Sáng 20/6, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Quản lý và phát triển Thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương”.
Dự và chủ trì Hội thảo có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Về phía tỉnh Ninh Bình có ông Đoàn Minh Huấn - Bí thư tỉnh uỷ Ninh Bình; ông Mai Văn Tuất - Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ Ninh Bình; ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.
200 đại biểu đến từ Bộ Xây dựng, Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Cục Phát triển đô thị, Viện Kiến trúc Quốc gia. Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và các trường đại học, học viện, viện… cùng dự Hội thảo.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu khai mạc Hội thảo
Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Xu thế đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra trên toàn cầu ngày nay đã dẫn đến những vấn đề, thách thức tiềm ẩn khiến cho nhiều đô thị sở hữu di sản đối mặt với nguy cơ bị lấn át, mất đi bản sắc cũng như sự độc đáo riêng có. Nhiều quốc gia đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng, phát triển, bảo tồn đô thị di sản phù hợp. Thực tế đã chứng minh, đầu tư vào các đô thị có yếu tố di sản không chỉ mang lại hiệu quả và lợi nhuận về kinh tế, mà còn là đầu tư cho hình ảnh, vị thế, vai trò của cả một quốc gia, một địa phương.
Với tiềm năng và lợi thế của vùng đất có vị thế địa lý, có các công trình kiến trúc, văn hóa kinh kỳ độc đáo, cùng những giá trị địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới thì định hướng để Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là có căn cứ song cần lựa chọn mô hình cấu trúc đô thị hợp lý với lộ trình thích hợp. Cấu trúc không gian kiến trúc - cảnh quan cần gắn liền với các yếu tố thiên nhiên đặc trưng, nhằm kiến tạo bản sắc đô thị mang tính tiếp nối, trên nền tảng bảo tồn, kế thừa và phát triển quỹ di sản văn hoá - thiên nhiên vốn có của Ninh Bình. Phân vùng tổ chức không gian dựa trên nền tảng cảnh quan sinh thái, vai trò hệ thống thủy lợi, dòng sông cổ, địa mạo, địa chất trong khu di sản...
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam báo cáo đề dẫn Hội thảo
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Ninh Bình là địa phương sở hữu di sản thiên nhiên văn hoá thế giới do UNESCO công nhận, Ninh Bình đang hướng đến phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hoá, con người, cảnh quan thiên nhiên vùng đất Cố đô Hoa Lư và những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; đẩy mạnh phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị Cố đô Hoa Lư. Từng bước đầu tư xây dựng, hình thành đô thị đảm bảo năng lực bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc vùng đất Cố Đô và di sản văn hóa vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Ninh Bình phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO.
"Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những định hướng quan trọng là của tỉnh là cần phải xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình là ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và hình ảnh riêng gắn với tiềm năng, giá trị Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An", Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.
Hội thảo thu hút hàng trăm khách mời đến từ các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương, các Cục, Vụ Viện, trường Đại học...
Hội thảo “Quản lý và phát triển Thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO - Nhận thức lý luận, kiến tạo thể chế và hành động địa phương” góp phần làm rõ thêm những quan điểm, định hướng chung, từ đó thúc đẩy việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị để các đô thị di sản giữ được bản sắc, không xung đột với những giá trị của di sản cố đô trong quá trình hiện đại hóa; đồng thời đáp ứng yêu cầu phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.
Hội thảo cũng là cơ hội để Ban Tổ chức được lắng nghe những ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều cho định hướng Quản lý và phát triển các thành phố di sản Cố đô sở hữu danh hiệu UNESCO, kiến tạo thể chế và xác định hành động địa phương cho các thành phố di sản nói chung, từ đó khơi mở ra cho các đô thị di sản ở Việt Nam những bước đi rõ ràng, vững chắc trong tương lai.
Thiên Kim - Xuân Dần
(Báo Pháp luật Việt Nam)
- Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”
- [Cà phê Net Zero] Giải pháp giảm chi phí đầu tư công trình xây dựng để tiến tới Net Zero
- Diễn đàn Đổi mới công tác phát triển đô thị Hàn Quốc – Việt Nam
- [VGU] Tọa đàm “Công nghệ trong thiết kế, xây dựng: Xu hướng và tương lai”
- Khởi động Ashui Awards 2024 (lần thứ 13)
- Công bố Báo cáo “Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không”
- Hội thảo "Chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An thành phố sáng tạo toàn cầu"
- Battery Expo 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam
- Talkshow "Kiến trúc & Chữa lành" - diễn giả: KTS Võ Trọng Nghĩa
- Tuần lễ Ta đi xe đạp 2024 (lần thứ 6): "Ta đi xe đạp tới Net Zero"