Hội thảo cuối kỳ xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, giai đoạn 1

Thứ năm, 04 Tháng 8 2016 00:33
In

Ngày 3/8, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối phợp với Liên minh các thành phố (Cities Alliance) đã tổ chức Hội thảo cuối kỳ xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, giai đoạn 1.  


Toàn cảnh Hội thảo.
(Ảnh: Đình Hà) 

Công cụ kiểm soát công tác phát triển đô thị 

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn nhận định: Thực trạng đô thị hiện nay và quá trình chuyển đổi về hành chính, không gian, kinh tế, nhân khẩu học và phúc lợi xã hội trong đô thị cho thấy sự tăng trưởng và phát triển không ngừng của đô thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa cũng được dự báo mang lại những bất cập. Đó là sự phối hợp và liên kết chưa đủ hiệu quả giữa các địa phương, giữa các vùng và khu vực trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch đô thị. Đó là những giới hạn trong huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị trong khi nhu cầu phát triển ngày càng tăng cao… Thực tế này đặt ra yêu cầu phải chủ động hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương. 

Ông Văn cho biết: Với sự hỗ trợ về nguồn lực, chuyên môn của Liên minh các TP, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia quốc tế và trong nước, Bộ Xây dựng đã đề xuất và triển khai thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (NUDS). Đây sẽ là một công cụ giúp Chính phủ tăng cường kiểm soát công tác phát triển đô thị, tạo tiền đề, cơ sở lý luận phục vụ các quyết định về phát triển đô thị trong tương lai, thu hẹp khoảng trống hiện tại giữa các mục tiêu phát triển nêu trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam với thực tế phát triển đô thị…

NUDS cũng sẽ cung cấp các hướng dẫn mang tính định hướng cho việc thực hiện chương trình nâng cấp đô thị quốc gia trong giai đoạn tới; cung cấp các hướng dẫn cho các nhà đầu tư tiếp cận cơ hội đầu tư các dự án phát triển đô thị…

Dự án xây dựng NUDS giai đoạn 1 bao gồm thực hiện các công tác rà soát, cập nhật, bổ sung dữ liệu đô thị; phân tích thực trạng phát triển đô thị cả nước; phân tích khung chính sách, pháp lý về phát triển đô thị; nghiên cứu đưa ra các mục tiêu chính làm cơ sở cho việc xây dựng NUDS giai đoạn tiếp theo…

Không phát triển bằng mọi giá

Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn độc lập của dự án đã báo cáo phân tích tổng quan và toàn diện về khung chính sách, pháp luật hiện hành về phát triển đô thị; đánh giá thực trạng phát triển đô thị Việt Nam; rà soát những kinh nghiệm quốc tế về chính sách, chiến lược phát triển đô thị để tìm ra những bài học cụ thể, có thể áp dụng được tại Việt Nam…

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã đóng góp ý kiến về các vấn đề như hiệu quả thực hiện của khung chính sách, pháp lý về phát triển đô thị hiện hành… 

Theo ông Lawrie Wilson - Tư vấn quốc tế của BQLDA Chương trình NUDS, tinh thần “phát triển bằng mọi giá" như hiện nay chưa phù hợp với thành tựu phát triển đô thị bền vững và tương lai xanh cho các đô thị. Do vậy cần thông qua quy trình phê duyệt phát triển độc lập với quy trình phê duyệt đầu tư tránh xa phát triển bằng mọi giá và chuyển sang mô hình lồng ghép đánh giá cân bằng các đề xuất phát triển bằng cách cân nhắc cả những lợi ích tiềm năng và tác động tiêu cực. 

Ông Lawrie Wilson cho rằng: Vấn đề chính cần giải quyết là thay đổi trọng tâm quy hoạch xây dựng hiện nay. Thay vì khai thác các cơ hội để tối đa hóa đầu tư phát triển (vì những lợi ích ngắn hạn), nên chú trọng phát triển, nâng cấp các dịch vụ công ích (hướng tới một tương lai bền vững). Điều này yêu cầu sự thay đổi triệt để tư tưởng quy hoạch ở Việt Nam, từ hướng tiếp cận thúc đẩy phát triển bằng mọi giá, chuyển sang hướng cân nhắc cả hai mặt lợi ích và chi phí cơ hội khi xem xét những chỉ tiêu như tính bền vững, khả năng ứng phó của đô thị, tăng trưởng xanh...

Đề cập đến vấn đề huy động nguồn lực phát triển đô thị, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia Phạm Thị Nhâm nhận định: Thực tế, huy động nguồn tài chính phát triển đô thị ở Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Quyền lực tài chính thuộc cấp tỉnh nhiều hơn cấp đô thị, nên chính quyền đô thị chưa chủ động trong phát triển và quản lý hạ tầng. Các nguồn thu từ đất đai còn phức tạp, thiếu minh bạch, nhất là chưa thu thuế nhà (thuế tài sản), làm cho đô thị bỏ qua nguồn thu quan trọng này. Các phí dịch vụ thị chính còn quá thấp khiến ngân sách đô thị phải chi bù khá nặng nề. Quỹ đầu tư phát triển địa phương chưa được mở ra ở các tỉnh, TP nên chưa trở thành công cụ tài chính quan trọng để phát triển đô thị… Chương trình phát triển đô thị tại các địa phương gặp rất nhiều trở ngại do nguồn vốn ngân sách xây dựng cơ bản thiếu hụt.

Theo bà Nhâm, để tăng nguồn thu cho địa phương, chính quyền đô thị cần phải sử dụng hiệu quả đất đai để làm gia tăng giá trị đất đai và tạo nguồn thu từ thuế đất, thuế nhà ở, thuế BĐS. Cần đẩy mạnh mô hình đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong các lĩnh vực mà các thành phần tư nhân thực hiện có hiệu quả thông qua công tác đấu thầu. Mặt khác, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của ngân hàng, các tổ chức quốc tế trong phát triển đô thị… 

NUDS giai đoạn 2 được ADB tài trợ

Cũng tại hội thảo cuối kỳ dự án NUDS giai đoạn 1, đề cương sơ bộ NUDS giai đoạn 2 đã được giới thiệu. Theo ông Terry Standley - chuyên gia quốc tế về quy hoạch đô thị, nhà ở, quản lý công và đào tạo, NUDS giai đoạn 2 sẽ được thiết kế để phát triển sâu hơn và chi tiết hơn NUDS hiện tại và sẽ tạo liên kết với các quy hoạch phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương. Chính phủ sẽ thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về Ứng phó biến đổi khí hậu (năm 2008), bao gồm lồng ghép các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch quốc gia và cung cấp các dịch vụ đô thị cơ bản.

Được biết, NUDS giai đoạn 2 sẽ được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ để nghiên cứu xây dựng, thông qua một dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị thích ứng và bền vững. Mục tiêu hướng đến là hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển đô thị, góp phần phát triển đô thị bền vững, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của hệ thống đô thị, qua đó nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Phát triển đô thị thích ứng và bền vững do ADB tài trợ, trong đó, bao gồm giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn thành việc xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Dự kiến Chiến lược sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối năm 2018. 

Quý Anh 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: