Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại "Quy hoạch Hà Nội phải có tính kế thừa và chọn lọc"

"Quy hoạch Hà Nội phải có tính kế thừa và chọn lọc"

Viết email In
Chiều 3/6, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 tiến hành thảo luận ở tổ về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề đang thu hút sự chú ý theo dõi của dư luận xã hội.

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Một trong những nguyên tắc trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là có tính kế thừa và chọn lọc. Không phải là mình muốn có cái hay cái tốt mà bỏ hết tất cả cái cũ đi.

- Thưa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, những dự án giao thông nào sẽ được triển khai trong thời gian tới?

Trong 5 tuyến đường sắt, thời gian tới lộ trình triển khai sẽ gồm tuyến thứ nhất là đường sắt trên cao từ Hà Đông về trung tâm thành phố. Vốn do Bộ Giao thông Vận tải hợp tác với Trung Quốc đầu tư, dự kiến năm nay khởi công. Tuyến thứ hai là đoạn 1 của tuyến metro tàu điện ngầm do thành phố Hà Nội chủ trì, sử dụng vốn vay của Pháp, hiện chuẩn bị đấu thầu. Tuyến thứ 3 từ Bắc Thăng Long về phía ga Hà Nội (ga Hàng Cỏ cũ). Tuyến thứ tư từ Láng-Hòa Lạc về do Bộ Giao thông Vận tải thiết kế. Tuyến thứ 5 là tuyến nối vòng của bốn tuyến trên lại, vừa qua đang bàn với cơ quan đường sắt Moscow của Liên bang Nga tham gia. Khó khăn đặt ra là vốn và công nghệ vì chúng ta chưa làm bao giờ.

- Trong bản đồ án, theo ông, cần lưu tâm đến vấn đề gì?

Bảo tồn văn hóa Thăng Long trong đó xác định đối tượng trọng tâm là khu vực phố cổ, phố cũ, các công trình di sản văn hóa, bảo tồn kiến trúc và nét văn hóa của xứ Đoài. Chú trọng làng truyền thống như làng cổ Đường Lâm, rồi bảo tồn vấn đề sinh thái. Đấy mới là định hướng chung, còn sau này thì phải có những dự án cụ thể.

- Có hiện tượng sốt đất diễn ra ở Hà Nội trong thời gian gần đây, nhất là ở những vùng quy hoạch, theo Chủ tịch, nguyên nhân do đâu?

Có hiện tượng này. Vừa qua, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội đã rà soát tổng hợp và báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã có báo cáo Quốc hội ở kỳ họp này. Thành phố chỉ là đơn vị đồng chủ trì, lắng nghe ý kiến và sau này trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng và Thành phố Hà Nội sẽ tham mưu, tư vấn để Chính phủ phê duyệt. Thông thường, quy hoạch sau khi được phê duyệt rồi thì người ta mới công bố và mới thông tin rộng rãi, đấy cũng là luật để quản lý và điều hành.

Vừa qua mới đưa ra triển lãm đồ án để xin ý kiến, bà con đến triển lãm nhìn thấy đồ án xanh đỏ tím vàng rồi cứ thế "sốt" hết cả. Trong quá trình lập quy hoạch cũng đã phải tính đến việc này rồi, cái này cũng phải rút kinh nghiệm. Cần phải thông tin cho rõ, đồ án mới đang trong quá trình xây dựng chứ chưa phải đã được phê duyệt cho nên mọi tổ chức không gian, phân bổ về đất đai, phân bổ dân cư cũng mới chỉ đang trong dự thảo.

Tôi nghĩ rằng để quản lý một quy hoạch thì thứ nhất là phải có quy chế về xây dựng. Trong quy chế đó, đối tượng để thực hiện là cả hệ thống của chúng ta từ cơ quan quản lý nhà nước đến những người thực hiện, trong đó có các nhà đầu tư, các doanh nghiệp... Trong quy hoạch, một trong những nguyên tắc là có tính kế thừa, mình sẽ phải đánh giá nó để khắc phục bất cập phát sinh, không phải là mình muốn có cái hay cái tốt mà bỏ hết tất cả cái cũ. Vì vậy, phải có kế thừa và chọn lọc...

Vũ Anh Minh (ghi)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2724 khách Trực tuyến

Quảng cáo