Ashui.com

Monday
Oct 07th
Home Tương tác Góc nhìn Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 2)

Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 2)

Viết email In

Không một bóng người, biển chỉ dẫn đường lên di tích bạc phếch với thời gian, thi thoảng mấy đứa trẻ chăn trâu gọi nhau í ới, con đường đi lại như một sợi chỉ nhỏ chạy tít tắp lên đỉnh núi Thiên Nhẫn chứng minh cho sự hoang lạnh, vắng vẻ… Ít ai nghĩ đây là Lục Niên Thành - một di tích lịch sử danh thắng cấp Quốc gia với gần 600 năm tuổi.

Hết thời “Hoàng kim”

Thành Lục Niên được xây dựng trên lưng chừng Động Chủ thuộc đỉnh núi Hoàng Tâm (còn gọi là dãy Lạp Phong hay tiếng địa phương là rú Động Chủ) thuộc dãy núi Thiên Nhẫn. Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch đã từng có bài vịnh về Thiên Nhẫn để nói về cái thế luỹ vững chắc: Đất giáp ba sông hiểm; Núi như muôn ngựa phi; Chương, Hương chia hai ngã; Lam, Phố hợp ba chi; Hoan, Đức khoe trận hiểm; Trà, Cao giữ biên thuỳ; Bình Ngô từ thuở ấy; Phá giặc dựng cơ ngơi…

  • Ảnh bên : Một đoạn đường Lục Niên Thành

Đứng từ đỉnh núi ta có thể dễ dàng nhìn thấy hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ, nhấp nhô lượn sóng như muôn nghìn ngựa rong ruổi từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây, áp sát có dãy núi Đại Huệ và Rú Đụn. Tất cả đã kết hợp cùng dãy Thiên Nhẫn tạo thành một chiến luỹ tự nhiên chạy dọc Sông Lam. Một bức thành chiến luỹ tự nhiên vững chắc đã tô điểm thêm cho cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất xứ Nghệ. Theo tư liệu thì do đặc thù của dãy núi nên Thành Lục Niên chỉ có 3 hướng: Đông-Nam, Tây-Bắc và Bắc-Nam. Hướng Đông - Nam và hướng Nam - Bắc chạy song song từ trên núi xuống với chiều dài đo được mỗi mặt thành là 66m. Khoảng cách từ bờ thành phía Tây đến tường thành phía Đông là 87m. Hệ thống thành chủ yếu dùng đất đá tại chỗ để chồng ghép lên nhau.

Lục Niên Thành được xây dựng nhằm mục đích tạo bàn đạp chiến lược để Lê Lợi, Nguyễn Trãi và toàn bộ hệ thống Bộ chỉ huy quân sự nghĩa quân Lam Sơn huy động tướng sĩ bao vây Thành cổ Nghệ An. Địa thế của Lục Niên Thành đứng từ trên đỉnh núi Hoàng Tâm nhìn xuống Thành Nghệ An nơi tướng Trương Phụ của quân Minh đóng theo đường chim bay khoảng 6 km. Do Thành Lục Niên có vị thế cao hơn Thành Nghệ An nên nghĩa quân Lam Sơn đã nhanh chóng giải phóng hoàn toàn vùng đất phía Nam Sông Lam cho đến tận Tân Bình Thuận - Thuận Hoá. Cũng từ vùng đất lịch sử này quân và dân của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã bao vây chiến hào, tiêu diệt toàn bộ quân Minh ở Thành Diễn Châu. Thừa thắng thẳng tiến ra Bắc thu phục Tây Đô (Thanh Hoá), đưa sự nghiệp chống quân Minh đi đến thắng lợi cuối cùng.

Xưa là vậy, nhưng giờ đây trở lại di tích này chúng tôi hết sức ngậm ngùi khi thấy tấm biển chỉ dẫn vào di tích hoen rỉ, lem luốc. Lần theo lối mòn nhỏ vắng bóng người đi lên Lục Niên Thành. Đập vào mắt là chân thành những lớp đá chống chếnh chồng lên nhau. Bên cạnh hàng trăm phiến đá to lớn đang nằm ngổn ngang dọc lối mòn mà người dân địa phương đã tạo ra. Bao quanh bờ thành là những rừng thông có độ cao từ 2 - 3m và cây dại. Tường thành nghiêng ngả, không biết đổ sập bất cứ lúc nào…

Hiện tại chân thành nơi rộng nhất đo được là 2m, nơi nhỏ nhất là 1,5m. Các bờ tường thành phía Đông và phía Tây phần lớn nay đã bị sạt lở chỉ có độ cao 0,6 - 1,5m. Riêng góc tường phía Đông vẫn có độ cao 2,4m. Mặt tường thành hiện tại có chiều rộng 1,2 - 1,5m. Tìm và tìm mãi mà vẫn không phát hiện được ở đâu là cổng thành. Tiếp tục lên núi cao nhất là đỉnh Hoàng Tâm (còn gọi là Động Chủ) cao 300m so với mực nước biển chúng tôi thấy lạnh lẽo, hoang vắng rợn người. Không ai còn nhận ra nơi đây ngày xưa nghĩa quân Lam Sơn đã dựng chòi canh gác.

Cần tôn tạo di tích

Ông Phạm Hồng Phong, 81 tuổi (chủ biên cuốn sách lịch sử xã Nam Kim) bức xúc: "Ngày xưa chiến tranh, nghèo khổ, bây giờ có điều kiện kinh tế mà không quan tâm thật là lãng phí. Di tích đã có gần 600 năm, giờ hư hỏng quá rồi…. Nếu không trùng tu, tôn tạo chúng ta có tội với lịch sử đấy…

Trăn trở, nuối tiếc là tâm trạng chung của người dân sống gần Thành Lục Niên, ông Phạm Tô năm nay đã ngoài 70, nhà cạnh thành tâm sự: “Ngày trước tôi đi học mỗi năm nhà trường đều dẫn cả lớp vào tham quan và trồng cây tại nơi này nhưng dừ thì có ai để ý đâu. Hoang phế hết cả rồi…".

Ông Nguyễn Văn Tiến - Trưởng phòng văn hoá UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: "Di tích này không có trong chủ trương tôn tạo mà việc khắc phục thì phải được UBND tỉnh phê duyệt. Mà có khôi phục lại thì phải mất hàng tỉ  tỉ đồng. Hơn nữa tỉnh và huyện chưa đặt vấn đề nên ngành chúng tôi cũng lặng im...". Khi được hỏi về giấy tờ và sổ sách của Thành Lục Niên giờ đang ở đâu? Sau khi “cứu viện”, ông Tiến cho hay: “Chỉ biết di tích này được công nhận là di tích danh thắng vào những năm 1960 của thế kỷ XX. Tôi bây giờ cũng không biết hồ sơ đang nằm ở đâu?”.

Vũ Thủy

>> Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 1) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo