Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê

Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê

Viết email In

Chùa Thầy u tịch và thâm nghiêm dưới những vòm cổ thụ, bao quanh bởi những đồng lúa thẳng cánh cò bay và những ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Xứ Đoài, nét văn hoá điển hình của đồng bằng Bắc bộ là đây – huyện Quốc Oai. Nhưng, trên con đường phía trước tràn ngập tiếng còi và bụi bặm từ hàng đoàn xe chở đất đá cho các dự án.

Một bức tranh tương phản giữa truyền thống và phát triển của phần Hà Nội mở rộng.


Những cánh đồng ở vùng Hà Nội mở rộng đã được quy hoạch thành dự án - Ảnh: Tư Giang

Giá của những cánh đồng

Ở tuổi 84, lão nông Nguyễn Thế Phiệt mong muốn giữ lại bức tranh quê đó. Người đàn ông ở làng Thuỵ Khuê, cạnh chùa Thầy không muốn những cánh đồng lúa tươi tốt của làng quê mình bị mất đi bởi các dự án. “Đến chết tôi cũng không bán đất cho các ông chủ dự án đó. Đừng hòng!”, ông Phiệt, ngồi trong căn nhà mái ngói ba gian truyền thống của đồng bằng Bắc bộ nói, tay chém mạnh xuống bàn.

Ông Phiệt tự tin lắm bởi có nhiều nông dân ủng hộ đứng về phía mình. Nhưng họ thật khó. Ngày 25.2 năm ngoái, một trong những “ông chủ” đó đã khởi công dự án vào loại lớn nhất tỉnh Hà Tây cũ tại xã Sài Sơn, quê ông Phiệt, với tên Tuần Châu. Dự án rộng tới 254ha gồm các hạng mục chính như sân golf, khu vui chơi giải trí, khu biệt thự, chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao,… quả là “xa lạ” với người nông dân, như ông Phiệt nói.

Không chỉ có Tuần Châu, ở xã Sài Sơn còn hàng chục các dự án bất động sản liên quan đến khu đô thị, biệt thự, nhà vườn, khu công nghiệp… đã ôm tới gần 460ha, tức gần hết đất nông nghiệp của xã có 17 ngàn dân này.

Để bảo vệ những người nông dân khỏi quá trình đô thị hoá nhanh chóng, kiểu như ở Sài Sơn, ba năm trước Chính phủ đã ban hành nghị định 17, yêu cầu các chủ dự án và chính quyền địa phương “phải đền bù bằng đất phi nông nghiệp” khi thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của nông dân. Nhưng trên thực tế thì khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Sài Sơn, hầu hết 744 dự án cấp trước khi Hà Nội mở rộng đã không làm điều này theo quy định. Cộng với giá đền bù rẻ mạt, đây đang là nguy cơ chính cho bất đồng leo thang.

Năm ngoái, mấy cán bộ địa chất của dự án Tuần Châu đang khoan thăm dò trên cánh đồng thì bị nông dân địa phương vây giữ. Thêm vài vụ tương tự xảy ra. Những cán bộ này bị người dân đưa về trụ sở uỷ ban xã. Sự việc chưa dừng ở mức độ đó. Nhiều nông dân liên tục đi “kêu cứu” ở trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố, Thanh tra Chính phủ và bộ Công an. “Chúng tôi phải rất kiên trì”, ông Phiệt nói.

Trong những lần gặp tại các trụ sở tiếp dân, ông Phiệt và những người ủng hộ đều nghe lời dặn của cán bộ: “Bà con lưu ý nhé. Nếu mà ký vào giấy bán đất, hay nhận tiền của chủ dự án thì không còn cách nào cứu được đâu”. “Chúng tôi đinh ninh với lời dặn này”, ông Phiệt nói.

Biết chúng tôi ngồi ở nhà ông Phiệt, con cháu và nhiều hàng xóm sang tìm gặp và góp chuyện. Họ đều nói, dứt khoát sẽ không bán đất. Giá đất mà Tuần Châu trả gồm ba mức: 19, 23 và 27 triệu đồng/sào. “Cả thôn Thuỵ Khuê tôi mới chỉ có 40 hộ bán đất. Họ là cán bộ địa phương, hoặc những người không còn làm nông nghiệp nữa. Còn chúng tôi dứt khoát không”, ông Nguyễn Hữu Thường, một hàng xóm, người từng đi B chín năm nói. “Chúng tôi sẽ rất bình tĩnh và ôn hoà”, cụ Phiệt nói.


Nông dân làng Thuỵ Khuê gặt lúa, phía lùm cây là đất của Tuần Châu - Ảnh: Tư Giang

Miền quê không yên tĩnh

Nhưng với Nguyễn Hữu Lệ, ở xóm Tường, cùng thôn Thuỵ Khuê mọi thứ đã trở nên tồi tệ. Ngồi trong căn nhà ven dòng sông Đáy hiền hoà, lòng Lệ như lửa đốt. Vợ Lệ, Nguyễn Thị Thanh đã bị bắt giam ngày 23.4 vừa qua bởi ba chiếc xe công an. Lý do, theo chính quyền địa phương, là vì tội gây rối trật tự công cộng: Thanh đã cùng với nhiều người địa phương khác có hành động quá khích khi phản đối chính quyền xã xây dựng nhà văn hoá. Nhiều người địa phương kể, người phụ nữ này cho rằng chính quyền xã xây nhà văn hoá bằng tiền của một số chủ dự án, nhưng thực ra bằng tiền ngân sách. Dù sao, với nhiều người như cụ Phiệt, nguyên nhân là sâu xa hơn. “Chị ấy khăng khăng đấu tranh không chịu mất đất cho các dự án”, cụ Phiệt nói.

Tất nhiên, tội danh và mức án cuối cùng sẽ phụ thuộc vào phán quyết của phiên toà sắp tới. Nhưng vụ việc cho thấy ở làng quê không còn yên ả như vốn có. Lệ nhìn đứa con út ba tuổi gầy xanh sau hai lần cấp cứu vì khóc đòi mẹ mà ứa nước mắt. Người chồng 43 tuổi này đã bạc trắng tóc chỉ sau đêm đó.

Cụ Phiệt lại ngồi im lìm trong căn nhà ba gian trên mảnh đất truyền qua hơn 10 thế hệ. Bất giác, tôi hỏi: “Thế cụ không muốn các dự án phát triển quê mình à?” Bừng tỉnh mắt, giọng cụ gay gắt: “Anh nói thế mà nghe được. Phát triển gì mà đẩy hàng ngàn nông dân chúng tôi ra rìa. Còn mồ mả cha ông, còn nền văn hoá của xứ này thì sao?” Quả thật, làm thế nào để đo những giá trị lịch sử, truyền thống, và văn hoá đang bị mất đi trong tương quan với các sân golf, biệt thự hay chung cư cao cấp còn trên giấy. Không thể biện minh cho cái cách mà chính quyền cũ thuộc phần Hà Nội mới đã làm khi ào ào cấp phép cho các dự án ngay trên những mảnh ruộng màu mỡ hàng đời nay. “Cái cách” đó đang đặt người dân, chủ dự án và cả chính quyền Hà Nội vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Tư Giang – Lê Phượng

>> Hà Nội sau một năm mở rộng: Những dự án dang dở 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo