Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Xây nhà cao, cao mãi?

Xây nhà cao, cao mãi?

Viết email In

Xây nhà cao, cao  mãi… Ôi xinh đẹp Tổ quốc của ta!”. Câu hát ấy chưa cũ, vẫn có thể làm xúc động lòng người. Nhưng nhà không thể cứ xây cao, cao mãi được nữa rồi.

Nạn úng ngập, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, “cháy trường”, cháy chợ ở Hà Nội và TPHCM đều là hậu quả nhãn tiền của mật độ dân số. Đường phố làm từ hàng trăm năm, hệ thống cống rãnh cũng thế, vậy mà xây nhà cao cao mãi, thêm hàng chục tầng lầu trên nơi vốn chỉ có một hai tầng. Mật độ dân số tại nơi đó cũng tăng lên hàng chục lần là điều hiển nhiên.


Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Điện Biên Phủ  (ảnh : Ashui.com)

Văn hào Maxime Gorki trong bút ký “Thăm nước Mỹ” phẫn uất và chế nhạo nhà chọc trời cũng có lý vì một trong những lý do là chúng làm tăng mật độ cư dân làm nghẹt thở nhiều vùng đô thị cũ. 

Đó là chưa nói nhà cao, nhà chọc trời còn phá vỡ cảnh quan một khu vực hay cả một thành phố. Làm nên một Hà Nội nên thơ và cổ kính là những khối nhà thấp một hai hay hiếm hoi là ba tầng nấp dưới tán cây. Có những nơi mà mỗi viên đá lát đường đều mang dấu ấn lịch sử như phụ cận hồ Gươm hay phố cổ, hạt nhân của đất Kẻ Chợ đông đúc thời xưa.

Vẻ gợi cảm lịch sử của Hà Nội là đây. Thế nhưng trong cơn lốc đô thị hoá, hàng chục năm nay, đất ở đây đã thành vàng. Và xây nhà cao cao mãi là một cách dễ dàng nhất tận dụng bề cao không gian trên từng tấc đất vàng ấy.


Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (ảnh: Ashui.com)

Con nai chết vì tấm sừng đẹp. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô đến những khu đất vàng này kiếm siêu lợi nhuận mà không hề tính đến cái hồn và không gian lịch sử cũng như những hệ lụy của giao thông, thoát nước và môi trường sống. Họ dễ dàng nhận được cái gật đầu của những người cùng có chung lợi ích để chung chia.

Không phải bao giờ đất biến thành vàng cũng là may mắn. Nhiều khu vực nội đô Hà Nội (mà không chỉ riêng Hà Nội) đã xấu đi nhiều lắm, cảnh quan chung thành dị dạng vì các khối nhà cao sừng sững mọc lên mà không được kiểm soát chặt chẽ trong những năm qua.

Người ta luôn nói đến việc bảo vệ vẻ đẹp cổ kính, luôn bàn biện pháp chống ùn tắc, chống ngập khu trung tâm thủ đô. Nhưng trong thực tế thì một số kẻ ranh ma làm ngược lại, đã kịp luồn lách trót lọt.

Công trình họ để lại làm nhức nhối nhất là Nhà Hàm Cá Mập (biệt danh người Hà Nội gọi ngôi nhà xấu xí bên hồ Gươm), không ít khách sạn nhiều tầng trong khu vực quận Ba Đình, góc hồ Trúc Bạch, bờ bắc hồ Tây v.v…

Trước cái đà “đô thị hoá” nguy hiểm cho thủ đô ấy, báo chí cả nước và người Hà Nội đã có công lớn khi ngăn chặn kịp thời một số ý đồ tai hại như xây khách sạn Vàng 28 tầng cũng như khu nhà điện lực bên hồ Gươm mà nhiều nhà kiến trúc coi đó là những công trình có hiệu quả nhất biến hồ Gươm thành một cái ao.

Nhiều ý đồ đã bị dẹp bỏ do lãnh đạo Hà Nội biết lắng nghe, nhưng rắn nhiều đầu, người ta lại ôm ấp những ý đồ mới chờ dịp. Chừng nào chưa có quy hoạch hợp lý và chế tài cụ thể thì những khu vực đẹp nhất, ổn định nhất thủ đô vẫn bị đe doạ bởi khai thác chiều cao.

  • Ảnh minh họa bên : Dự án chung cư cao cấp CLEVE, thuộc khu đô thị Văn Phú, Phú La, Hà Đông (nguồn: Ashui.com)

Chúng ta hoan nghênh và ủng hộ UBND Hà Nội, tuy muộn nhưng vẫn còn hơn không bao giờ, vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ 4 khu vực đặc thù không xây nhà cao tầng (khu Ba Đình, Thành Hà Nội, phố cổ và phụ cận hồ Gươm) và 5 khu vực hạn chế xây nhà cao tầng trong nội thành thành phố.

Nếu kiến nghị được chấp nhận thì từ nay có thể an tâm với chiều cao thanh bình của thủ đô, đặc biệt khu vực phụ cận hồ Gươm. Đó là biện pháp cơ bản nhất để giữ gìn được nét thanh tú, xinh xắn của một thủ đô ngàn năm, trong kiến trúc, ngoài nét thuần Việt đã chịu ảnh hưởng tốt đẹp của nền kiến trúc Pháp hiện đại.

Bài học của Hà Nội là người ta không thể duy ý chí biến đất thành vàng khi không hội tụ đủ điều kiện cơ bản nhất. Quy hoạch xây dựng nhà cửa trong khu phố cổ và cũ của bất kỳ thành phố nào không chỉ vẽ ra theo ý thích mà cần căn cứ vào những điều kiện không thể đổi thay như đường sá, hệ thống thoát và cấp nước và mật độ dân cư tới hạn cho phép của những hạ tầng đó.

Có thể nói, trong chuyện này tiền (lợi nhuận) chỉ là một yếu tố phụ. Thành phố Bordeaux còn giữ được những con đường lát đá mòn vẹt vì vó ngựa từ thế kỷ 17 ở khu trung tâm nhà thờ Saint Michel. Họ không cần mở rộng hay bóc lớp đá ấy đi vì vẫn giữ nguyên những ngôi nhà một đến hai tầng dù hiện nay khu này là khu của nhà giàu. Người ta xây những ngôi nhà hàng chục tầng ở ngoại ô trong nhiều thành phố vệ tinh khác.

Nhưng bài học quan trọng nhất là Hà Nội đã lắng nghe ý dân và báo chí. Việc dừng hẳn một số công trình như khách sạn Vàng và khu nhà Điện lực trước đây cũng như khách sạn lớn bên hồ Bảy Mẫu, thôi lát đá ven hồ Gươm gần đây đã chứng tỏ chính quyền Hà Nội không quay mặt làm ngơ trước công luận như ai khác trước những dự án béo bở cho một số người nhưng bị dân phản đối.

Hoan nghênh lãnh đạo Hà Nội đã có một kiến nghị đúng đắn trước đại lễ ngàn năm. Mong rằng kiến nghị đáng khích lệ này của Hà Nội sẽ được Thủ tướng chấp nhận để là một bước ngoặt, chấm dứt mọi ý đồ làm xấu, làm hỏng thủ đô ngàn năm (và không chỉ thủ đô) chỉ vì lợi ích trước mắt.

Nguyễn Quang Thân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo