Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 1)

Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 1)

Viết email In

Sự nghiệt ngã của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh cùng với sự “lãng quên” của ngành chức năng đã làm cho phần lớn các Thành cổ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang  dần rơi vào “hoang phế”… 

Thành cổ trong ký ức

Sử sách ghi rằng, chiếm được Phú Xuân (năm 1802), Nguyễn Vương (1762-1820) lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long. Sau khi lên ngôi vị vua này đưa quân tiến ra đất Bắc. Ðến tháng 6 cùng năm, vua Gia Long thống nhất được sơn hà, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm. Đến năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên (Khu vực Thành cổ bây giờ) nằm phía Tây Bắc núi Dũng Quyết (P.Trung Đô, TP Vinh ngày nay) để xây thành Nghệ An bằng đất. Khi vua Gia Long băng hà, Nguyễn Phúc Đảm (con thứ 4 của vua Gia Long) lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng (1791-1840) mới cho xây lại thành Nghệ An bằng đá ong theo kiểu Vô-băng.

Khi “phục dựng” lại Thành, vua Minh Mạng đã huy động tổng lực nhiều sức dân và sức của. Sách ghi: Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42m), diện tích 420 nghìn m2; bao quanh Thành là hệ thống hào (gọi là Hồ Thành) rộng 7 trượng (28m), sâu 8 thước ta (3,2m). Ngay từ lúc khởi công, Triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1.000 lính Thanh Hoá, 4.000 lính Nghệ An. Đến thời vua Tự Đức (1829-1883), để tiếp tục nâng cấp triều đình đã phải sử dụng 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu (cách Vinh gần 50 cây số) và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía. Tổng kinh phí hoàn thành là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích Thành cổ hầu như không còn lại gì. Vẻ đẹp của thành giờ chỉ còn trong ký ức của người già. Bà Lê Thị Nhàn (SN 1941) ở khối 3 P.Cửa Nam (TP Vinh) nhớ lại: “Tui ở đây từ khi cha sinh mẹ đẻ. Nên ở cái vạt mô (nơi nào) tui cũng biết. Lúc đó tui mới 12 - 13 tuổi chứ mấy. Hồ Thành là để nước chảy vô quanh thành phố, điều hoà khí hậu cho dân. Bước xuống Hồ đá ong xây dựng đứng, cao rộng lắm. Ở đây xung quanh là cây nhãn nhiều lắm. Đặc biệt ở gần cổng Hữu sát Hồ Thành có 4 cây xà cừ to. Sau này qua thời gian và bị bão nên các cây này dần dần bị đổ hết… Bấy giờ cũng khoảng năm tám mấy”.

Bà Nguyễn Thị Loan (SN 1931) hình dung lại Thành cổ này: “Nhà tui ở đây nhưng phải đi sơ tán năm 1973 mới quay lại. Nhưng tui nhớ hồi xưa trong Thành có những cái địa lao. Những cái hộc lốc ngốc nơi đây nhiều vô kể. Giờ chú coi làm gì còn dấu tích nào nữa. Nhà cửa, cơ quan họ xây chồng lên hết rồi. May mà còn 3 cổng Thành, Hồ Thành với mấy cái chòi gác xưa mà thôi. Chòi canh này để canh tù. Hối nớ nghe cậu tui bảo là mẹ tui mà đi chợ là phải cúi đầu xuống để đi không hắn bắt. Đấy là bầy tui chứ lớp con cháu sau này làm sao mà hình dung nổi Thành ngày xưa ra sao”.

“Cô đơn” giữa lòng thành phố!

Thành cổ Vinh xưa, hiện vẫn còn “nguyên vẹn” 3 cửa. Mới đây tỉnh Nghệ An đã quyết định trùng tu tôn tạo lại 2 cửa Thành đó là cửa Tả và cửa Tiền. Nhưng dường như dáng dấp về một sự “cô cổ” không còn nữa. Ngay khi bước chân vào cửa Tả nằm trên đường Đào Tấn là sự bề bộn đến luộm thuộm bởi những quầy hàng của “phố ẩm thực”. Không biết sự “ích lợi” của “phố” đến đâu nhưng không đêm nào là không có chuyện xảy ra xô xát nhau bởi những “thực khách” đã ngà ngà say.

Cửa Hữu - cửa duy nhất còn lại chưa được trùng tu là nơi “dơ dáy” nhất Thành cổ. Bà Nhàn cho hay: “Hồi xưa cửa có 3 đường đi: Ở giữa và hai bên nhưng giờ thì một bên đường dân đã chiếm dụng làm nơi sinh hoạt…”. Phía trước cổng là hiệu cầm đồ. Hai bên hành lang là nơi dân đến đây tập kết và đóng than. Mặt khác địa điểm này còn là nơi “đóng quân” hàng chục chiếc xe hốt rác. Nhìn tổng quát cửa Hữu lem luốc đến bẩn thỉu. Quan sát kỹ hơn, lấp ló trong những bụi cây là những tảng đá ong được ngành chức năng chở về để trùng tu lại cửa Thành nằm ngổn ngang khắp nơi.

Đến Thành cổ Vinh, khó có thể hình dung nổi, Hồ Thành đang bị đối xử hết sức “tàn nhẫn”, hồ chẳng khác “dòng sông rác”. Cây cối um tùm phủ kín. Đất, rác lấn ra khiến cho chiều rộng của Hồ bị “chẹn” lại đến mức nhiều đoạn chỉ rộng hơn mét. Nước hồ là một màu đen kịt. Người dân sống cạnh hồ bức xúc: “Hồ bây giờ ô nhiễm lắm. Gió xốc vào nhà thối kinh khủng…”.

Được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia, đồng nghĩa với việc là hàng chục năm nay nhiều hộ dân nơi đây phải sống trong những căn nhà xập xệ. Theo quy định thì dân sống ở vùng quy hoạch Thành thì không được nâng cấp nhà cửa. Bà Lê Thị Nhàn ở khối 3 phường Cửa Nam cho hay: “Dân bầy tui lâu ni cứ phải sống treo giữa Thành cổ. Nhà cửa xuống cấp nhưng chẳng dám cơi nới vì vi phạm quy định. Đầu năm ni con tui về bảo phải sửa lại nhà mà ở không thì nguy hiểm lắm. Ấy vậy mà cũng chỉ dám sửa sang sơ sơ thôi”.

UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Viện Quy hoạch Kiến trúc Xây dựng (QHKTXD) Nghệ An khảo sát, lập quy hoạch Thành cổ thành Công viên Thành cổ Vinh. Trong khi những giải pháp cho vấn đề quy hoạch Thành cổ Vinh chưa ngã ngũ thì người dân sống nơi đây vẫn đang bức xúc vì bị “treo quy hoạch”. Di tích Thành Cổ Vinh đang dần mất đi sự “cổ kính”!?

Vũ Thủy

>> Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 2) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo