Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Phản biện Đối chọi với thiên nhiên cuồng nộ

Đối chọi với thiên nhiên cuồng nộ

Viết email In

Chưa bao giờ các đô thị ven biển lại đứng trước nhiều đe dọa, thách thức như lúc này. Những đợt đe dọa của mưa lũ, bão lớn, triều cường… tất cả đang đòi hỏi cần một nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế cho các đô thị ven biển Việt Nam. 

Miền Trung nguy ngập

Gần một tháng qua, hai đợt lũ liên tiếp lũ đã ngập tràn khắp một dải bắc miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Bình. Tháng mười, trời đất miền Trung trắng xóa một màu. Tang thương hằn rõ trên từng thước đất của dải đất vốn đã đầy gian khó này. Trong cơn cuồn nộ của thiên nhiên, sự dữ dằn, tàn khốc của cơn hồng thủy hằn rõ trên từng thước đất, nét mặt người dân. Hai đô thị ven biển (Hà Tĩnh và Quảng Bình) cũng cùng cảnh ngộ. 

Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên & môi trường, Hà Tĩnh chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng diện tích cả nước, nhưng lại là một trong những địa phương chịu nhiều biến động mạnh của thời tiết. Cũng như phần lớn các tỉnh ven biển miền Trung đều chịu ảnh hưởng của những loại hình thời tiết như áp thấp nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới và bão. Sự khắc nghiệt này rất dễ làm tổn thương đến các hệ sinh thái tại đây. Ghi nhận những biến động của khí hậu tại Hà Tĩnh suốt 100 năm qua cho thấy, đây là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chỉ riêng 50 năm lại đây, Hà Tĩnh đã trải qua 47 cơn bão, kéo dài từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) đến Lệ Thủy (Quảng Bình), trong số này có tới 18 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp. Kỷ lục về tần suất bão được ghi nhận vào tháng 8 và 9 (54%), tiếp đến là vào tháng 7 và tháng 10 (30%). Giai đoạn 2000-2008, tổng thiệt hại kinh tế của Hà Tĩnh từ các thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính khoảng 2.697 tỉ đồng. 

Tiếp sau Hà Tĩnh là Quảng Bình. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, Quảng Bình có nhiệt độ trung bình tăng 3,60C vào năm 2100, số đợt nắng nóng và ngày nắng nóng hàng năm cũng sẽ tăng theo. Mực nước biển trung bình có thể tăng 65cm vào năm 2050, lên 75cm vào năm 2070 và có thể tăng khoảng 1m vào năm 2100. 

Biến đổi khí hậu được dự báo sẽ có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của các cộng đồng dân cư ven biển, ven sông Quảng Bình. Với kịch bản nước biển dâng 1m, xâm nhập mặn vào sâu trong sông, mặn tiềm tàng trong đất dẫn đến nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao và ảnh hưởng tới khoảng 15.000ha đất ở Quảng Bình. Khoảng 100.000 người vùng ven biển sẽ thiếu nước sinh hoạt. Nhiều dấu hiệu môi trường thay đổi ngày càng khắc nghiệt đã xảy ra, gây thiệt hại cả về người và của như những đợt mưa lũ đang kéo dài suốt từ cuối tháng 9 đến nay làm chết hàng trăm gia súc, tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng chục nghìn người tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa… 

“Tương lai xám” với các đô thị ven biển

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã chỉ rõ, phải phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh và giàu lên từ biển; Đến năm 2020, kinh tế biển Việt Nam phải đạt 53-55% GDP, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này thể hiện rõ vị trí quan trọng của kinh tế biển, trong đó có vai trò của các đô thị ven biển, cảng biển và các khu kinh tế biển. 

  • Ảnh bên : đường Trần Phú, Nha Trang (nguồn : Ashui.com)

Tuy nhiên trong bối cảnh đó, cùng với những thách thức của quá trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với những thách thức mới, đó là hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai bão lụt hạn hán và triều cường. Đến năm 2009, tại 34/63 tỉnh ven biển và ĐBSCL có 405 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại đặc biệt, 6 đô thị loại I, 10 đô thị loại II, 26 đô thị loại III, 19 đô thị loại  IV và 343 đô thị loại V. Dân số ước tính đến 20 triệu người, trong đó có khoảng 4,1 triệu người sống trong 45 đô thị có vị trí nằm kề sát biển và vùng cửa sông lớn sẽ phải chịu những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và nguy cơ thiệt hại là rất lớn. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam, cuối thể kỷ 21, khi nước biển dâng 75cm (so với thời kỳ 1980-1999), khoảng 300 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng trong đó hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khu vực dễ bị tổn thương nhất gồm vùng ven biển Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu của TP Đà Nẵng; Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng, Hải Cảng... và một số vùng khác thuộc trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định). Còn tại Cần Thơ, một số vùng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn gồm Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, quận Ô Môn, quận Ninh Kiều, Cái Răng. Không chỉ có vậy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển. 

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2025, sẽ có khoảng 300 đô thị nữa được hình thành, nâng tổng số lên 1.000 đô thị (so với hiện nay 754 đô thị). Rất nhiều đô thị sẽ lại được xây dựng sát biển. Vì thế, các thành phố ven biển cần phải xem xét lại kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở cũng như điều chỉnh quy trình quy hoạch để bảo vệ những vùng ngập lụt. Còn nếu không, rất dễ hình dung một “tương lai xám” đối với các đô thị này. 

Dù vẫn đang là những dự báo cho gần 100 năm tới, xong với các dữ liệu thống kê của 100 năm qua cũng chỉ ra rằng, cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để không là quá muộn. Bởi lẽ, tính dễ bị tổn thương của tất cả các hoạt động kinh tế xã hội do BĐKH, đặc biệt là tại các khu vực ven biển đã được dự kiến gia tăng trong tương lai. 

Hà Tĩnh tiềm ẩn 3 nguy cơ: Lũ - nóng - hạn

Trong hơn nửa thập kỷ qua, các yếu tố biến đổi tố khí hậu (BĐKH) tại Hà Tĩnh (đặc biệt là do tác động của con người - biến đổi nhân tạo) đã góp phần khiến khí hậu chung tại đây ngày càng biến đổi mạnh mẽ. Hai yếu tố khí hậu có xu thế tăng lên rõ rệt ở Hà Tĩnh là số đợt nắng nóng và số ngày nắng nóng. Tốc độ của các ngày nắng nóng tăng thêm 3 ngày trong mỗi thập kỷ và của nhiệt độ trung bình năm là 0,14-0,250C mỗi thập kỷ. Kết quả là, trong khoảng 45-50 năm qua, nhiệt độ trung bình ở Hà Tĩnh tăng lên 0,7-1,00C, vào loại cao nhất Việt Nam

Theo kịch bản phát thải cao nhất, mức tăng nhiệt độ ở Hà Tĩnh vào những thập kỷ đầu của thế kỷ 21 khoảng 1,4-1,80C và đến cuối thế kỷ tăng 3,5-4,20C. Kỷ lục của nhiệt độ cao sẽ nâng lên cùng tần số và thời gian kéo dài cũng như cường độ các đợt khô nóng. Ngược lại, kỷ lục về nhiệt độ thấp sẽ không thay đổi nhiều. Lượng mưa mùa mưa tăng lên khoảng 5-8% vào năm 2050 và 13-19% vào năm 2100 (nguy cơ gia tăng về lũ lụt); trong khi lượng mưa mùa khô giảm đi 1-5% vào năm 2050 và 3-12% vào năm 2100 (nguy cơ gia tăng tần số hạn hán và cường dộ hạn hán).

TS Nguyễn Văn Tài - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên & môi trường 

405 đô thị và gần 18,5 triệu người chịu tác động

Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề án: “Nghiên cứu phát triển các đô thị ven biển Việt Nam ứng phó với biến đối khí hậu”. Tổng số có 405 đô thị, phân thành 6 nhóm đặc thù sau:

- Nhóm đô thị sát biển: gồm 32 đô thị, trong đó có: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết, Vũng Tàu,  các TP/thị xã Cẩm Phả, Cửa Lò, Đồng Hới, Tam Kỳ, Hội An, Tuy Hòa, Phan Rang-Tháp Chàm, Bạc Liêu, các thị xã/thị trấn: Sầm Sơn, Sông Cầu, La Rì, Hà Tiên và 14 đô thị loại V. Hiện có khoảng 5,5 triệu người có khả năng chịu tác động. 

- Nhóm đô thị gần biển: nằm trong lục địa và cách biển khoảng từ 10km trở lên có cốt nền tương đối cao, tập trung đông dân, thường xuyên chịu tác động của bão, lũ lụt, gồm 285 đô thị: Huế, Nam Định, Cà Mau, Quảng Ngãi, Thái Bình, Ninh Bình, Uông Bí, Đông Hà, Bà Rịa, Tân An, Sóc Trăng, thị trấn Ninh Hòa, thị xã Ngành Hào, Tam Điệp, Bỉm Sơn, Thái Hòa, Hồng Lĩnh, Quảng Trị, Phong Điền, Mộc Hóa, Gò Công, Ngã Bảy, Giá Rai và 262 đô thị loại V. Hiện có khoảng 4,87 triệu người có khả năng chịu tác động.

- Nhóm đô thị cửa sông đổ ra biển: chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp của triều cường gồm 67 đô thị chủ yếu tập trung tại các cửa sông: Hậu, Thái Bình, Hàm Luông, Cái Lớn, Cửu Long, trong đó có TPHCM, Vinh (tỉnh Nghệ An), Cần Thơ, Thanh Hóa, Mỹ Tho, Long Xuyên, các TP/thị xã Hà Tĩnh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Sa Đéc, Châu Đốc, Vị Thanh, thị xã Hồng Ngự, thị trấn Tân Châu và 51 đô thị loại V. Hiện có khoảng 9,5 triệu người có khả năng chịu tác động.

- Nhóm đô thị ven biển ngập mặn: TP Móng Cái, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh với rừng ngập mặn Quảng Ninh và TP Rạch Giá nằm trong hệ thống rừng ngập mặn Cà Mau. Hiện có khoảng 0,38 triệu người có khả năng chịu tác động.

- Nhóm đô thị gần các vịnh lớn: (Hạ Long, Cam Ranh, Hà Tiên, Thị Nại, Việt Thanh, Vũng Mới, Vũng Rô, Vân Phong) gồm 5 đô thị là Hạ Long, thị xã Cam Ranh, 3 đô thị loại V. Hiện có khoảng 0,24 triệu người có khả năng chịu tác động.

- Nhóm đô thị hải đảo: Có 13 đô thị loại V, tác động chủ yếu là việc xói mòn quanh bờ. Hiện có khoảng 9,7 ngàn người có khả năng chịu tác động.

(Nguồn: Bộ Xây dựng

Lý Ngọc Thanh 

>> Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các Đô thị Biển

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo