Có những đô thị mà ngay từ sự ra đời và số phận của nó đó gắn chặt với dòng sông, thuộc về dòng sông. Hà Nội là một trong những thành phố như vậy, dáng hình và sự phát triển của đô thị luôn gắn kết mà cũng xa cách, vừa chế ngự mà cũng nương tựa vào sông Hồng.
Theo suốt gần 1000 năm hình thành và phát triển của đô thị Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã có một thời sông Hồng tiến sát gần, bao bọc Thành phố một cách thân thiện nhưng cũng đầy đe doạ và có khoảng thời gian dài Thành phố hướng về Dòng sông như là cửa ngõ, mặt trước của mình. Nhưng giờ đây tất cả đã thay đổi. Một “thành phố” đã xen vào giữa Hà Nội trung tâm và sông Hồng nhờ sự tiếp sức của con đê. Đó là khu vực ngoài bãi sông - “thành phố” của những người lao động, của những nhà ống, nhà tạm… quay lưng lại với Dòng sông, đang ngày càng hằn thêm sự cách biệt giữa Thành phố với Dòng sông. Mong muốn quay về với Dòng sông ngày xưa, khẳng định vị thế của một đô thị đang phát triển ngót nghét 1000 năm tuổi, giờ đây không chỉ là suy nghĩ mà đang dần biến thành hành động. Dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội mới được lấy ý kiến nhân dân vừa qua như đánh thức cả Dòng sông và Thành phố.
Sông Hồng mùa lũ năm 1930- Bãi Tứ Liên, An Duơng ngập nước. Quảng An và Nghi Tàm trở thành đảo nổi giữa
mênh mông mặt nước Hồ Tây, con đê Yên Phụ là ranh giới giữa Sông Hồng và Hồ Tây. (Ảnh tư liệu)
“… Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ, Nhị Hà lấp lánh sao thưa" – Thơ của Tạ Tỵ
Có phải vì lý do Hà Nội nhận thấy nhiều thành phố ven sông trên thế giới đều gắn mình vào dòng sông lấy đó là hình ảnh đặc trưng, tạo ấn tượng của đô thị, hay là muốn khai thác quỹ đất để phát triển, hoặc muốn gần gũi, chia sẻ, thân thiện với tự nhiên và cũng có thể muốn lập kỳ tích như sông Hàn ở Hàn Quốc…tất cả đều có thể. Nhưng chắc chắn đây là dự án đa mục tiêu có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ hội cho việc phát triển sông Hồng và Thủ đô Hà Nội ổn định và cải thiện cuộc sống cho hàng chục vạn dân.
Do lịch sử để lại, vùng ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn và những vấn đề dân sinh bức xúc: tình trạng gia tăng dân số cũng như mật độ công trình xây dựng không được quy hoạch gây cản trở thoát lũ, ô nhiễm môi trường, cảnh quan kiến trúc manh mún, lộn xộn tạo nên sự ngăn cách giữa Thành phố với Dòng sông, đời sống người dân bị đe doạ, ảnh hưởng nặng nề khi mùa lũ tới, quỹ đất chưa được khai thác sử dụng có hiệu quả… và thật là thiếu sót nếu không nhắc đến lịch sử đó, vì ngày nay những khiếm khuyết thường được bao biện vì lý do lịch sử, đó chính là lịch sử của Dòng sông, Con đê và Thành phố.
Từ xa xưa và thật tự nhiên khi chảy suốt chiều dài 1125 km từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra đến biển Đông sông Hồng tự do uốn khúc, thay đổi lúc hiền hoà khi hung dữ mà không cần biết những gì kề bên. Khi các đô thị xuất hiện ở hai bên thì Dòng sông vẫn giữ nguyên bản tính của mình bắt các thành phố phải nương tựa, phụ thuộc vào mình. Thăng Long- Hà Nội không cam chịu như vậy suốt gần 1000 năm hình thành phát triển thì cũng bằng chừng ấy thời gian con người phải vật lộn với dòng sông, từ đời này sang đời khác phải đắp đê ngăn lũ.
Một hệ thống đê đã ra đời, luôn được gia cố như muốn chống lại khắc nghiệt của tự nhiên, muốn chinh phục, khuất phục thiên nhiên để bảo vệ thành phố. Lịch sử đã ghi nhận những sự kiện đó: Năm 1109 đắp đê ngăn nước sông ở phường Cơ Xá 2 Năm 1192 cho xây một quãng đê bằng đá để chống nước lụt sông Hồng 3. Tuy vậy đến cuối thế kỷ XIX, các tuyến đê vẫn chưa đủ độ cao và độ vững chắc để ngăn được những cơn lũ cao nhất. Những khiếm khuyết lớn về kết cấu của đê cùng với xu hướng ngày càng dâng cao của mực nước sông đã khiến cho nhiều đoạn đê thường xuyên bị vỡ khi gió mùa tràn về 4. Trong khi đó mặt nền Thành phố trung bình chỉ nằm ở cao độ 6m, tức là còn dưới mực nước sông Hồng ở thời điểm cao nhất, đỉnh lũ có thể đạt tới 12m, do vậy con đê có nhiệm vụ gắn với sự sống còn của Thành phố ngày càng lớn lao. Đến những năm đầu thế kỷ XX con đê vẫn còn thấp, đứng từ đường Trần Nhật Duật, đường Trần Quang Khải ven sông có thể phóng tầm mắt nhìn sông Hồng, Dòng sông lúc đó gần và cận kề với trung tâm Thành phố. Chính sự đe doạ của Dòng sông với Thành phố đã hối thúc quyền Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định ngày 15/10/1909 về việc xây một bức tường dọc đê sông Hồng 5, nhưng mãi tới năm 1928, sau một trận lụt lịch sử, mới có một chương trình cải tạo về mặt kỹ thuật được áp dụng cho mạng lưới đê, theo đó chúng được gia cố thêm và nâng cao lên 14m 6. Và cũng từ đây, Dòng sông đã ngày càng rời xa Thành phố, bãi bồi ngày càng lớn lên và hình ảnh Dòng sông dần khuất sau con đê. Rõ ràng lúc này ngoài nhiệm vụ bảo vệ Thành phố, con đê đã vô tình chia cắt Thành phố với Dòng sông.
Khu phía nam hồ Gươm nhìn về sông Hồng (Ảnh tư liệu)
Phải chăng vì sông Hồng còn là phên dậu bảo vệ Thăng Long trước giặc xâm lăng nên trong suốt thời kỳ phong kiến, không triều đại nào dám mở rộng kinh đô sang bên kia sông Hồng (phía Đông, phía Bắc)7 Ngoài việc tổ chức các khu phố buôn bán, thương cảng sát bờ sông và dựng trạm Hoài Viễn 8 và 4 cung điện để vua và quần thần tới xem bơi thuyền thời Lý 9. Ngay cả khi người Pháp quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sông Hồng vẫn là trở ngại, thách thức với họ. Sau khi cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng là cầu Paul Doumer 1897-1902 (nay gọi là cầu Long Biên) việc phát triển Thành phố sang tả ngạn dòng sông là vô cùng dè dặt. Dải bãi bồi kề bên trung tâm Thành phố lúc này đã định hình rõ rệt các làng xóm và động thái đầu tiên đánh dấu sự tổ chức và quy hoạch ở khu vực này của chính quyền thuộc địa là vào những năm1937- 1944 10. Sau hoà bình lập lại, những năm 60 -70 của thế kỷ XX, ngoài những làng mạc đã có, khu vực ngoài bãi sông Hồng được xây dựng các khu tập thể An Dương, Phúc Xá, để đáp ứng nhu cầu nhà ở đang gia tăng của công nhân lao động. Suốt 30 năm sau đó, mặc sông Hồng vẫn rình rập những mùa lũ và đô thị Hà Nội trung tâm kề bên đang phát triển như thế nào, quy hoạch thay đổi ra sao? sự ngạo nghễ của những toà tháp như muốn chiếm lĩnh không gian Thành phố, chỉ qua một con đê một “thành phố” của người lao động đã phát triển bất quy tắc, âm ỷ có lúc khốc liệt ken đặc nhà ở lộn xộn thấp tầng quay lưng lại với dòng sông.
Giải quyết những vấn đề phức tạp, bức xúc này đòi hỏi nguồn lực to lớn và những nghiên cứu quy hoạch tổng hợp được thực hiện bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm của trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội là vô cùng cần thiết.
Đây là dự án hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Thành phố Seoul (Hàn Quốc) với quy mô lớn. Dự án có phạm vi nghiên cứu dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, với chiều dài gần 40km đi qua 5 quận, 4 huyện với diện tích khoảng 10.500 ha và có khoảng 17 vạn dân cư trú ngoài bãi. Theo đề xuất của dự án tuyến đê hai bên bờ sông Hồng sẽ được củng cố, nâng cao khả năng chống lũ đồng thời điều chỉnh tuyến, mở rộng lòng sông ở một số đoạn để tạo dòng chảy hợp lý, tăng cường khả năng thoát lũ, hạ thấp mực nước. Kết hợp với tuyến đê sẽ là các trục giao thông lớn dọc sông, tuyến vận tải thuỷ trên sông được cải tạo, kết hợp chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ.
Lúc này, dường như sông Hồng chỉ đóng vai trò vận chuyển nước đi qua Thành phố, còn Hà Nội thì như muốn tránh mặt Dòng sông.
Khu cư trú ngoài bãi ngày càng dày thêm sự cách biệt của Thành phố với Dòng sông
Ảnh: hanquocngaynay.com
Trên cơ sở quy hoạch cải tạo nâng cao năng lực thoát lũ của dòng sông, xác định phạm vi, quy mô phát triển đô thị vùng ven sông theo 4 khu quy hoạch. Hệ thống cây xanh sinh thái bảo tồn kết hợp với công viên vui chơi giải trí, học tập, thể thao, du lịch sinh thái được tổ chức trong vùng bãi sông, cùng với khai thác các bãi nổi trong lòng sông. Các khu đô thị mới 2 bên sông với Trung tâm quốc tế đa năng; Công viên chủ đề các sự kiện thế giới; Trung tâm thương mại – dịch vụ; Trung tâm phân phối tổng hợp; Các khu dân cư cao cấp và tái định cư sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh đặc trưng đô thị của Hà Nội - Thành phố hai bên bờ sông Hồng, Thành phố hướng ra sông Hồng.
Dư luận thời gian qua ngoài việc tán đồng một số đề xuất của dự án còn không ít những ý kiến băn khoăn về sự chất tải của dự án nên đô thị hiện hữu vốn đã dở dang của Hà Nội, hoài nghi về hướng phát triển đô thị, hay lo ngại về tính khả thi cũng như sự xáo trộn lớn đến cư dân nơi đây…Không dám luận bàn về vấn đề chỉnh trị sông Hồng, nhưng về phương án quy hoạch và phát triển đô thị ven sông tôi nhận thấy còn có một số vấn đề cần trao đổi. Đó là sự GẮN KẾT, HÀI HOÀ giữa đô thị ven sông với đô thị hiện hữu, trung tâm thành phố và các trung tâm tương lai Tây hồ Tây, Bắc sông Hồng; giữa mới và cũ; giữa bảo tồn và phát triển, sự sâu chuỗi, tích hợp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Thành phố và Dòng sông trên cả phương diện vật thể và phi vật thể để khẳng định vị thế và bản sắc của đô thị Hà Nội.
Phối cảnh khu vực 2 hữu ngạn. Nguồn: Dự án quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng - 2007
Mô tả hình ảnh sông nước của Hà Nội, tìm hiểu vai trò thầm lặng của nó, nhưng lại là trung tâm bản sắc đô thị của thành phố đặc thù này11 nhưng những dãy nhà cao tầng sắp hàng đều đặn ở dẻo đất mỏng manh giữa hồ Tây và sông Hồng thuộc khu vực 2 hữu ngạn của dự án với chức năng là khu phức hợp quốc tế công nghệ cao, cư trú cao cấp, công viên đô thị liệu có cần biết bên cạnh đó có các làng Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá…nổi tiếng ven hồ Tây và bên tả ngạn là Thành Cổ Loa lịch sử? Sự gắn kết giữa sông, hồ, cây xanh, văn hoá và công trình chẳng nhẽ lại cơ học như vậy?
Với lịch sử hình thành và phát triển gần 1000 năm, đô thị Hà Nội còn lưu giữ trong mình rất nhiều hình ảnh và dấu tích của quá khứ, đặc biệt tại khu trung tâm Thành phố nơi con sông Hồng đã từng cận kề, đó là Khu phố cổ, Khu phố cũ, các công trình tôn giáp tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hoá, hệ thống không gian xanh, mặt nước sông hồ…Mặc dù có sự khu biệt nhất định, nhưng trong mỗi khu vực, đường phố vẫn có sự đan xen, cộng sinh giữa các công trình kiến trúc với thời kỳ, kiểu dáng, quy mô có thể khác nhau. Không phải mọi công trình, khu vực đều thành công nhưng với Hà Nội vẫn có thể nhận thấy sự chuyển hoá mềm mại giữa các công trình, khu vực, không gian được kết nối bằng cây xanh, mặt nước tạo nên không gian hài hoà, hình ảnh đặc trưng của đô thị Hà Nội. Chính bởi những ấn tượng đó đã ăn sâu vào tiềm thức của người Thủ đô, cùng với bề dày văn hoá truyền thống nên đô thị Hà Nội không dễ chấp nhận sự tương phản gay gắt, sự đột biến, phá cách… trong kiến trúc đô thị ngay cả trước những tác động, sức ép của kinh tế, tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Do đó, việc hình thành những khu vực đô thị mới cao tầng nằm cận kề khu Thành phố trung tâm khó tránh khỏi sự tương phản và mối liên hệ, chuyển hoá mỏng manh. Đây cũng là trở ngại và thách thức đối với dự án khi gắn kết với Hà Nội với Dòng sông đang chất đầy lịch sử, văn hoá của Thủ đô.
Bến Sông Hồng. (Ảnh tư liệu)
Việc quy hoạch xây dựng công viên ven sông đã phần nào thể hiện sự thân thiện của Thành phố, con người với dòng sông, tự nhiên, hình thành lộ trình khám phá lịch sử ven sông Hồng, công viên văn hoá lịch sử ở khu vực Hoàn Kiếm, phục hồi sinh thái…là ý tưởng rất phù hợp với Thủ đô lịch sử và Dòng sông lịch sử. Việc xác định tính chất các không gian trên mặt nước không những cần đến những tín hiệu vật chất và hình thái mà còn phải dựa vào yếu tố tâm linh, văn hoá và xã hội, các truyền thuyết, các biểu tượng và văn học đã tham gia vào sự phát triển lịch sử của tiềm thức lịch sử đô thị như vậy mới tạo nên những không gian sinh thái nhân văn thật sự có ý nghĩa và là của chính Hà Nội.
---------
Tài liệu tham khảo :
1. Pierre Clément và Nathalie Lancret –Hà Nội chu kỳ của những đổi thay hình thái kiến trúc và đô thị – Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 2003, tr31
2. Việt Sử thông giám cương mục Chính biên – T4- Nxb Văn Sử Địa – 1958.-Chb 4,6
3. Việt Sử lược – Nxb Sử học – 1958, quyển IV- tr 12
4. P. Gourou, Les paysansdu delta tonkinois, Viện Viễn đông bác cổ, 1936, tr36
5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Lưu trữ nhà nước – Lịch sử Hà Nội qua tài liệu lưu trữ tập I- Nxb Văn hoá- Thông tin, 2000.
6. Pierre Clément và Nathalie Lancret –Sđd, tr36,37.
7. Ngoại trừ Cổ Loa đã có từ trước.
8. Bên bờ Đông sông Hồng, trông sang Kinh thành, làm nơi tiếp đón sứ giả nước ngoài (1044) – Trần Huy Liệu- Lịch sử thủ đô Hà Nội- Nxb Sử học, 1960, tr25
9. Hàng năm cứ mùa thu, trên khúc sông Hồng trước mặt Kinh thành, các vua chúa thường tổ chức thi bơi thuyền rất lớn – Trần Huy Liệu, Sđd
10. Cụ thể năm 1937-1938 Đốc lý Hà Nội đã ban hành các quyết định về ranh giới các làng ở bãi sông Hồng, về lập lại tổ chức hành chính ở khu vực bãi, lập sơ đồ các con đường vào làng Nghĩa Dũng, Tân Ấp, Phúc Xá Hạ, sơ đồ mặt bằng các làng ở bãi sông Hồng - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Lưu trữ nhà nước, Sđd
11. Christian Pédelahore de Loddis – Hà Nội và hình ảnh sông nước – Tạp chí Xưa & Nay số 99-2001,tr26.
12. Christian Pédelahore de Loddis- Sđd, tr26
- Chuyện một người Việt ở Jacksonville
- "Mặt đất và dòng sông cùng thở"
- Đà Lạt - nơi chốn thỏa mãn và sung sướng
- Kiến trúc sư tây? Kiến trúc sư ta?
- Có hay không sự “kỳ thị” tư vấn nội?
- KTS Đoàn Đức Thành: "Cần có thái độ đúng với nhà ga T1 Sân bay Nội Bài"
- KTS Trần Thanh Vân: Vì sao nên lấy tên Thăng Long?
- Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai
- Hồn Phố
- KTS Đặng Việt Nga và công trình Crazy House