Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tin tức Thế giới Những lý do khiến Indonesia quyết định dời đô

Những lý do khiến Indonesia quyết định dời đô

Viết email In

Để cân bằng sự phát triển giữa các khu vực của đất nước đồng thời giúp giải quyết vấn nạn kẹt xe, tình trạng ô nhiễm không khí và ứng phó nguy cơ chìm lún ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Joko Widodo quyết định dời thủ đô đến đảo Borneo.

Tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm 26/8, Tổng thống Widodo thông báo quyết định di dời thủ đô từ Jakarta trên đảo Java đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo thuộc khu vực trung tâm của quần đảo Indonesia.

Địa điểm đặt thủ đô mới nằm cách phía Đông Bắc Jakarta 2.000 ki lô mét. Tổng thống Widodo nói công tác dời đô sẽ được triển khai vào năm 2024 nhưng các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ bắt đầu tiến hành vào năm 2021. Kế hoạch dời đô dự kiến tốn kém khoảng 33 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhà nước sẽ đóng góp 19% và số còn lại huy động từ các đối tác công tư và đầu tư tư nhân.


Nạn kẹt xe là vấn đề thường ngày ở Jakarta, Indonesia.
(Ảnh: Kompas)

Có nhiều lý do đằng sau quyết định di dời thủ đô của ông Widodo. Trước hết, Jakarta, nơi sinh sống của 10 triệu người, đang chìm lún nhanh. Hai phần năm diện tích Jakarta đang thấp hơn mực nước biển và một số nơi ở Jakarta đang sụt lún với tốc độ 20 cen ti mét mỗi năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các hoạt động hút nước ngầm liên tục để phục vụ sinh hoạt từ nền đất đầm lầy của Jakarta.

Thứ hai, vấn nạn tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí là hiện thực mà người dân Jakarta phải đối mặt hàng ngày. Chỉ tính riêng nạn kẹt xe đã gây thiệt hại kinh tế 100.000 tỉ rupiah (7 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm cho vùng thủ đô Jakarta.

Trong khi đó, nơi đặt thủ đô mới của Indonesia nằm giữa hai vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara ở tỉnh Đông Kalimantan, nơi ít hứng chịu các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần và núi lửa.

Bên cạnh đó, có những lý do chính trị và kinh tế đằng sau quyết định dời thủ đô khỏi đảo Java.

Ông Widodo cho rằng dời thủ đô đến đảo Borneo sẽ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch thu nhập quá lớn ở quần đảo Indonesia với hơn 17.000 hòn đảo. Đảo Java, nơi thủ đô Jakarta tọa lạc, là hòn đảo lớn thứ tư của Indonesia, là nơi sinh sinh sống 54% trong tổng dân số 260 triệu và đóng góp đến 58% GDP của Indonesia. Trong khi đó, Kalimantan, phần lãnh thổ của Indonesia ở Borneo, đảo lớn thứ ba của Indonesia, là nơi sinh sống của 5,8% dân số Indonesia và chỉ đóng góp 8,2% GDP hàng năm của Indonesia.

Tổng thống Widodo cho rằng kế hoạch di dời thủ đô sẽ khuyến khích tăng trưởng bên ngoài đảo Java, thúc đẩy đầu tư hạ tầng và dịch vụ ở khu vực phía Đông đất nước, ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” ở các tỉnh kém phát triển khi người dân đổ dồn về Java.


Đảo Borneo

Kyle Springer, nhà phân tích ở Trung tâm Perth USAsia Centre thuộc Đại học Tây Úc, cho rằng lý do ông Widodo quyết định di dời thủ đô đến đảo Borneo là nhằm phân tán sự phát triển đến khu vực trung tâm của quần đảo Indonesia.

Yayat Supriyatna, chuyên gia quy hoạch đô thị ở Đại học Trisakti ở Jakarta, nhận định Kalimantan có nhiều yếu tố thuận lợi để đặt thủ đô mới, bao gồm có sẵn những sân bay và hệ thống đường sá, mạng lưới viễn thông được quy hoạch tốt cũng như được tiếp cận rộng rãi với nguồn nước sinh hoạt.

Supriyatna nói: “Kalimantan có vị trí chiến lược nằm ở khu vực trung tâm Indonesia và có rất nhiều đất đai thuộc sở hữu của chính phủ và các công ty nhà nước. Điều này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và di dời thủ đô”.

Sau khi các cơ quan chính phủ Indonesia dọn đến thủ đô mới ở Kalimantan, Jakarta sẽ được tiếp tục phát triển với vai trò là trung tâm tài chính và kinh tế của đất nước. Theo các dự báo, đến năm 2030, vùng thủ đô Jakarta (bao gồm Jakarta và các vùng lân cận) sẽ vượt qua Tokyo để trở thành đô thị đông dân nhất thế giới với khoảng 35,6 triệu dân. Chính phủ Indonesia đang chi 43 tỉ đô la để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông ở Jakarta bao gồm hệ thống tàu điện ngầm vừa khai trương hồi đầu năm 2019. Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng lên kế hoạch xây dựng đê chắn sóng khổng lồ bao quanh Jakarta để ngăn triều dâng tràn vào thành phố này.

Lê Linh

(TBKTSG /Theo Bloomberg)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo