Hội thảo “ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”

Thứ sáu, 06 Tháng 12 2019 20:00
In

Chiều 6/12, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức hội thảo “ThangLong Wind – Sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam”. Với tổng công suất đạt khoảng 3.400MW, ThangLong Wind được đánh giá là dự án trọng điểm quốc gia và sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra những đột phá kinh tế cho Việt Nam.


Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng nhanh chóng thực hiện dự án là bước đi nhanh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất để phát triển bền vững.

Tại hội thảo, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá: “Tập đoàn Enterprize Energy là nhà đầu tư lớn đến từ Vương quốc Anh. Tập đoàn đã và đang đầu tư, vận hành các dự án điện gió ngoài khơi hoạt động tốt và đạt hiệu quả rất cao. Trong khi đó, Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định từ năm 2020 tới năm 2023, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng nếu các dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh tiếp tục bị chậm tiến độ. Với tình hình như vậy, dự án ThangLong Wind là một đột phá, sẽ bổ sung nguồn điện và hỗ trợ cho tình trạng thiếu điện từ năm 2023 đến năm 2027 và đến năm 2030 trở đi. Điều này rất có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam. Tính đến nay, dự án mong muốn được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh vào thời gian giữa năm 2020 để chủ đầu tư bắt đầu triển khai thực hiện trong thời gian 2 năm, đến năm 2023 các tổ máy đầu tiên sẽ bắt đầu phát điện. Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của dự án, chúng tôi – những người thực hiện dự án vô cùng hy vọng Chính phủ xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, là mũi nhọn phát triển kinh tế để nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ cấp trung ương tới các bộ, ngành, EVN và UBND tỉnh Bình Thuận”.

Các chuyên gia năng lượng cũng nhận định, nếu dự án thành công sẽ tối ưu hoá nguồn nội lực về các ngành công nghiệp thiết kế, gia công, chế tạo với kỳ vọng sử dụng từ 6 - 8,3 tỷ USD vốn đầu tư cho các nhà thầu tại Việt Nam trong quá trình khảo sát, thiết kế, gia công, chế tạo và tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 600 triệu USD cho các nhà thầu Việt Nam trong quá trình vận hành vào bảo trì, bảo dưỡng.

Bên cạnh việc giải quyết bài toán năng lượng lâu dài cho quốc gia, việc đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi và kinh tế biển sẽ góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia và lãnh hải, thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhà thầu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, còn có thể tận dụng công nghệ và thiết bị xây dựng góp phần chuyển giao/bổ sung chiến lược và lao động hiện có của các ngành vận tải biển và cảng, thăm dò và khảo sát biển.


Dự án được đầu tư bởi Enterprize Energy cùng các đối tác chiến lược hàng đầu như Societe Generale, PVC – MS, PECC3, Vietsovpetro…

Cũng tại hội thảo, ông Gareth Ward - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam khẳng định: “Chúng ta nên xem dự án là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Ngày nay, năng lượng tái tạo đã trở thành xu thế tất yếu để phát triển bền vững, thay thế nguồn năng lượng hóa thạch. Vương quốc Anh hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển điện gió trên thế giới. Tại Anh, các công trình điện gió cung cấp năng lượng cho khoảng 4,5 triệu hộ gia đình hàng năm và chiếm khoảng 10% điện năng toàn Vương quốc Anh vào năm 2020. Tổng công suất điện gió ngoài khơi được lắp đặt tại Anh tính đến tháng 2/2019 là 8.183 MW. Đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ cung cấp khoảng 1/3 năng lượng của Anh và tạo ra khoảng 30.000 việc làm mới trong ngành này”.

Đặc biệt, chi phí phát triển điện gió ngoài khơi mới đã giảm 50% kể từ năm 2015 và hiện tại đây là một trong những lựa chọn có chi phí thấp nhất cho ngành năng lượng mới ở Anh, rẻ hơn so với năng lượng hạt nhân và khí đốt. Từ năm 2016 đến 2021, gần 19 tỷ bảng Anh đã được đầu tư vào điện gió ngoài khơi. Khoản đầu tư này đã hỗ trợ hàng ngàn việc làm trên khắp Vương quốc Anh trong quá trình xây dựng, phát triển dự án và vận hành. Để làm được điều này, Chính phủ Anh đã đặt mục tiêu giảm 90% lượng khí thải carbon từ năm 1990 đến năm 2050. Chính những điều đó đã thúc đẩy các ngành năng lượng tái tạo tại Vương quốc Anh.

Căn cứ theo báo cáo của Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng ESMAP, Việt Nam cũng là quốc gia có tài nguyên gió ngoài khơi tương tự so với Vương quốc Anh. Chính vì vậy, Vương quốc Anh rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam khai thác tài nguyên này để giúp đáp ứng các mục tiêu về năng lượng của đất nước. Hiện tại, có hai dự án điện gió ngoài khơi có giá trị kinh tế lớn sẽ được phát triển tại Việt Nam đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long ở tỉnh Bình Thuận và điện gió ngoài khơi ở Sóc Trăng được phát triển bởi các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh.

Tìm hiểu được biết, dự án ThangLong Wind nằm ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (tính từ mũi Kê Gà trở ra) khoảng 50km, diện tích trên 2.000km2, có tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau. Những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó với sự tiến bộ của công nghệ sẽ được tăng lên 10MW - 12MW. Giai đoạn I của dự án ThangLong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW (64 cột gió).

Các giai đoạn phát triển tiếp theo là ThangLong Wind II, III, IV, V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023 - 2026 với công suất mỗi giai đoạn 600MW. Giai đoạn phát triển cuối là ThangLong Wind VI với công suất 400MW.

Như vậy, tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỷ USD (chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia).

Diệu AnhKhánh Hòa

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: