Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Sự kiện Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4

Viết email In

Năm nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập Hội (27/4/1948 - 27/4/2013) và Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, trong không khí cả nước sôi nổi đón chào các ngày lễ lớn của dân tộc và đóng góp cho Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tinh thần đổi mới và dân chủ.  

Cách đây 65 năm, ngày 27/4/1948, tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư (KTS), tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay, đã được tiến hành với sự có mặt của 8 KTS sáng lập, đến từ Liên khu 1, Liên khu 10, Khu 3 và Khu 4. Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn. Trong thư, Người viết: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đạc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. 

Việc ra đời Đoàn KTS Việt Nam trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của cuộc kháng chiến, đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ đối với giới KTS, khẳng định vai trò, vị trí của KTS và của Đoàn KTS Việt Nam trong cuộc kháng chiến và công cuộc kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi. Ashui.com 

65 năm qua, các thế hệ KTS đã nối tiếp nhau viết nên những trang sử vàng truyền thống của Hội, đúc kết những nguyên nhân cơ bản, tạo nên thành công của Hội KTS Việt Nam hôm nay: 

1. KTS Việt Nam giàu lòng yêu nước và trung thành với Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho sự nghiệp của dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một số KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, đã từ bỏ cuộc sống giàu sang trong thành phố để ra chiến khu tham gia kháng chiến, không sợ hy sinh, gian khổ. Họ là những người sáng lập Đoàn KTS Việt Nam và trực tiếp lãnh đạo 4 Phòng Kiến trúc đóng tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam và Thanh Hóa, để tập hợp, tổ chức cho các KTS đi vào chiến khu, tham gia phục vụ chiến đấu và xây dựng. Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, các KTS đã sát cánh cùng đồng bào cả nước lao động sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và chi viện cho cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam. Theo lời kêu gọi của Đảng, nhiều KTS đã nhập ngũ và lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, thiết kế xây dựng các công trình trong vùng giải phóng. Và họ cũng là lực lượng nòng cốt xây dựng ngành xây dựng, kiến trúc quy hoạch ở phía Namsau khi đất nước thống nhất.

2. KTS Việt Nam yêu nghề, luôn năng động và nỗ lực sáng tạo, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.

Thực hiện lời dạy của Bác: “Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công”, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều công trình kiến trúc phục vụ kháng chiến do các KTS thiết kế ra đời. Những Trụ sở UBHC Tỉnh, Nhà Thông tin, Khu nhà họp Đại hội Đảng lần thứ II, nhà ở cho dân… có kiến trúc giản dị nép mình bên bờ suối, giữa rừng già, hòa quyện với thiên nhiên…được xây cất bằng vật liệu tranh tre, nứa lá, là những tác phẩm vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ kháng chiến, vừa có khả năng biểu hiện nghệ thuật kiến trúc của dân tộc. Đó cũng chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho nền nghệ thuật kiến trúc Cách mạng.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, tháng 4/1957, Đại hội KTS Việt Nam lần thứ II đã tập hợp lực lượng KTS từ chiến khu trở về, từ miền Nam tập kết, từ các vùng tạm chiếm ở lại để sát cánh cùng nhau đem tài năng sáng tạo phục vụ công cuộc xây dựng CNXH. Nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ chủ chốt xây dựng và lãnh đạo ngành Kiến trúc - Quy hoạch xây dựng non trẻ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đồ án quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh… hay các công trình kiến trúc như Hội trường Ba Đình, Học viện Thủy Lợi, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Tổng cục Thống Kê… một số tiểu khu nhà ở, khu công nghiệp ở Hà Nội, Việt Trì, Phú Thọ, Lào Cai… là những biểu hiện sinh động cho giai đoạn mở đầu của nền kiến trúc XHCN. Nhiều công trình trong số đó đến hôm nay vẫn là những chuẩn mực của nền nghệ thuật kiến trúc Việt Namđương đại.

Trong những năm tháng của cuộc chiến tranh phá hoại, ném bom miền Bắc, đội ngũ KTS khi ấy đã lên tới hơn 300 người được đào tạo trong nước và từ các nước XHCN anh em, đã cùng toàn dân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sáng tạo của KTS lúc này là các công trình phục vụ quốc phòng, bảo vệ các cơ sở kinh tế quan trọng, bảo vệ Lãnh tụ, Trung ương Đảng và Chính phủ… Công trình Cột cờ phía Bắc cầu Hiền Lương sông Bến Hải, Tháp Truyền hình trên núi Tam Đảo là biểu tượng sinh động của tình yêu Tổ quốc, lòng dũng cảm và sức sáng tạo của KTS và kỹ sư Việt Nam. Trong gian khổ của chiến tranh, nhiều cuộc thi kiến trúc trong nước vẫn được thường xuyên tổ chức để phục vụ yêu cầu dân sinh và chính trị xã hội. Nhiều KTS Việt Namđã đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác Kiến trúc Quốc tế.

Miền Nam được giải phóng (30/4/1975), đất nước thống nhất, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử kiến trúc dân tộc. Tháng 11/1983, tại Hà Nội, Đại hội KTS Việt Namlần thứ III được tiến hành. Đây là Đại hội lịch sử, Đại hội của sự đoàn kết, sum họp dưới một mái nhà chung. Đây cũng là Đại hội chuyển giao thế hệ, từ lớp KTS lão thành tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, sang đội ngũ KTS được đào tạo và trưởng thành trong những năm khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc. Đại hội đã đổi tên Đoàn KTS Việt Namthành Hội KTS Việt Nam. Tại Đại hội này, KTS Huỳnh Tấn Phát, một nhà cách mạng nổi tiếng đã được tôn vinh làm Chủ tịch Hội. 

Đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Con thuyền Kiến trúc Việt Namcó điều kiện tung buồm, no gió lướt trên biển sáng tạo. Công cuộc đô thị hóa đã nhanh chóng thúc đẩy sự hình thành một hệ thống với gần 800 đô thị trải đều từ Bắc đến Nam. Đô thị và nông thôn đã đổi mới cả về lượng và chất theo hướng văn minh hiện đại. Nền nghệ thuật Kiến trúc Việt nam đã bắt đầu xuất hiện những tác giả, tác phẩm được thế giới vinh danh. Và Việt Namcũng là nơi đến đầy hấp dẫn, tụ hội nhiều KTS tài năng và Tập đoàn Kiến trúc nổi tiếng thế giới.

3. KTS Việt Nam luôn hướng đến cái mới, hướng về tương lai, đi đầu trong đổi mới sáng tạo nghệ thuật Kiến trúc và trong hội nhập quốc tế.

Thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, là cơ hội để Hội KTS Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá kiến trúc dân tộc với các tổ chức KTS trên thế giới như Hiệp hội KTS Quốc tế U.I.A, Hiệp hội KTS châu Á ARCASIA và nhiều nước khác. Hội nhập quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho KTS tiếp cận với tiến bộ của kiến trúc quốc tế. KTS Việt Nam, đặc biệt là KTS trẻ, được đào tạo từ các trường Kiến trúc trong nước và ở nước ngoài đã nhanh chóng tiếp thu các công nghệ thiết kế tiên tiến trên thế giới, áp dụng có sáng tạo vào thiết kế kiến trúc của Việt Nam. Xu hướng sáng tác kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững mang bản sắc dân tộc, đã và đang được Hội KTS Việt Namcổ vũ. Nhiều tác phẩm của KTS trẻ và sinh viên Kiến trúc đạt giải cao và được vinh danh qua các cuộc thi kiến trúc quốc tế, đã sáng tác theo xu hướng này. Các kỳ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia được tổ chức hai năm một lần, luôn thu hút sự quan tâm tham gia của giới KTS, kể cả khi nền kinh tế đất nước bị suy giảm, hành nghề kiến trúc gặp khó khăn, đã chứng tỏ sức trẻ, sức sáng tạo bền bỉ của KTS Việt Nam. Các tác phẩm đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia ngày càng chất lượng, sáng tạo với tư duy mới, hiện đại, tiện nghi, thích dụng, thân thiện với thiên nhiên, với con người, góp phần làm thay đổi lối sống, nếp sống của xã hội theo hướng văn minh và đậm bản sắc Việt Nam. Những xu hướng kiến trúc có một thời thịnh hành như kiến trúc nhại cổ, kiến trúc sao chép, kiến trúc phô trương, chạy theo hình thức đã và đang bị phê phán và dần bị loại bỏ trong sáng tác của KTS.

4. Hội KTS Việt Nam luôn ổn định về chính trị, gắn bó và hòa nhập với cộng đồng, với xã hội, thành công trong hoạt động nghề nghiệp, đồng lòng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Trải qua 65 năm, Hội KTS Việt Nam ngày càng lớn mạnh về lượng và chất. Từ 8 KTS sáng lập, đến nay, qua 8 Kỳ Đại hội, Hội KTS Việt Nam đã có gần 5 ngàn Hội viên, trong tổng số 16 ngàn KTS cả nước, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Tư vấn thiết kế, nghiên cứu, đào tạo, quản lý… Hội KTS cơ sở được thành lập tại các tỉnh, TP trên cả nước và tại các Trường đào tạo KTS, Viện Nghiên cứu, tổ chức Tư vấn thiết kế. Hội đã làm tốt công tác nghiên cứu lý luận, tư vấn phản biện xã hội, chăm lo cải thiện môi trường hành nghề, tích cực xúc tiến việc xây dựng Luật KTS cũng như chăm lo công tác đào tạo KTS, bồi dưỡng KTS trẻ thông qua các lớp học nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Các Giải thưởng Loa Thành dành cho sinh viên Kiến trúc; Liên hoan KTS trẻ toàn quốc; Liên hoan sinh viên Kiến trúc cùng nhiều hoạt động nghề nghiệp đa dạng và đổi mới đã thu hút, tập hợp rộng rãi KTS cả nước dưới mái nhà chung là Hội KTS Việt Nam. 

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua với thái độ đầy trách nhiệm đối với nền kiến trúc nước nhà. Ngày hôm nay, Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn: Đó là xu hướng quốc tế hóa Kiến trúc Việt Nam; là sự lạc hậu về công nghệ, về công tác quản lý đầu tư xây dựng; Kiến trúc đô thị còn ngổn ngang, mất trật tự; Kiến trúc nông thôn đang có xu hướng lai căng và mất bản sắc truyền thống.

Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội, chúng ta mãi mãi ghi sâu lời dạy của Bác Hồ trong thư Người gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Namnăm xưa. Luôn nhớ đến các KTS lão thành, và nhiều KTS đã không còn nữa vì sự cống hiến của họ cho sự nghiệp Cách mạng và nền nghệ thuật Kiến trúc dân tộc, làm rạng rỡ trang sử vàng truyền thống của Hội chúng ta. 

Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội, tự hào về những đóng góp của mình cho Tổ quốc, cho sự nghiệp Cách mạng, chúng ta nguyện đoàn kết đồng lòng, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng vươn lên xây dựng Hội KTS Việt Nam ngày một vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao cho, góp phần xứng đáng vào công cuộc CNH, HĐH đất nước và xây dựng thành công nền Kiến trúc Việt Nam xanh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc trong thế kỷ XXI. 

KTS Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam (ảnh bên) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo