Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Kiến trúc sư và người nông dân mới giàu

Kiến trúc sư và người nông dân mới giàu

Vấn đề quy hoạch và kiến trúc (QH & KT) nông thôn Việt Nam hiện nay là một câu hỏi thực sự hóc búa, bởi ở đấy chứa đựng nhiều phạm trù khá xa lạ với cách hiểu thông thường của giới chuyên môn về công tác này.

Chúng ta thường hiểu và dễ dàng bàn luận về QH & KT ở nơi phố thị hơn là về những gì được “xây dựng” bởi đôi tay của những người nông dân. Ðó là những người tự xây cho mình những ngôi nhà mà không nhất thiết phải biết đến những chuẩn mực thông thường nhất của kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc.

Có thể nói rằng, trong lĩnh vực này, kiến trúc là một từ ngữ rất xa lạ với những người sử dụng nó. Ngày nay, những ngôi nhà ở nông thôn được người nông dân xây nên tuy cũng làm bằng gạch ngói và bê tông cốt thép, cũng có những đường nét hao hao như ngôi nhà của những cư dân ngoài thị xã hoặc ở những thành phố lớn, nhưng thực chất chúng phụ thuộc trước hết vào nhu cầu sinh nhai ở nơi thôn xóm, quan niệm về tiêu dùng nghệ thuật và đời sống thẩm mỹ đặc thù của những người bình dân Việt Nam.

Một điều thú vị là giữa những ngôi nhà ở nơi phố thị và ở những nơi sâu hút trong các làng mạc Việt Nam ngày nay có một mối liên hệ hữu cơ với nhau, vì chúng là sản phẩm của cùng một nền văn hóa gốc nông nghiệp, thiên về tính thực dụng, tính tư hữu và tính tùy tiện. Vì vậy, trên thực tế những ngôi nhà - kiến trúc nông thôn Việt Nam hiện nay có thể có cùng những đặc điểm, ưu điểm và hạn chế như những ngôi nhà - kiến trúc ở các thành phố lớn. Chúng ta đã từng bàn luận phê phán nhiều về những biểu hiện lố lăng, ấu trĩ trong kiến trúc nơi phố thị, nơi công quyền ở Việt Nam thông qua những hội thảo, diễn đàn... Hiểu một cách nào đó cũng có nghĩa là chúng ta đã từng nói đến kiến trúc nông thôn Việt Nam trong xu thế đô thị hóa giả tạo hiện nay của nó. Sự tương đồng không lành mạnh này của kiến trúc ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn chính là lý do để miễn cho chúng ta sự tốn phí thời gian và công sức mổ xẻ những vấn đề của kiến trúc nông thôn hiện nay. Dẫu sao thì bức tranh toàn cảnh của quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn Việt Nam hiện nay có thể mô tả khái quát như sau:

1 - Công tác quy hoạch gần như không tồn tại;

2 - Giới kiến trúc bàng quan đứng ngoài cuộc, chưa thể đưa ra một mẫu hình đáng chú ý nào về cái hay, cái đẹp của vật liệu, kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc hiện đại cho kiến trúc nông thôn;

3 - Những “phú nông mới” đang tự mình xoay sở, tháo vát như cái bản tính dễ mến của họ tự bao giờ, để xây dựng cho mình một ngôi nhà ít có sự tiếp thu có gạn lọc, để tạo nên một vóc dáng mới cho kiến trúc trong môi trường đặc thù của mình.

Nói tóm lại, kiến trúc nông thôn Việt Nam với tư cách là một nghệ thuật tổ chức không gian truyền thống đang bị bỏ mặc cho sự thao túng của những vật liệu, thiết bị rẻ tiền, hào nhoáng và sự rỗng tuếch về văn hóa.


KIẾN TRÚC SƯ & NGƯỜI NÔNG DÂN MỚI GIÀU

Bình quân thu nhập của hầu hết người dân nông thôn hiện nay là khoảng trên dưới 200.000 đồng/tháng thì nói đến chuyện xây nhà là chuyện thật xa vời, huống hồ lại còn nói đến chuyện “làm kiến trúc”. Tuy nhiên, ở nông thôn Việt Nam hiện nay có không ít những hộ mới giàu lên bằng nhiều phương cách khác nhau. ở Nam Bộ thì người nông dân thu lợi từ con tôm, con cá là một hiện tượng khá nổi bật. Chuyện người giàu, kẻ nghèo thì đời nào chẳng có, nên với người nghèo nếu chưa bàn được về kiến trúc thì với người giàu ở nông thôn cũng còn có đôi điều bàn luận.

Cơ sở đầu tiên để bàn luận là những mẫu nhà điển hình cho một nền kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, vừa rất thiết thực ở cái sự sử dụng, lại vừa rất đáng kính nể về quan niệm triết lý cho đến thẩm mỹ. Những hình mẫu tiêu biểu này luôn được giới thiệu trong những cuốn sách về kiến trúc Việt Nam truyền thống. Thậm chí, nhiều KTS  hiện đại tâm huyết với truyền thống còn khai thác được cả những ưu thế này để sáng tạo nên những công trình sáng giá. Ðấy là một hành trình xuôi đi từ truyền thống đến hiện đại. Nhưng ngày nay, câu chuyện thường theo hướng đổi chiều, tức là những cái kém cỏi của hiện đại lại đang tiến về hoành hành, và thực sự như muốn cuốn trôi cái truyền thống. Ðể tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng kiến trúc này, cần phân tích từ 2 góc độ: chủ quan và khách quan.


Làng cổ Đường Lâm (Ảnh: lh5.ggpht.com)

Chủ quan: là do người dân nông thôn không ý thức được sự mất mát môi trường văn hóa khi mà họ đang tự xây dựng cho mình những ngôi nhà giống như người thành phố hoặc ít nhất cũng bằng người trên phố huyện, những người không kiếm sống bằng nghề nông. Nhà lý luận, phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng đã mô tả trạng huống này rất phong phú trong cuốn sách nhỏ “Nghệ thuật ngày thường”. Tình trạng phổ biến là nhiều người nông dân “phát đạt kiểu trọc phú, sinh ra tâm lý sống gấp”, muốn “tiến tới hiện đại” bằng việc đánh đổi dễ dàng các giá trị truyền thống để mau chóng đạt cho được một chất lượng đời sống “thấp”. Cụ thể là vội vàng sử dụng các loại nguyên vật liệu, trang thiết bị “thấp cấp, giá rẻ”, xây dựng trong thời gian kéo dài (thường là vài ba năm/một căn nhà 3 tầng). Thợ xây dựng nếu có thuê mướn thì cũng chỉ là những người nông dân cùng quê “đang thiếu việc làm”, tay nghề gần như không có, sẵn sàng chấp nhận mức “thu nhập thấp”. Hậu quả là họ thường phải đổi một môi trường sống vốn dĩ tốt đẹp (nhưng nghèo và thiếu tiện nghi) để lấy một môi trường sống nghèo nàn hơn về mặt tinh thần cùng với những thứ tiện nghi đa phần què quặt. Người nông dân Việt Nam từ bao đời nay luôn bị đè nặng bởi cái tâm lý “lợi lộc là cái hàng đầu”, chứ không phải là cái thưởng lãm. Phan Cẩm Thượng gọi hiện tượng này là “kiến trúc nông thôn đổi đẹp lấy xấu”, kể cũng không có gì là cường điệu.

Khách quan thì đúng là do các KTS nhà ta đã chẳng hứng thú gì với những thân chủ loại này, vì cho rằng họ, những người nông dân mới giàu lên không thể hiểu được cái cao siêu của nghệ thuật. Ðiều đó cũng tương tự như người hoạ sỹ về nông thôn tìm cảm hứng sáng tác để có thể bán những bức tranh đó với giá cao ngất ngưởng cho người nước ngoài, chứ không mảy may nghĩ rằng sẽ tìm được mối bán từ một nhà giàu mới ở nông thôn Việt Nam. Ðấy là chưa nói gì đến tính trừu tượng của nghệ thuật hiện đại, trong đó có kiến trúc.


Làng Chuông (Thanh Oai - cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Ảnh: Photo.vn

Có một hiện tượng rất đáng chú ý về cách làm kiến trúc khác, đó là những biến tấu ngoạn mục từ kiến trúc - nghệ thuật Việt Nam truyền thống trong việc tổ chức không gian, quy hoạch và cả trong kiến trúc ở các cụm công trình kiến trúc nghỉ dưỡng cao cấp - những khu resort dọc các bờ biển miền Trung và Nam Bộ. Trong những công trình này, tay nghề của những KTS cả ta lẫn Tây luôn thể hiện được cái chân lý rằng truyền thống là điều có thể (nếu không muốn nói là nhất thiết) phải tìm được chỗ đứng xứng đáng trong đời sống của kiến trúc đương đại. Hãy thử liếc một cái nhìn nhanh nhất đến các khu resort Furama, Nam Hải ở Ðà Nẵng, Victoria ở Hội An, Sài Gòn Mũi Né, Pandanus ở Phan Thiết, Longbeach ở Phú Quốc... để thấy rằng nếu có tiền, thậm chí cần phải rất nhiều tiền thì KTS không đến nỗi bàng quan chút nào để tạo ra những sản phẩm kiến trúc có chất lượng cao, trong đó, kiến trúc không chỉ hiện đại mà còn đậm đà bản sắc. Trên thực tế, rất khó có một KTS nào tìm được thân chủ ở nông thôn dám trả tiền thiết kế cho những ngôi nhà được thiết kế có chất lượng cao.

  • Ảnh bên : Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Tại sao những người giàu có ở nông thôn muốn xây nhà lại không thử tự mình một lần đến nghỉ trong các khu resort, rồi tranh thủ chụp một vài mẫu nhà mà mình thích rồi đem về quê mà lựa cách xây lấy một cái hao hao như thế? tuy rằng không sáng tạo gì nhiều, nhưng ít ra cũng có được cái linh hồn của truyền thống ngàn năm chắt lọc lại? 

Nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng không bao giờ là cái cho không, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hôm nay, nên nếu KTS có lấy thiết kế phí hơi cao một chút thì cũng không nên coi đó là một điều không lành mạnh được.

Ðó là nói đến tình trạng xây nhà của nhà giàu nông thôn hiện nay. Còn nhà của người nông dân nghèo thì gần như không thể nói gì đến từ “thay đổi” nếu so với cách đây vài ba mươi năm, là những gì chúng ta còn có thể so sánh được về nhà cửa thôn quê từ Bắc tới Nam. Sự đổi mới nền kinh tế của đất nước chưa thể đến được với những người dân nơi thôn dã, ngoại trừ cái bóng đèn điện, màn hình tivi, dàn máy cassette và vài ba chiếc xe gắn máy Trung Quốc. Khoảng cách từ những thứ tiện nghi rẻ tiền đó cho đến việc có được một nền kiến trúc nông thôn mới còn rất xa vời. Vấn đề có tính quyết định ở đây không phải là tìm lỗi ở đâu, của ai, mà trông chờ cả vào sự cất cánh nền kinh tế của cả nước và thắng lợi của chủ trương rút ngắn sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội trong quá trình phát triển nếu chúng ta không muốn nhìn thấy cái thảm họa văn hóa của kiến trúc nông thôn sau quá trình hiện đại hóa.
 

Ý TƯỞNG

Ở châu Âu “già cỗi”, người ta rất có ý thức trong việc giữ gìn một môi trường sống thôn dã như những gì nó từng có từ  400 - 500 năm về trước. Môi trường đó ngày nay tuy đã được hiện đại hóa tối đa (điện, nước, truyền hình cáp, điện thoại, internet tốc độ cao, hệ thống các dịch vụ tiêu dùng, các siêu thị mini, trạm xe bus công cộng...) nhưng sắc thái thôn dã, cái vỏ xưa cũ của vật liệu truyền thống trên từng ngôi nhà, con đường làng quanh co, uốn lượn vẫn như đưa ta trực tiếp trở về với quá khứ. Nói tóm lại, nông thôn không bị cuốn trôi theo tiến trình đô thị hóa, mà là một hình ảnh hoàn hảo, hoàn thiện hơn của truyền thống. Cách làm này cho ta thấy dường như trong quá khứ, cha anh của họ đã xây dựng nên những môi trường sống thôn quê cùng với tất cả các sản phẩm của nền văn minh đương đại, chỉ trừ có bê tông cốt thép.

  • Ảnh bên : Những hình chạm trổ ở đình làng.

Trong xu hướng kiến trúc Hiện đại mới ở Ðông Nam Á nổi lên nhiều ví dụ về cách thức kết hợp nhiều mô típ của kiến trúc truyền thống mà vẫn duy trì yếu tố công năng, đặc biệt là phát huy ưu điểm của 2 vật liệu mới là bê tông cốt thép và kính. Một tên gọi khác của xu hướng này là Kiến trúc Bản địa mới, tiêu biểu là KTS người Srilanka Bawa.

Ở nước ta, không ít bài học thành công đến từ thủ pháp bê tông hóa hình ảnh điển hình của kiến trúc gỗ. Ðó là các KTS ở miền Nam thiết kế theo hướng “nhiệt đới hóa” kiến trúc hiện đại trước 1975.

Các thiết kế phục vụ du lịch ở Việt Nam cũng là một hướng tiếp cận đáng lưu ý về khả năng xây dựng những kiến trúc nhà ở qui mô nhỏ và vừa. Ðây có thể là một ví dụ trực quan, sinh động nhất để có thể thuyết phục người nông dân học theo.

Nhà nước cần có một chiến dịch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người nông dân (không phải là những cuộc thi tuyển kiến trúc mẫu giành cho KTS toàn quốc), để người nông dân tự do, tự nguyện quyết định về ngôi nhà của họ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, Nhà nước cần cấp bách ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng ở nông thôn để các cấp quản lý có thể hướng dẫn và quản lý kiến trúc từ quy mô công trình cho đến hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng...

Lê Thanh Sơn - Ðại học Kiến trúc TP. HCM

[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn ]  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo