Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Tin tức Sự kiện Triển lãm - sắp đặt: "Thay hình đổi mặt"

Triển lãm - sắp đặt: "Thay hình đổi mặt"

Viết email In

Từng là biểu tượng cho không gian xã hội mới, nhà tập thể là một trang quan trọng trong lịch sử nhà ở của Việt Nam. Những biến tấu của nhà tập thể bột phát từ người cư ngụ nhằm đáp ứng nhu cầu của mình là minh chứng của “cái khó ló cái khôn”. Nó là kỳ tích của khả năng thích ứng và xoay sở của người Việt. Liệu chúng ta đã thực sự TRÔNG THẤY, NHÌN NGẮM và CHIÊM NGHIỆM về nó trước khi những tòa nhà có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn? Với triển lãm “Thay hình đổi mặt”, Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế muốn ghi lại nét thơ của những khu nhà tập thể và lưu lại như một tài liệu về nơi ở và một phong cách sống đang dần biến mất của người thành thị.  

Thay hình đổi mặt” là triển lãm chung của hai của hai nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế, nghệ sỹ – giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Với “Thay hình đổi mặt”, hai nghệ nghĩ sẽ mang đến cho khán giả thủ đô một Hà Nội “giống như một bảo tàng sống, lưu trữ đầy đủ cả ký ức của quá khứ và nhịp sống của hiện tại”. 

Triển lãm – sắp đặt
Thay hình đổi mặt
của Nguyễn Thế Sơn & Trần Hậu Yên Thế
Sảnh triển lãm L’Espace
Khai mạc : 23.09.2016 – 18h00
Triển lãm : 23.09 > 05.11.2016
Vào cửa tự do. 

Buổi nói chuyện của các nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế và nhà nghiên cứu Emmanuel Cerise về đề tài triển lãm
Hội trường l’Espace
06.10.2016 – 18h00
Vào cửa tự do. 

 

'Truy vấn hình hài' nhà tập thể Hà Nội 

Sau triển lãm Nhà tây biến hình, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế và họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (cùng là giảng viên ĐH Mỹ thuật Việt Nam) tiếp tục chuỗi dự án Sự biến đổi cảnh quan của đô thị trong thời kỳ chuyển đổi. Triển lãm Thay hình đổi mặt khai mạc chiều 23/9 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội) là một phần kết quả của chuỗi dự án. 

Với triển lãm Thay hình đổi mặt, cả hai tác giả muốn bổ sung tiếp một mảng nghiên cứu về một diện mạo rất điển hình của đô thị đương đại ngày hôm nay: Nhà tập thể.

Mặt tiền những “cơ thể” cũ kỹ

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, mô hình “nhà tập thể” đã từng du nhập, xuất hiện ở Thủ đô như một biểu tượng của cuộc sống mới với tiện nghi khép kín, một điều khá “xa xỉ” kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ nay với bao đổi thay về hình dạng và cấu trúc qua từng thời kỳ lịch sử và sự phát triển của đô thị.

Để kịp thích ứng với làn sóng thương mại hóa, những con phố, những căn nhà cũng dần thay đổi với những diện mạo mới. Đời sống thương mại đô thị đã ghi dấu đậm nét lên mặt tiền của những ngôi nhà.

Nhìn vào “cơ thể sống” ấy với những dấu tích cũ còn sót lại kết hợp cùng những biểu tượng mới xuất hiện, ta như có cảm giác được thấy từng lớp lịch sử của đô thị. Và cho dù thời gian có lùi xa bao nhiêu, dù cho không ít vẻ đẹp đã lùi sâu vào những góc khuất như một sự lánh xa con người thì vẫn còn những vẻ đẹp hiển hiện, vẫn còn những con người có tâm hồn đẹp luôn đau đáu đi tìm để lưu giữ lại những kí ức thiêng liêng ấy. 


Nhà A3 Thanh Nhàn qua thủ pháp nhiếp ảnh của Nguyễn Thế Sơn 

Với thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cố gắng “bóc lớp” các dấu ấn của thời gian cũng như dấu ấn của con người đã tác động thế nào đối với các khu tập thể ở Hà Nội. Kết hợp thủ pháp “tranh nổi” dành cho người khiếm thị của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, cả hai nỗ lực “truy vấn hình hài” và những câu chuyện bên lề của những khu tập thể. Có thể nói đây là triển lãm nghệ thuật thị giác dành cho cả người khiếm thị, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho cảngười xem lẫn “người sờ”.

Thay hình đổi mặt còn là hai thái cực trái ngược với nhau. Nếu như tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn quan tâm đến những dị dạng chuồng chim, chuồng cọp của nhà tập thể hiện nay thì tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế lại kiếm tìm những hình bóng xưa của những ngôi nhà tập thể thủa ban đầu.

Ngoài ra, trong triển lãm còn trưng bày cả chiếc tem vẽ khu tập thể Kim Liên thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước. 

Lưu giữ “ký ức tập thể” trước khi mất dấu

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết, anh hiện đang sống ở nhà tập thể khu Thanh Nhàn. Còn họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng đã gắn bó với nhà tập thể hơn 30 năm. Triển lãm ghi dấu một “chặng đường lọ mọ” 20 năm gắn bó với đề tài nhà tập thể của cả hai tác giả.

Trần Hậu Yên Thế chia sẻ mong muốn: “được mọi người trông thấy hình hài, nhìn ngắm vẻ đẹp và chiêm nghiệm về số phận của những ngôi nhà tập thể”.

Cả hai lựa chọn Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội để trưng bày các tác phẩm của mình vì “nhận ra nguồn gốc sâu xa của nhà tập thể bắt nguồn từ mô hình nhà ở logement social hay Habitations à loyer modéré – Nhà ở công cộng của Pháp. Những ngôi nhà của những người thợ làm muối Hoàng gia tại Arc-et-Senans xây năm 1755 được coi là nhà ở công cộng đầu tiên trên thế giới.

Hà Nội có giai phố, giai làng còn tôi là giai tập thể. Tuổi thơ tôi gắn liền với các khu tập thể, nhưng mãi tới gần đây, khi nhà tập thể đang chuẩn bị đặt dấu chấm hết thì tôi mới bắt đầu suy ngẫm về nó. Tôi rất vui mừng mỗi khi được nghe qua các phương tiện truyền thông về kế hoạch đập bỏ các khu tập thể mới và xây dựng các khu chung cư mới. Chúng tôi rất chờ đợi những dự án này vì cảnh sống của người dân nơi mà tôi đã khảo sát đều rất khổ và không ít nhà bà con sống trong sợ hãi từng phút từng giờ...” – Trần Hậu Yên Thế kể.

Tuy nhiên, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cũng bày tỏ băn khoăn: “Liệu là sau cải tạo, các khu nhà này có còn mang tên Kim Liên, Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân, Ngọc Khánh…hay lại là những tên tây kiểu City, Royal hay Golden Place…”. Đó cũng là điều họa sĩ suy ngẫm. 

An Như 
(Thể thao & Văn hóa) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo