Tuần lễ Công trình Hiệu quả Năng lượng Việt Nam - VEEBW 2021

Thứ năm, 14 Tháng 10 2021 00:10
In

Từ ngày 03/11 đến 05/11/2021, Tuần lễ Công trình Hiệu quả Năng lượng Việt Nam - VEEBW 2021 với chủ đề “Công trình – Thành phố 0 Carbon. Vì Con người – Vì Tương lai” do Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam) tổ chức sẽ diễn ra nhằm thúc đẩy mục tiêu phát thải cân bằng Net-zero trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Chương trình bao gồm 03 hội thảo trực tuyến quy tụ các tổ chức, chuyên gia từ lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, thiết kế, tư vấn, vật liệu và năng lượng tái tạo trong nước và các quốc gia phát triển. Trọng tâm bao gồm các chia sẻ đa chiều về chiến lược phát triển quy hoạch xây dựng thành phố carbon thấp qua các bài học kinh nghiệm quốc tế và địa phương, ứng dụng các giải pháp và đổi mới sáng tạo trong thiết kế, vật liệu mới và năng lượng tái tạo. Từ đó thiết lập tiền đề phát triển bền vững thế hệ công trình cân bằng năng lượng sắp tới vì con người và tương lai Việt Nam.

Chương trình được hỗ trợ bởi Viện Goethe và Friedrich-Ebert-Stiftung Việt Nam (FES). Chuỗi hội thảo trực tuyến được đồng tổ chức bởi Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành Thương mại và Công nghiệp (CIRTS) và Công ty GROHE. Tuần lễ có sự tham gia của các đối tác chuyên gia như Đại học Katholieke Universiteit Leuven (KU Leuven), Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE), Đại học Bách Khoa Đà Nẵng (DUT), Except Integrated Sustainability, Công ty  TNHH  Edeec,  và  Viện  Vật  liệu  Xây  dựng  Việt Nam (VIBM). Chương trình được  tài  trợ  bởi  Royal HaskoningDHV Việt Nam, Tập đoàn Phúc Khang và Elithis Asia. Ashui.com là đối tác truyền thông chính thức.
 
Hiện nay, trước những thách thức của biến đổi khí hậu và mục tiêu đạt mức phát thải cân bằng trong lĩnh vực xây dựng “Net Zero”, các công trình hướng tới mục tiêu cân bằng phát thải khí CO2 - đã xuất hiện tại những thành phố lớn trên thế giới. Thành phố được coi là khởi nguồn dẫn dắt mục tiêu toàn cầu này bởi làn sóng tăng trưởng đô thị yêu cầu thêm 230 tỷ m2 diện tích sàn mới vào nguồn cung xây dựng toàn cầu mỗi tháng trong 40 năm(1). Nhu cầu xây dựng đi kèm với tốc độ đô thị hóa và chất lượng cuộc sống được nâng cao tại các đô thị đồng thời cũng góp phần đẩy mức nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại các thành phố chiếm đến 66% nhu cầu năng lượng toàn cầu, là tác nhân của 75% lượng khí thải CO2(2). Để đạt được mục tiêu cân bằng phát thải vào năm 2050, tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị của ngành xây dựng cần hành động nhằm tối thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng, ứng dụng vật liệu mới và năng lượng tái tạo.
 
Việt  Nam, một  quốc gia đang phát triển chịu nhiều  ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, không thể nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự thiếu hoàn thiện của các hệ thống đánh giá kiểm toán carbon và sự thiếu toàn diện của các chương trình và mô hình thực nghiệm trong lĩnh vực xây dựng tạo nên một khoảng trống về các dự án Net zero trong thị trường. Những thách thức này cho thấy việc tăng cường trao đổi và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, các đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công trình cân bằng phát thải là hết sức cần thiết.
 
Trong  bối  cảnh  này,  ba  hội  thảo  trực  tuyến được tổ chức  nhằm  tạo  nên  ba mảnh  ghép  quan  trọng trong việc thúc đẩy phong trào “Net-zero” trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam bao gồm: (i) Chiến lược phát triển ngành xây dựng qua các bài học kinh nghiệm quốc tế; (ii) Ứng dụng các giải pháp và đổi mới sáng tạo trong thiết kế và vật liệu mới nhằm giải quyết các thách thức của công trình cân bằng năng lượng; (iii) Vai trò phối hợp giữa hiệu quả năng lượng  và ứng dụng năng lượng tái tạo trong công trình cân bằng năng lượng.

Thông qua ba hội thảo, VEEBW 2021 hướng tới việc tạo tiền đề cho việc định hướng và xây dựng chiến lược cho thị trường xây dựng Việt Nam thông qua việc cập nhật các mô hình sáng kiến tiêu biểu và kinh nghiệm từ các thành phố, công trình cân bằng phát thải hàng đầu thế giới, từ đó nhận diện thách thức và cơ hội cho thị trường xây dựng Việt Nam. Hơn nữa, những cập nhật mới nhất về đổi mới sáng tạo, giải pháp mới, mô hình tiên tiến được đặt trong bối cảnh Việt Nam góp phần mở ra những cơ hội để các cộng đồng các doanh nghiệp và cá nhân hành nghề có thể tìm kiếm, sáng tạo các phương pháp, giải pháp kỹ thuật vừa tiên tiến nhất trên thế giới vừa khả thi, phù hợp với thị trường Việt Nam.

Tham khảo:
(1) Global ABC, Global Status Report 2017
(2) https://unhabitat.org/topic/energy  
(3) Global ABC, Global Status Report 2018, EIA

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: