Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Dự án công trình điều tiết Sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội

Dự án công trình điều tiết Sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội

Viết email In

1. Mở đầu  

Hầu hết các nghiên cứu về Sông Hồng từ trước tới nay mới chỉ tập trung nghiên cứu và giải quyết các vấn đề đảm bảo thoát lũ, cảnh báo và dự báo các phương án chống lũ, củng cố hệ thống đê điều như thế nào? Tuy nhiên vẫn chưa có một kết luận hoàn chỉnh nào về đảm bảo có quy hoạch ổn định, lâu dài và bền vững cho thủ đô Hà Nội. Việc nghiên cứu về dòng chảy kiệt trên sông Hồng và các ảnh hưởng của nó thì chưa có một dự án nào đề cập tới.

Chỉ có thông qua việc chỉnh trị dòng chảy sông Hồng đoạn qua Hà Nội, chúng ta mới có thể quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội ổn định, hướng tới xây dựng một Thủ đô hiện đại nằm trên dòng sông đẹp như nhiều Thủ đô khác trên thế giới”. Đó là kết luận của Chủ nhiệm Văn phòng Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội sau khi xem xét và nghiên cứu báo cáo “Dự án công trình điều tiết mực nước sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội” do nhóm tác giả trình bày. Dự án cũng đã được nhóm tác giả báo cáo tại hội thảo khoa học của Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam ngày 15/6/2010 và nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Trong phạm vi bài báo này, nhóm tác giả chỉ xin trình bày một số vấn đề chính trong ý tưởng chung của dự án.


Sông Hồng đang bị “Sa mạc hóa”

2. Hiện trạng và các nghiên cứu về mùa kiệt trên sông Hồng

Sông Hồng cạn kiệt trong thời gian dài như năm nay không những không có nước tưới tiêu cho nông nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của cuộc sống con người, ảnh hưởng đến hầu hết các mục tiêu của quy hoạch phát triển đặc biệt là môi trường sinh thái của khu vực Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Theo số liệu của công ty cổ phần đường sông số 6 có thời điểm mực nược chỉ có 0,56m. Tháng 1/2010 mực nước trung bình 0,9m; tháng 2 có thời điểm hoàn toàn cạn kiệt, có thời điểm thấp kỷ lục chỉ còn 0,1m.

Các con số thống kê trên cho thấy, sông Hồng ngày càng cạn kiệt thêm. Nguyên nhân một phần là do biến đổi khí hậu, nhưng chủ yếu do các công trình ở thượng nguồn không còn xả nước xuống hạ lưu một cách tự nhiên nữa. Trong khi đó theo tài liệu nghiên cứu của JICA Nhật bản năm 2003: Mực nước bình quân khan hiếm ứng với tần suất 95% thấp nhất là 2,58m.

Dự án “Lập quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội” do Hàn Quốc thực hiện không nghiên cứu và đề cập đến ảnh hưởng của mùa kiệt và các tác động của nó đến toàn bộ sự phát triển chung của vùng Thủ đô.

Theo tính toán cân bằng nguồn nước trong chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KC-12 năm 1992-1996 thì có dự báo thập kỷ tới ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nước ngọt trầm trọng, tuy nhiên cũng dừng ở mức độ là dự báo.

Sông Hồng cạn kiệt còn tạo điều kiện cho nước mặn từ biển Đông ngày càng lấn sâu vào đất liền, nếu không có giải pháp điều tiết sông Hổng thì đây sẽ là một vấn đề lớn cho các tỉnh ven biển khi nước mặn xâm nhập.

3. Vai trò của “Dự án công trình điều tiết Sông Hồng”

Dự án công trình điều tiết sông Hồng là một giải pháp đặc biệt, nó mở ra một hướng phát triển mới cho quy hoạch tổng thể vùng thủ đô Hà Nội trong nhiều lĩnh vực. 

  • Ảnh bên : Cống Liên mạc cạn trơ đáy 

3.1. Lĩnh vực thủy lợi:

Trong những năm vừa qua do thiếu nước, diện tích đất canh tác vùng Hà Nội vốn là màu mỡ đã có gần 8.000ha thiếu nước, 6.000ha phải chuyển sang các cây trồng chịu hạn như ngô, đậu, khoa tây. Nhưng những loại cây này cũng phải có nước tưới. Chính phủ phải yêu cầu xả nước cưỡng bức hồ Hòa Bình để cung cấp cho các trạm bơm Hà Nội và vùng hạ du, đây là một việc làm bất đắc dĩ, kém hiệu quả kinh tế xã hội vì khi xả cưỡng bức phần nhiều nước lại chảy ra biển.

  • Ảnh bên : Trạm bơm dã chiến phục vụ tưới

Dự án này tạo ra một công trình tổng hợp, ngăn sông Hồng ở đoạn cuối trong quy hoạch (đoạn Khuyến Lương đến khu vực Thượng Cát) có mực nước thường xuyên ở cao độ +3,5m. Công trình đảm bảo cho sông Hồng đoạn qua Hà nội lúc nào cũng đầy nước. Mùa hè là do nước lũ tự nhiên và sông tự nhiên. Về mùa kiệt, công trình ngăn lại tạo ra một hồ nước tĩnh, luôn đảm bảo lượng nước để cấp nước tưới cho nông nghiệp qua các hệ thống thủy nông như: Cống Liêm Mạc, Long Tửu và Xuân Quan đủ với lưu lượng thiết kế và các trạm bơm khác dọc trên sông Hồng.

3.2. Lĩnh vực giao thông

a) Giao thông bộ: Với phương án Cống điều tiết kết hợp với Cầu giao thông đặt tại khu vực Khuyến Lương sẽ rất phù hợp với tuyến đường vành đai 3,5 như trong đồ án quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội. Tuyến đường này sẽ góp phần tách hoàn toàn giao thông bộ liên tỉnh từ các vùng Bắc, Trung, Nam đi ra vùng Hải phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn mà không cần đi vào đường vành đai 3 và trung tâm thành phố Hà nội. Như vậy từ tuyến đường vành đai 3 trở vào phía trung tâm chỉ dành riêng cho giao thông nội đô kể cả người và hàng hóa.


Kết hợp với vành đai 3,5    


Phối vảnh Cống kết hợp với Cầu

b) Giao thông thủy: Âu thuyền trong dự án có kích thước đáp ứng với các loại tàu thuyền có tải trọng đến 1000DWT và thời lượng thông thuyền là 2 lần/ngày sẽ mở ra một tuyến đường thủy liên thông ra biển và ngược lại, tạo ra con đường du lịch bằng đường thủy đặc biệt cho Hà Nội.

3.3. Lĩnh vực môi trường sinh thái:

Tình trạng cạn kiệt của sông Hồng hiện nay là một vấn đề cấp bách với Hà nội. Hệ thống sông ngòi, ao hồ ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Người dân ngày càng ngán ngẩm với trình trạng ô nhiễm, hàng ngày, hàng giờ đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân thủ đô. Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, thường xuyên trở thành sông ô uế, đen kịt, đâu còn thơ mộng như cái tên và lịch sử của nó.

Dự án công trình điều tiết nước sông Hồng đoạn qua Hà nội  có các nhiệm vụ:

  • Tạo ra được nguồn nước ổn định cho cả khu vực Hà Nội. Đảm bảo cho việc cấp nước tự chảy cho các công trình thủy lợi, cấp nước cho vùng vành đai xanh, hành lang xanh và không gian xanh. 
  • Luôn luôn đảm bảo nguồn nước cung cấp vào hệ thông sông Nhuệ qua cống Liêm Mạc, đảm bảo không còn tình trạng cạn kiệt và ô nhiễm của con sông này. Nếu được nghiên cứu thêm sẽ đề xuất phương pháp và xây dựng công trình lấy nước và bơm rửa sông Tô Lịch và sông khác thuộc thủ đô để làm sạch các con sông này.  
  • Tạo ra một hồ nước sạch đủ dung tích để cung cập nước sinh hoạt cho thủ đô và các mục tiêu du lịch sinh thái. 

Các dòng sông trong thành phố đều ô nhiễm nặng

3.4. Lĩnh vực thủy điện và hồ chứa:

Hiện nay, hàng năm chính phủ vấn yêu cầu ngành điện phải mở nước xả từ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang để dảm bảo sông Hồng có mực nước đủ cho cống Xuân Quan, Long Tửu, Liêm Mạc lấy nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời  cấp nước cho các trạm bơm và các công trình lấy nước khác trên dọc sông Hồng.

Mỗi năm đợt lấy nước thường vào tháng 1, tháng 2 và tháng 3 lượng nước xả xuống mỗi đợt trung bình có lưu lượng khoảng 1.000 đến 1.200m³/s. số đợt tùy từng năm.

Ví dụ đợt xả năm 2003-2004 Lúc đó sông Lô, sông Chảy bị khô nước ứng với tần suất 90%. Thủy điện Hòa bình phải xả liên tục với lưu lượng 1.200m³/s. Tính ra điện năng mỗi đợt bị tổn thất 98.1tr Kwh.

Năm 2009-2010 Hòa Bình đã phải xả 3 đợt trong tháng 2 và tháng 3 với lưu lượng xả 1.100m³/s đã làm cho hồ Hòa Bình mau chóng xuống mực nước chết, chưa tính được hậu quả tổn thất về điện. Theo tính toán của ngành Thủy lợi thì lượng nước xả từ hồ Hòa Bình để phục vụ các công trình lấy nước trên sông Hồng chỉ nhận được khoảng 20%. Lượng nước còn lại tự do chảy ra biển. Đó là một sự lãng phí bắt buộc.

“Hồ Hà Nội” được xây dựng hoàn toàn đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu của khu vực và các vùng phụ cận mà không cần ngành điện xả nước cưỡng bức như tình hiện nay. Đây là một lợi ích rất lớn, ngành điện sẽ hoàn toàn chủ động vận hành các công trình điện.


Bến Sông Hồng. (Ảnh: Ashui.com)

4. Quan điểm của nhóm tác giả về chỉnh trị sông Hồng 

Tuy dự án không nghiên cứu một cách cụ thể các phương án chống lũ cho vùng thủ đô Hà Nội, nhưng để giải quyết triệt để các vấn đề về chỉnh trị sông Hông cần xác định:

  • Mực nước lũ thực tế tại Hà Nội sau khi đã vận hành các hồ chứa phía thượng nguồn lưu vực Sông Hồng (Đỉnh lũ tính toán hiện nay là 13,4m). Sau khi xác định mực nước lũ an toàn phải điều chỉnh lại tuyến đê. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để di dời khu dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyến đê theo quy định của pháp luật.
  • Về kết cấu: Phải kè cứng bờ sông và đê ở đoạn Hà Nội đảm bảo vừa ổn định chống lũ lâu dài, vừa kết hợp làm đường đại lộ, tạo cảnh quan cho hai bên bờ sông. 
  • Hệ thống bến cảng được bố trí hợp lý, là nơi giao lưu văn hóa và thương mại.
  • Dòng sông vẫn giữ nguyên hình thái tự nhiên, chỉ cần nạo vét một phần.
  • Biến các đảo giữa Sông thành các đảo du lịch và xây các công trình tiêu biểu ở đó.

5. Kết luận và kiến nghị 

Báo cáo ý tưởng của Dự án này do nhóm tác giả đề xuất ra và nghiên cứu trong thời gian khá lâu. Tổng hội xây dựng Việt Nam, Hội đập lớn Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo quy hoạch vùng thủ đô đã tán thành và ủng hộ ý tưởng.

Nhưng để phát triển ý tưởng của dự án, nhóm tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các hội chuyên ngành và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện để nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu và triển khai ý tưởng.

Nhóm tác giả: KS. Phan Đình Đại, GS.TS Trương Đình Dụ, PGS.TS Trần Đình Hòa và nhóm công tác viên Viện Thủy Công – Viện khoa học Thủy Lợi Việt Nam.

[ Chuyên đề : Dự án "Thành phố sông Hồng"

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo