Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Từ các “nghệ sĩ thất bại” đến các curator “ba cùng”

Từ các “nghệ sĩ thất bại” đến các curator “ba cùng”

Điêu khắc gia Nguyễn Như Ý (hỗn danh là Ý “điên”) có một lần bình về những màn nhảy múa của một “nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng trên báo chí” như sau: “Trong nghệ thuật, những gì kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm”. Đó là câu nói vui ngoài vỉa hè, chẳng “học thuật” tý nào. Nhưng quả là lời phê bình “quán nước” của ông Ý “điên” không phải là vô lý hoàn toàn. Quả thật là có một số tác giả “tác” ra một số “sản phẩm” kỳ quặc, khó hiểu là vẽ rắn thêm chân, là bịp bợm thật.

Nghề curator và bảy trụ nối của nghệ thuật...

Trong một đời sống nghệ thuật tạo hình chuyên nghiệp đầy đủ theo mô hình phương Tây đương đại hiện nay, hành nghề nghệ thuật tức là tham gia vào hệ thống sản xuất của một nền “công nghiệp không khói”. Trong đó, lực lượng sản xuất chính là các nghệ sĩ và sản phẩm tất nhiên là các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng để đưa tác phẩm từ nghệ sĩ đến công chúng, tạo ra hiệu quả xã hội cũng như đưa kinh phí từ các nhà quản lý, người mua tác phẩm đến với nghệ sĩ thì phải có một cây cầu nối khá phức tạp. Để vận hành cây cầu nối này có bảy chức danh (giống như bảy cái trụ cầu) làm bảy công tác chuyên biệt phục vụ “ông nghệ sĩ” như sau:

  1. Curator: nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức cho triển lãm, tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, lịch sử...
  2. Art historian: nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật.
  3. Art critic: nhà phê bình nghệ thuật.
  4. Lawyer: luật sư bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ.
  5. Art dealer: nhà môi giới nghệ thuật.
  6. Fund raiser: chuyên gia xin tài trợ.
  7. Art technician: chuyên gia kỹ thuật giúp nghệ sĩ treo, bày, khảo sát kích thước không gian, dàn dựng âm thanh, ánh sáng...

Trong 7 chức danh này thì curator là nhân vật phục vụ nghệ sĩ đứng đầu, là người bạn đầu tiên của nghệ sĩ, là các “nàng Kiều” có đôi mắt xanh tìm ra cái tài tình của nghệ sĩ từ trong trứng nước và trong... nghèo đói vô danh: “Khen cho con mắt tinh đời / Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.

Chức năng đầu tiên của curator (như định nghĩa trong từ điển) mới đầu chỉ là người chuyên gia tư vấn chuyên môn nghệ thuật cho việc mua và quản lý tác phẩm của các bảo tàng, bộ sưu tập nghệ thuật. Sau này chức năng ấy được mở rộng thêm một bậc: Anh ta là người lựa chọn tác phẩm, phối hợp tác phẩm vào các bộ tác phẩm và tác giả tương thích, để đưa vào triển lãm ở những địa phương, cộng đồng ở thời gian tương thích... Bậc mở rộng cuối cùng để xác định “tầm” curator là họ khởi xướng và hoạch định ra chiến lược triển lãm (“chế” ra các dự án nghệ thuật) từ khi chưa có tác phẩm và nghệ sĩ (tác phẩm và nghệ sĩ lúc đó còn ở dạng tiềm năng).

Có thể gọi, khi ấy, curator là người “sáng tạo” ra nghệ sĩ và tác phẩm một cách thức thời, để phục vụ cho một vấn đề xã hội bức thiết tại một thời điểm cụ thể nào đó. Nhưng cũng chính cung bậc phát triển cuối cùng của nghề curator này cũng là “điểm rơi” và nguy cơ “lũng đoạn” nghệ thuật của nghề curatorial.

Từ các “nghệ sĩ thất bại”

Những curator đầu tiên của nghệ thuật đương đại, có vẻ như chính là những người sáng tác bỏ đi làm curator (có người nói vui rằng curator đương đại nguyên thủy là các... nghệ sĩ thất bại). Nhưng khi nghề này được chuyên nghiệp hóa, thì phần lớn các curator không sáng tác để tránh áp đặt thiên kiến. Tuy họ không có tiền và có quyền quyết định cuối cùng, nhưng họ lại là người hoạch định chiến lược của sự kiện nghệ thuật và đề xuất chọn lựa tác giả, tác phẩm.

Nguyên nhân để dẫn đến nguy cơ “lũng đoạn” nghệ thuật cũng sinh ra từ lý do “không là gì mà lại có khả năng quyết định tất cả” đó. Trong các dự án nghệ thuật phối hợp có tổ chức từ đơn giản cho đến phức tạp (từ một địa phương, một khu vực cho tới nhiều khu vực, một quốc gia hay nhiều quốc gia) như các dự án triển lãm cá nhân, workshop (tạm hiểu như trại sáng tác ở ta), chương trình nghệ sĩ lưu trú đến các hội chợ nghệ thuật... thì vai trò của curator là cực kỳ quan trọng. Họ chính là cánh cửa mở để nghệ sĩ và tác phẩm bước vào các dự án này. Ai không lọt mắt xanh của họ, không được họ mời thì tất nhiên không có cửa để tham gia.

Có những curator nổi tiếng (dĩ nhiên là quen biết rộng) dựa vào mạng lưới curator quen biết ở từng khu vực để tuyển chọn tác phẩm (không gặp trực tiếp nghệ sĩ để chọn, bởi họ càng nổi tiếng thì càng ít thời gian). Mặt khác vì có rất nhiều thông tin và quá khứ đào tạo tốt nên các curator này dễ tự cho là có tầm nhìn bao trùm thế giới. Song thực chất 90% thông tin họ nhận được là gián tiếp. Hai yếu tố trên dễ dẫn đến các lỗi quan liêu. Trong khi các kỹ năng và chất xám hàn lâm luôn cần cập nhật (đặc biệt cho curator về nghệ thuật đương đại). Vì vậy dẫn đến “cơ hội” vô tình cho việc “lũng đoạn” nghệ thuật của các curator.

Đến phong trào cách tân curator

Chính vì sự quan trọng như vậy, nên hiện nay trên bình diện nghệ thuật thế giới, curator là một chức danh chính thống, một nghề riêng không thể thiếu trong nghệ thuật dành cho các chuyên gia có đẳng cấp văn hóa với ý thức trách nhiệm nghiêm ngặt, tiêu chuẩn đạo đức cũng như kỹ năng nghề nghiệp cao. Các trường đại học nghệ thuật lớn trên thế giới đều có khoa riêng đào tạo chuyên ngành này. Nhưng để tránh những nguy cơ kém tích cực như đã nói ở trên, người ta đã khởi xướng phong trào cách tân (post curatorial), nhất là với các curator chuyên về nghệ thuật đương đại.


Trần Lương - một nghệ sĩ kiêm curator với tác phẩm trình diễn mang tên "Đánh răng trước Thiên An Môn"
(ảnh có tính chất minh họa)

Vì bản chất nghề curatorial rất cần thực hành và nghiên cứu trực tiếp, khác xa các nhà lý luận, khác cả nhà khoa học vì tính muôn hình vạn trạng không có công thức định lý của nghệ thuật cũng như sự phức tạp của đối tượng con người. Cách tân curatorial là yêu cầu nghiên cứu điền dã sâu, làm việc với nghệ sĩ cũng như “ba cùng” với nhân dân.

Curator được cách tân là người có khả năng nhận ra cái gì có thể triển lãm tốt, bao gồm tác phẩm mỹ thuật hay loại hình thức mới được đưa vào triển lãm mỹ thuật. Một cô gái điếm nổi tiếng ở Bắc Kinh làm thêm nghề mẫu khỏa thân cuối cùng trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, hay các tác phẩm mô hình đặc biệt của các kiến trúc sư được gợi ý tuyển chọn vào các biennale (hội chợ nghệ thuật) đều là sự phát hiện của curator.

Vũ Lâm

>> Từ curator đến...“cò” dự án nghệ thuật 

>> "Trong nghệ thuật, kỳ quặc và khó hiểu là bịp bợm" 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo