Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư "Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư năm 2005-2010"

"Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư năm 2005-2010"

Ngày 27/11, Hội Kiến trúc sư TPHCM tổ chức hội thảo "Đánh giá thực trạng kiến trúc và hoạt động nghề nghiệp của kiến trúc sư (KTS) năm 2005-2010".

4 vấn đề chính mà hội thảo đặt ra là: Tình hình quy hoạch và xây dựng đô thị TPHCM, thực trạng và xu hướng kiến trúc trong thời gian gần đây, các vấn đề đào tạo KTS và hành nghề KTS trong quá trình hội nhập với thế giới.

Hỗn loạn kiến trúc đô thị ở TPHCM

Những xu hướng kiến trúc (KT) chủ yếu trong TPHCM còn mơ hồ về định hướng phong cách, nhại lại KT Châu Âu cổ điển hay hiện đại một cách thô thiển. KTS Lương Anh Dũng nhìn nhận: Những công trình KT vẽ lại của phương Tây từ thế kỷ 17,18; thậm chí cả KT Hồi giáo.

Những công trình KT mặt phẳng, hay KT hộp vô cảm, dựa vào kỹ thuật hiện đại để tạo ra môi trường sống, không có gì là KT của vùng nhiệt đới, lại không có nét riêng của KT Việt Nam. Có rất nhiều ông chủ lắm tiền, sính ngoại làm theo ý mình, không cần biết đến nghệ thuật, văn hoá bản địa. Ví dụ như khu giải trí Đại Nam có sự góp nhặt KT Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Châu Âu.

Tình trạng KTS làm việc theo thị hiếu khách hàng, cũng được KTS Dương Ngọc Hiến lý giải: Để có thể đi nhanh đến hiệu quả hợp đồng, không nhiều KTS gắng “bán” cho người khách những cái xa lạ với “cái thích” của chủ đầu tư.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà - Chủ tịch Hội đồng KT - Quy hoạch của TP  - Sài Gòn là một đô thị nhiều màu sắc, sống động, trẻ trung. Tuy nhiên, trong khi dáng dấp đô thị cũ dần mất đi, thì phần đô thị mới cấy xen vào chưa thực sự có cùng ngôn ngữ. Nhìn chung, kiến trúc TP có phần hỗn loạn, thiếu sự sắp xếp bài bản, nên chưa tạo được hình bóng của một đô thị văn minh. Nếu đặt các công trình mới liền nhau sẽ như những nốt nhạc khó tạo thành hợp âm, chứ đừng nói đến giai điệu. Gần như chưa thể nhận dạng được KT Việt Nam đương đại trong đô thị TPHCM.


Toàn cảnh Thủ Thiêm, TPHCM  (ảnh minh họa : Thanh Niên)

Kiến trúc sư hay kiến trúc… xin?

Vai trò của KTS đối với quy hoạch gần như bị vô hiệu hoá, rất ít KTS đang hành nghề có mặt trong Hội đồng kiến trúc  - quy hoạch. Trong sự hình thành các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện còn thiếu bàn tay của KTS.

Về vấn đề này, KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng: “Nghề thiết kế KT trong thời điểm này còn non trẻ. Sự can thiệp quá sâu vào một thị trường tự do là điều không nên, bởi đó là một sự can thiệp thô bạo đến hành nghề, mà lý ra nó được hưởng sự trong sáng, lãng mạn, sáng tạo (Nhà nước can thiệp bởi vô vàn ý kiến, thoả thuận cấp phép, thẩm định, mà không dựa vào một điều gì cụ thể, nhất là Luật Quy hoạch)”.

VN là nước có tỉ lệ số lượng đào tạo KTS thuộc loại nhiều trên thế giới, nhưng chất lượng đào tạo không cao. Theo KTS Nguyễn Văn Tất, KTS VN phần lớn chưa có cá tính sáng tạo. Môi trường hành nghề còn chưa lành mạnh  - đang còn là một thị trường tư vấn KT mà ở đó, việc định đoạt giá trị chưa được xác định bởi năng lực và sự tin cậy.

Tại hội thảo, các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp đào tạo lại KTS, không tạo ra KTS - thợ vẽ, mà là KTS - sáng tạo, cũng như đặt ra sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật KTS tại VN. Bên cạnh việc góp ý kiến cho quy hoạch đô thị bớt manh mún, cản trở sự phát triển của KT, nhiều KTS còn nhấn mạnh việc nghiên cứu yếu tố văn hoá Việt lồng ghép với tiện nghi hiện đại để tìm ra những công trình thực sự có bản sắc dân tộc.

Một trong những điều mà các KTS trăn trở, chính là tại sao mấy chục năm qua, TPHCM không có công trình nào xuất sắc? Việt Nam chưa có trường phái KT đặc thù, KT còn mang tính tự phát, chạy theo thị hiếu thị trường, thiếu tư duy học thuật. 
 
Minh Thi

>> Cộng đồng Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo