Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Bảo tồn di sản: Cộng đồng giữ vai trò quyết định

Bảo tồn di sản: Cộng đồng giữ vai trò quyết định

Viết email In

Sự xuất hiện dồn dập của các khách sạn, resort cao cấp, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ, các khu đô thị mới khiến Hội An phình to nhanh chóng, nguy cơ đô thị mới "nuốt chửng" phố cổ. 

Nguy cơ đô thị mới nuốt chửng phố cổ Hội An

Sáng 22/11, hội thảo "Vai trò cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích - nhìn từ Hội An và Mỹ Sơn" đã diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Quảng Nam hướng tới 1000 năm Thăng Long.


Không có sự tham gia của cộng đồng, không thể giữ hồn phố cổ Hội An - Ảnh: Lê Quang Nhật (SGTT)

Hội An luôn được nhắc đến là đô thị được gìn giữ tốt nhất khi quá trình đô thị hóa diễn ra rầm rập khắp nơi. Danh hiệu di sản văn hóa thế giới là tấm giấy thông hành đưa Hội An thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, nhưng giữ họ ở lại lâu, khiến họ phải quay lại nhiều lần chính nhờ công sức đóng góp của cộng đồng cư dân địa phương gần 16.000 người đang sinh sống tại di sản này.

Nhiều kinh nghiệm dẫn đến thành công của Hội An đã được ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An chia sẻ, như việc thành phố tổ chức lấy ý dân trước khi ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, sử dụng khu phố cổ Hội An, Quy chế kinh doanh du lịch; thành phố huy động sự tham gia của các tổ chức ban ngành, đoàn thể cùng tham gia quản lý bảo tồn di sản, để người dân cùng tham gia giám sát các hoạt động trong khu phố cổ, nhất là hoạt động tu bổ, kinh doanh du lịch.

Các chủ di tích cũng nhiều lần tham gia các cuộc mạn đàm, trao đổi với cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn để cùng tìm ra phương thức bảo tồn, phát huy di tích hiệu quả nhất. Các hoạt động như xây dựng bảo tàng gia đình, tham gia tái hiện "Đêm phố cổ", các lễ hội truyền thống của địa phương được trên 85% các chủ di tích trong khu phố cổ sẵn sàng tham gia. 

Ngay cả việc tu bổ di tích cũng được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, nhà nước sẽ hỗ trợ từ 40 đến 75% kinh phí tu bổ di tích, phần còn lại sẽ do các chủ di tích đóng góp.

Tuy vậy, những nguy cơ lớn với đô thị cổ Hội An cũng được KTS Hoàng Văn Sừ, Phó GĐ Sở Xây dựng Quảng Nam thẳng thắn chỉ ra. Là một trong những tâm điểm thu hút du khách và đầu tư lớn nhất khu vực, sự xuất hiện dồn dập của các khách sạn, resort cao cấp, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ, các khu đô thị mới... khiến đô thị phình to nhanh chóng cả quy mô sử dụng đất và quy mô dân số, khiến nguy cơ đô thị mới "nuốt chửng" phố cổ, sự biến mất của các không gian xanh, các cánh đồng, cồn bãi... vốn là đặc trưng của Hội An trở nên nóng bỏng.

Chưa kể, việc thay đổi chủ nhân của các ngôi nhà cổ sẽ dẫn tới những biến dạng bản sắc văn hóa địa phương, sự tập trung thái quá các khu sinh hoạt công cộng lớn trong trung tâm phố cổ cũng như sự quá tải du khách (đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ) sẽ khiến khu phố cổ xuống cấp nhanh chóng.

KTS Sừ đề xuất Hội An nên phát triển theo mô hình "Thành phố vườn" mà Ebenezer Howard đã đề xuất từ năm 1898 để trở thành đô thị sinh thái với tiêu chí "phố trong vườn - vườn trong phố". Nhiều biện pháp rất cụ thể được KTS Sừ đề xuất như kéo giãn các khu du lịch cao cấp, resort ra dọc biển và sông Thu Bồn, thiết kế lại khu đệm an toàn cho phố cổ gồm bờ sông Hoài, các cánh đồng Cẩm Châu, Cẩm Thanh, Thanh Hà... đồng thời thiết lập "khung cứng" chống xâm lấn qua vùng đệm bằng hệ thống đường đi dạo bao bọc... Đáng biểu dương khi những đề xuất quyết liệt bảo vệ khu phố cổ lại xuất phát từ Phó GĐ Sở Xây dựng tỉnh.

Trâu bò đã thôi gặm cỏ trong di sản Mỹ Sơn

Mỹ Sơn cũng là di sản văn hóa thế giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhưng lại có đặc thù rất khác biệt, khó huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn di sản hơn. Như ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND Huyện Duy Xuyên chia sẻ, Mỹ Sơn là phế tích, nằm sâu trong thung lũng xa khu dân cư, ít gắn bó với cư dân xung quanh. Lượng khách đến tham quan, nghiên cứu Mỹ Sơn mỗi năm chỉ khoảng 150.000 người, trong điều kiện dịch vụ chưa phát triển thì người dân chưa thấy lợi ích gì thiết thực đối với họ.

Ngoài ra, trước khi được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt cả không gian rộng lớn của quần thể di tích Mỹ Sơn, người dân đã từng ở các xã quanh vùng đã dựa vào Mỹ Sơn để mưu sinh theo nhiều cách: chăn thả trâu bò, trồng lúa nước và hoa màu, chặt củi đốt than, thậm chí có 12 hộ dân vào xây dựng nhà cửa, hàng quán kinh doanh tại địa điểm đón khách gần cầu Khe Thẻ.

Vậy nhưng, khu di tích Mỹ Sơn hiện nay được khoanh vùng bảo vệ trên cả diện tích rộng lớn, nhờ sự đồng thuận của cộng đồng, dù khác với Hội An, họ chưa được hưởng lợi nhiều từ di tích. Chỉ 5% tổng giá trị nguồn thu từ bán vé tham quan Mỹ Sơn được trích cho xã Duy Phú để đầu tư kết cấu hạ tầng và chăm lo cải thiện dân sinh. Người dân đã nhận thức đúng ý nghĩa, giá trị của di sản nên chấp nhận chia sẻ trách nhiệm với chính quyền là bài học hay của Mỹ Sơn cần được nhân rộng sang các tỉnh thành khác.

Do thời gian hội thảo quá ngắn, các đại biểu của tỉnh Quảng Nam và Bộ VH - TT - DL chỉ kịp phát biểu (đa số đều đọc lại toàn bộ tham luận), nên gọi là hội thảo nhưng không có thảo luận. Mọi thông tin đưa ra vì thế đều chưa kịp có phản hồi, dù chủ đề của hội thảo thật sự đáng quan tâm.

Khánh Linh

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo