Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Bệnh đầu tư công: Lỗi cả kẻ xin, người cho

Bệnh đầu tư công: Lỗi cả kẻ xin, người cho

Viết email In

Hiện nay tỉnh nào cũng "vẽ" sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị cao cấp, sân golf... nên Việt Nam sẽ phải bỏ ra gần 15 tỷ USD/năm để xây dựng hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, kẻ đi xin thì cứ việc xin, nhưng người cho có dám từ chối không?

Tại hội thảo về tái cơ cấu đầu tư do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức hôm 27/10, bức tranh đầu tư công ở Việt Nam trong 10 năm qua được các chuyên gia kinh tế dựng lên thật đa sắc màu.

Giá đắt cho tham vọng tăng trưởng nóng

Bình luận câu chuyện đầu tư công của Việt Nam, TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: "Quy hoạch ở Việt Nam đúng là một bức tranh châm biếm. Mỗi địa phương như một vương quốc độc lập. Tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf, khu đô thị cao cấp... như một "đại công trường" nhưng dang dở".

  • Ảnh bên: Các chuyên gia tại buổi hội thảo

Năm 1998, Hà Giang có chủ trương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên toàn tỉnh. Đến năm 2004, Hà Giang đã đầu tư thực hiện tới 1901 công trình xây dựng cơ bản, tổng vốn dự toán được duyệt lên tới 3.308 tỷ đồng và tất cả đều theo hình thức chỉ định thầu. Nhưng rồi, chỉ có một nửa số công trình đảm bảo được chất lượng, hàng trăm công trình dang dở. Sau 4 năm, Hà Giang nợ xây dựng cơ bản tới 1.800 tỷ đồng, trong khi đây là tỉnh vào bậc nghèo nhất nước, đầu tư dựa vào vốn Trung ương.

Bệnh đầu tư dàn trải, phân tán đã được nói tới nhiều. Nhưng chỉ khi nhìn lại tình cảnh xây dựng các khu công nghiệp, cảng biển hiện nay mới thấy, ngân sách đầu tư công đang bị choáng ngợp vì tham vọng tăng trưởng nóng mà nguồn vốn là tù mù.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng phân tán đã được nhắc đến nhiều là quy hoạch đầu tư cảng biển miền Trung. Hiện nay, 600km bờ biển miền Trung đang dày đặc cảng, cứ 30-40km lại có 1 cảng. Cảng nào cũng được xác định là cảng nước sâu, nhưng chỉ đón được tàu khoảng 30.000 tấn, thua xa các cảng quốc tế đón tàu hàng trăm nghìn tấn. Cộng tất cả số lượng bốc xếp của các càng biển miền Trung đó vẫn chưa bằng cảng Hải Phòng hay Quân cảng Sài Gòn với công suất 14 triệu tấn/cảng.

Thực tế trên đã cho thấy, câu chuyện đầu tư trên chỉ là tham vọng tăng trưởng không dựa trên thực lực. Các tỉnh ganh đua, tìm mọi cách trải thảm đỏ tăng tốc đầu tư một cách nhanh chóng nhất, linh hoạt nhất theo kiểu người ta có gì, mình cũng phải có cái đó. Nhưng cuộc chạy đua này lại không phải dựa trên đôi chân của chính mình, mà đôi khi, lại phụ thuộc vào việc ở trên, Trung ương có hà hơi, tiếp sức kịp hay không, hay nửa chừng thì đứt quãng, rồi thành ra dang dở.

Theo TS Vũ Tuấn Anh, đầu tư công cho kinh tế như làm cơ sở hạ tầng, cần phải có trọng điểm trong không gian kinh tế quốc gia. Ví dụ đường sá chỉ cần một số trục cơ bản, cảng nước sâu có lẽ chỉ cần 3 cụm miền Bắc- Trung- Nam và xây dựng kịp thời đường kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực và thế giới Khu kinh tế cũng có thể chỉ cần làm tốt 2- 3 khu kinh tế, chẳng hạn như ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu.

Ngay cả đầu tư cho các ngành, chỉ cần tập trung vốn cho một số ngành mũi nhọn chứ không phải đầu tư song song nhiều ngành. Ngành mũi nhọn phải có tác động  lan tỏa lớn về công nghệ, hoa học, làm lực đẩy cho nền kinh tế trong tương lai như ngành Công nghệ thông tin, sinh học.

Tại cả kẻ xin, người cho

Dẫn lại các nghịch lý trên, TS Vũ Tuấn Anh bày tỏ: "Chính "ta" (trung ương) đã buông lỏng để họ (tỉnh) đầu tư quá đáng, ta rót vốn cho họ để họ mở đại công trường rồi quy hoạch không được thực hiện."

TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright bình luận: "Việt Nam có hơn 50 tỉnh địa phương đầu tư phụ thuộc vào ngân sách. Đầu tư dàn trải, phân tán, lỗi là ở người đi xin đã đành nhưng người cho cũng có lỗi."

Vị chuyên gia này minh họa sinh động bằng câu chuyện quy hoạch cảng biển vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tháng 10/2009, Thủ tướng ký Quyết định phê duyệt quy hoạch có 21 cảng biển ở đây. Nhưng chỉ sau 2 năm, khi có quy hoạch chi tiết về cảng biển có thì con số cảng biển đã tăng lên 27. Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng chắc chắn địa phương phải đi xin và Trung ương đồng ý nên số cảng biển mới tăng.

Điểm lại 11 lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay, từ đường quốc lộ, đường cao tốc, đường sắt, điện, cảng, khu kinh tế ven biển, sân bay..., nhu cầu vốn đang ở con số khổng lồ. Tính ra, trung bình mỗi năm tư nay tới 2020, ngân sách phải bỏ ra gần 15 tỷ USD để thực hiện các quy hoạch này.

"Nhưng quy hoạch đó là vẽ lên bởi những đơn vị, địa phương không có chức năng điều phối. Các đơn vị này cứ vẽ, càng vẽ càng hoành tráng, càng không có tiền, tạo ra sự hỗn loạn cho nền kinh tế vì ai cũng đi tranh giành nguồn vốn có hạn", TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Chủ trì hội thảo, nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đồng tình nói: "Khuyết điểm quy hoạch đầu tư này là từ cơ quan Trung ương. Tôi không đồng tình với cách trả lời trước đây của Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc khi đổ lỗi cho việc đầu tư đã phân cấp rồi, Bộ không có trách nhiệm gì.  Rõ ràng, người đi xin thì cứ việc đi xin, nhưng quan trọng là ở trên, ông dám từ chối không?"

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế tại hội thảo đều chung một nhận định: Phải dũng cảm mới có thể thực hiện được cuộc tái cơ cấu này. Khi cơ chế xin- cho còn hiện hữu thì cần dũng cảm đổi mới tư duy và cách làm kinh tế kiểu kế hoạch. Một đề xuất lớn được nhắc tới nhiều là cần thành lập ngay một Ủy ban Tái cơ cấu kinh tế hoạt động độc lập để đảm trách sứ mệnh này.

Phạm Huyền 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo