lượng
- Bỉ: Xây dựng bãi đỗ xe năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới
- EU nhất trí đánh thuế carbon hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường
- Mỹ muốn hợp tác với châu Âu để thúc đẩy thép "xanh"
- Foster + Partners giành chiến thắng cuộc thi kiến trúc Sân bay quốc tế King Salman ở Ả-rập Xê-út
- HKS tiết lộ kế hoạch xây dựng tòa nhà chọc trời ở TP Austin, Mỹ
- Bí ẩn đường hầm rộng lớn dưới ngôi đền Ai Cập cổ đại
- COP27: Chuyển đổi năng lượng bền vững quan trọng cho tăng trưởng kinh tế
- Trung Quốc quyết tâm cứu ngành địa ốc
- Các công ty địa ốc Mỹ giải bài toán "sợ vay" của khách hàng