Hội nghị “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030"

Thứ sáu, 15 Tháng 4 2011 21:28
In

Hội nghị quốc tế về báo cáo “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030" đã diễn ra ngày 15/4 tại Hà Nội, do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, đồng tổ chức cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Hội nghị nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp vào báo cáo cuối kỳ về Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài về xây dựng chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch an toàn giao thông tại các tỉnh khác nhau.

Hội nghị cũng là một hoạt động nhằm hưởng ứng lễ phát động “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ toàn cầu”của Liên hợp quốc.

Báo cáo cuối kỳ về Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được trình bày tại hội nghị cho thấy để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư 77 dự án, chương trình đảm bảo an toàn giao thông cho hai giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 với tổng kinh phí hơn 41.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, giai đoạn 2011-2015, sẽ thực hiện đầu tư 45 chương trình, dự án ưu tiên với tổng số vốn trên 34.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư vào kết cấu cơ sở hạ tầng trên 32.000 tỷ, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) với 500 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, sẽ đầu tư vào 32 dự án với số vốn trên 6.500 tỷ đồng, chủ yếu vẫn tập trung vào kết cấu hạ tầng giao thông, ứng dụng ITS và tổ chức giao thông.

Báo cáo cũng cho thấy mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020 giảm số người chết do tai nạn giao thông từ 13 người (năm 2009) xuống 8 người, đến năm 2030 xuống còn 4-6 người tính cho 100.000 người dân.

Hệ thống quản lý an toàn giao thông được thiết lập hiệu quả và ổn định. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng các tiêu chí về an toàn giao thông. Để đạt được điều này báo cáo đưa ra chiến lược về kết cấu hạ tầng giao thông trong đó nhắm tới kết cấu hạ tầng dành riêng cho mô tô và xe gắn máy, đảm bảo an toàn giao thông cho đường cao tốc, xây dựng hoàn thiện hệ thống thẩm định an toàn giao thông đường bộ, cải tạo các điểm đen tai nạn giao thông, sớm đưa vào sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, áp dụng các công trình và trang thiết bị an toàn giao thông.

Bên cạnh đó cũng cần tập trung vào các chiến lược tổ chức giao thông, chiến lược đăng kiểm và quản lý phương tiện giao thông, chiến lược về đào tạo và cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện giao thông, chiến lược tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông, chiến lược cứu hộ, cứu nạn và công tác cưỡng chế thi hành pháp luật về an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới, với sự bùng nổ của các phương tiện cơ giới đường bộ, tốc độ đô thị hóa cao và kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, tai nạn giao thông ở Việt Nam liên tục gia tăng trong nhiều năm qua.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đảm bảo an toàn giao thông là vấn đề mang tính xã hội cấp bách, tuy nhiên sự yếu kém về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, công trình và trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông còn thiếu, ý thức của người dân đang là nguyên nhân chính khiến tai nạn giao thông gia tăng.

Chiến lược này sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về thực trạng, khó khăn và giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu khoảng 40% tai nạn giao thông vào năm 2020.

Đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, vấn đề khó khăn trong việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông ở Việt Nam là thiếu kinh phí và nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm, kiến thức triển khai…

Do đó, để chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam đạt được hiệu quả cao, các cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược thu hút hiệu quả nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hơn nữa. Chính quyền Trung ương phải tăng cường hỗ trợ chính quyền địa phương phát triển nhân lực về an toàn giao thông…

Tại hội nghị, WHO và UNICEF đã giới thiệu Chương trình thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011-2020 và triển khai Chương trình thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu bắt đầu từ New Zealand và kết thúc tại Mexico vào ngày 11/5.

(TTXVN/Vietnam+


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: