Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Gặp tác giả cuốn sách nhỏ "HaNoi Architecture": Có một Hà Nội... "thập cẩm"

Gặp tác giả cuốn sách nhỏ "HaNoi Architecture": Có một Hà Nội... "thập cẩm"

Đầu tháng 12 tới, cuốn sách nhỏ "HaNoi Architecture" (Kiến trúc Hà Nội) bằng tiếng Anh của kiến trúc sư Mai Thế Nguyên với cách thể hiện rất khách quan sẽ ra mắt độc giả cả nước. NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông về cuốn sách này.

Cẩm nang du lịch, sách danh thắng Hà Nội không phải là ít. Cuốn sách của ông liệu có "ganh đua" được những gì đã có?

- Tôi không có tham vọng làm một cuốn sách nghiên cứu cho người ta đi sâu hay sách du lịch bỏ túi chủ yếu hướng dẫn du khách đi đâu, chơi gì và ăn gì…, cuốn sách nhỏ của tôi "HaNoi Architecture" có tính chất sổ tay, dưới con mắt nhìn của một kiến trúc sư, về một thành phố "lộn xộn, thập cẩm" với ý nghĩa tích cực của nó. Tôi muốn người cầm nó có được một tâm lý thoải mái và nhìn nhận kiến trúc Hà Nội ở cả phần vật thể và phi vật thể của nó.

  • Ảnh bên : KTS Mai Thế Nguyên một trong những dịp ngồi cafe vỉa hè phố phường Hà Nội trao đổi về nội dung cuốn sách "Ha Noi Architecture" với các thành viên quản trị mạng Ashui.com 


Như vậy, ông sẽ đưa những gì vào đó?


- Tất nhiên, với hơn 100 trang, không thể đưa tất cả các công trình kiến trúc mà phải chọn. Cũng không chỉ có khen, mà tôi còn giới thiệu một số công trình còn hạn chế. Cũng không chỉ chọn những cái đẹp nhất hay xấu nhất mà cái đó có thông tin gì về nội dung kiến trúc, không gian lịch sử, văn hóa và có tính biểu tượng cho một giai đoạn. Như vậy, qua đó người ta có được ấn tượng thời đại về cách xây dựng và sự phát triển của kiến trúc thành phố với sự chịu ảnh hưởng về địa lý, về lịch sử.

Ông có thể đưa ra vài ví dụ được rút ra trong cuốn sách?

- Ngày xưa khu trung tâm Hà Nội ở giữa sông Hồng, sông Tô Lịch với mấy trăm ao hồ. Bây giờ chỉ còn vài chục. Những cái đó đều có ảnh hưởng đến cách sống của con người. Về mặt lịch đại thì từ năm 1010 Lý Thái Tổ rời đô về Thăng Long cho đến khoảng giữa thế kỷ XIX, kiến trúc Hà Nội có sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ sau đó đến năm 1954 thì xây dựng theo cách nhìn của Pháp. Từ năm 1954-2000, xây dựng trong chiến tranh, hòa bình và đổi mới… Mỗi giai đoạn đó đều có những dấu vết. Tôi ví dụ như khu Hoàng thành, khu phố cổ, khu biệt thự Tây, những khu căn hộ v.v... và sự đan xen quá đa dạng của các kiểu kiến trúc. Đây cũng là sự trả lời câu hỏi, vì sao, Hà Nội gần 1.000 năm đang như thế này với tính chất “thập cẩm” của nó.

Có thể thấy đây là một tổng thể rất hỗn độn, rắc rối vì kiến trúc Hà Nội lâu nay phát triển rất tự do!

- Truyền thống của Á Đông không quy định phát triển thành phố, họ xây nhà trước rồi nó phát triển lên phố. Phương Tây thì ngược lại, phải có phố trước, tức là cơ sở hạ tầng, cống rãnh v.v... rồi mới đến nhà. Vì thế, thành phố của họ sau mấy trăm năm vẫn ngăn nắp. Còn kiến trúc Hà Nội thì lung tung, lộn xộn với những cái hay, cái dở riêng. Trong mắt người nước ngoài thì điều đó thể hiện tinh thần cá nhân, cho thấy cái giỏi hay không của từng người. Giống như ta đưa cho họ những bó hoa dại khác nhau chứ không phải là 50 bó hoa hồng.

  • Ảnh bên : Bản in thử của cuốn sách "HaNoi Architecture" - Nguồn : Ashui.com


Người nước ngoài có thể thấy phong phú, nhưng thực ra với những người sống ở đây, xem ra không ổn lắm!


- Luật pháp xây dựng những tiêu chuẩn mà nhiều người không chịu áp dụng, sẵn sàng làm sai trong xây dựng và phần lớn không có kiến trúc sư. Đó là cái dở và gây thiệt hại. Phương tiện giao thông cá nhân phát triển chóng mặt, đường được mở rộng, giải tỏa mãi, rất tốn kém nhưng vẫn chưa giải quyết được ách tắc. Về vấn đề quy hoạch cụ thể một đô thị, môi trường vật thể có thể đẹp nhưng con người ở đó có văn minh, sống có đẹp không? Đó là một số thách thức của Hà Nội.

Ông có góp ý gì cho việc giải quyết những vấn đề này?

- Phát triển kiến trúc Hà Nội phải có các nhà xã hội học, tâm lí học bắt tay với các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch. Giao thông công cộng cần được khuyến khích phát triển. Đánh giá một nền kiến trúc phải dựa trên nhiều mặt, trong đó có cái phi vật thể là sự phát triển xã hội, cần giáo dục nếp sống văn minh cho người dân, mà khía cạnh phi vật thể này phải dần dần, phải vài thế hệ mới thành hình được.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Thi
(thực hiện)

KTS Mai Thế Nguyên - sống cùng gia đình ở thủ đô Oslo (Na-Uy) - vừa mới trở về Hà Nội để hoàn tất công việc xuất bản cuốn sách "HaNoi Architecture" (NXB Khoa học Kỹ thuật) mang đầy tâm huyết của một người kiến trúc sư nặng lòng với quê hương, mong muốn cuốn sách nhỏ bé của mình sẽ là một món quà thực sự ý nghĩa cho Thủ đô sắp tròn 1000 năm tuổi. 

Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ tác giả - KTS Mai Thế Nguyên: 

Mobile : 0904231145 - Email : Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

(Ashui.com)

>> Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai

>> Khu nhà vườn Rodeløkka của Oslo - một lối sống Bắc Âu (tác giả: Mai Thế Nguyên

>> Snøhetta AS và công trình Oslo Opera - Na Uy (KTS Mai Thế Nguyên thực hiện)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo