Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Tạo dựng môi trường văn hóa trong "đô thị đại học"

Tạo dựng môi trường văn hóa trong "đô thị đại học"

Giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Ngân sách quốc gia và nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này ngày càng nhiều kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới. Kết quả là các trường đại học hiện hữu được mở rộng quy mô đào tạo và nhiều trường đại học mới xuất hiện. Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học hiện nay vẫn là các trường đào tạo chuyên ngành hẹp (ví dụ: Đại học Mỏ – Địa chất, Đại học Kiến trúc, v.v…) và có cơ sở vật chất nghèo nàn. Hầu hết các trường nằm trong các trung tâm đô thị có mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn hẹn, diện tích cây xanh ít ỏi và các công trình kiến trúc ít có sự liên kết về mặt công năng và hình thức.

  • Ảnh bên : Sinh viên trao đổi học thuật bên ngoài lớp học, trong khuôn viên Đại học Princeton (Hoa Kỳ). (Nguồn: Princeton University - 2008)  

Trong bức tranh chung ảm đạm đó, việc nghiên cứu xây dựng một mô hình “đô thị đại học” – khái niệm được tác giả tạm hiểu như là một cụm các công trình kiến trúc liên kết với nhau thành một tổng thể độc lập, thống nhất, đặc trưng nhưng đa dạng về công năng và được xây dựng trong một khuôn viên có hình thức công viên nhằm phục các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập, sinh sống, thể dục-thể thao, giải trí và hoạt động tập thể của giảng viên, sinh viên và nhân viên một hoặc nhiều trường đại học [1] – là cần thiết nhưng đầy thách thức. Một trong những thách thức cơ bản và lớn nhất của mọi trao đổi và nghiên cứu về mô hình “đô thị đại học” cũng như việc kiến tạo không gian vật chất và không gian văn hóa trong một “đô thị đại học” (vốn là mục đích của của hội thảo lần này) là có nhiều khái niệm liên quan chưa được định nghĩa và đồng thuận. Do đó trước khi trao đổi về “sự tương tác giữa không gian vật chất và không gian văn hóa trong môi trường “đô thị đại học”, tác giả xin trao đổi một số khái niệm liên quan. Một hạn chế mà tác giả thấy cần lưu ý độc giả bài viết này là các quan điểm trong bài thể hiện góc nhìn tương đối Anglo-Saxon do môi trường học thuật mà tác giả tiếp nhận là tại Canada. Tuy nhiên, mô hình university campus hay tạm gọi là “đô thị đại học” là mô hình có nguồn gốc Anglo-Saxon (bắt nguồn từ Đại học Princeton [2], Hoa Kỳ) do đó cách tiếp Anglo-Saxon phản ánh những quan điểm phổ biến và có tầm ảnh hưởng trong các thảo luận về mô hình “đô thị đại học” trên thế giới.

Khi gọi tên một mô hình đại học thì trước hết chúng ta phải nhận ra rằng quan niệm về một trường đại học rất đa dạng trên thế giới. Mô hình đại học tại Việt Nam, vốn rập khuôn từ mô hình Liên Xô, là mô hình trường đơn ngành, rất khác với nền học thuật phương Tây và khác với ngay cả những quốc gia láng giềng như Thai Lan, Trung Quốc và Singapore vốn đi theo mô hình đại học đa ngành. Các trường đại học tại các quốc gia kể trên cũng không chỉ đề cao sự tương tác và liên kết giữa các lĩnh vực học thuật trong trường mà cả sự tương tác và liên kết với cộng đồng. Đại học không chỉ đào tạo ra những con người có kiến thức và chuyên môn, đại học cũng phải phụng sự cộng đồng, nâng cao chất lượng sống của người dân và đem lại ánh sáng văn hóa cho xã hội thông qua nghiên cứu khoa học và thực hành văn hóa.

Xây dựng mô hình “đô thị đại học”, do đó, đi cùng với không chỉ việc tổ chức không gian vật chất của trường đại học mà cả việc xây dựng mô hình đào tạo và tổ chức quản lý của trường đại học. Việc tổ chức không gian vật chất hay có thể tạm gọi là việc thiết kế “đô thị đại học” gắn liền với một lĩnh vực chuyên môn và học thuật vốn chưa ra đời tại Việt Nam (chưa có nền tảng lý luận mặc dù đã được đề cập đến trong một số văn bản pháp lý về quy hoạch đô thị của nhà nước) là thiết kế đô thị.

Thiết kế đô thị là gì? Để trả lời câu hỏi về khái niệm này, trước hết chúng ta cần hiểu mối liên hệ của thiết kế đô thị với hai lĩnh vực chuyên môn gần gũi khác là quy hoạch đô thị và kiến trúc (công trình) cũng như bối cảnh ra đời của thiết kế đô thị. Thiết kế đô thị bao gồm việc sắp xếp và thiết kế một nhóm các công trình, không gian công cộng, hệ thống giao thông và các tiện ích đô thị. Thiết kế đô thị là quá trình tạo ra hình khối và đặc điểm cho các nhóm công trình, tới các khu dân cư và thành phố. Thiết kế đô thị là tạo ra sự kết nối giữa con người và không gian đô thị, giữa giao thông và hình thái đô thị, giữa thiên nhiên và các công trình xây dựng [3]. Thiết kế đô thị có 3 mục đích chính: nhằm thiết kế và xây dựng các đô thị mà hoàn thiện về mặt công năng và cấu trúc đồng thời tạo ra một sự thăng hoa về cảm xúc cho những ai chiêm ngưỡng chúng [4]. Thiết kế đô thị khác biệt với kiến trúc ở chỗ thiết kế đô thị không quan tâm đến một công trình nhất định nào đó mà quan tâm đến mối liên hệ không gian của công trình đó với các công trình khác, với không gian công cộng và với thiên nhiên. Thiết kế đô thị cũng khác biệt với quy hoạch đô thị ở chỗ thiết kế đô thị thường có quy mô diện tích nghiên cứu nhỏ hơn, nhấn mạnh đến sự tác động về tâm lý của các công trình, cụm công trình với con người, nhấn mạnh đến yếu tố “đẹp” trong thiết kế bên cạnh sự hợp lý về công năng. Thiết kế đô thị chính thức tồn tại như một ngành chuyên môn độc lầp từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nhằm lấp khoảng trống giữa quy hoạch, vốn thiên về lập chính sách phát triển đô thị, và kiến trúc, vốn thiên về sự hoàn mỹ và công năng mỗi công trình xây dựng cụ thể. 

Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình đào tạo và tổ chức quản lý của trường đại học cũng bao gồm việc xây dựng một không gian tinh thần, một không gian văn hóa trong “đô thị đại học”.

Thiết kế đô thị nhằm định hình không gian văn hóa trong “đô thị đại học”

Tôi cho rằng nhu cầu tạo ra một “không gian văn hóa đại học” thực ra không nằm ngoài 2 mục đích chính của trường đại học [5] là nơi chuyển giao tri thức (vai trò đào tạo của đại học) và sản sinh tri thức (vai trò nghiên cứu của đại học). “Không gian văn hóa đại học” có thể được định nghĩa là không gian mà trong đó con người gia tăng sự tương tác với nhau để trao đổi và sáng tạo ra tri thức mới thông qua các hoạt động bên ngoài lớp học. Như vậy, “không gian văn hóa đại học” có thể minh họa như là tập hợp của các hoạt động giao tiếp xã hội và trao đổi văn hóa trong khuôn viên trường đại học như việc các sinh viên ngành Toán học đến dự một buổi hòa nhạc ngoài trời do sinh viên nhạc viên thực hiện, hay như việc các sinh viên Vật lý trao đổi với sinh viên Toán về ứng dụng toán trong Vật lý ngay tại căng-tin của trường, hay việc tham gia cổ vũ một trận bong đá tại sân vận động của trường đại học hoặc một lễ hội hóa trang cuối năm. Viễn kiến về một không gian văn hóa – vật chất của một “đô thị đại học” được giáo sư Robert Kirby [6] tại Khoa Thiết kế Môi trường, Đại học Calgary (Canada), tóm lược trong những điểm sau:

  • Một môi trường có tính khuyến khích rất cao với cuộc sống sôi động và đầy ắp các hoạt động đa dạng của con người.
  • Một môi trường thú vị và hấp dẫn với rất nhiều thứ để xem và tham gia.
  • Một môi trường cuốn hút nuôi dưỡng sự tham dự của cả tinh thần và cơ thể mỗi người.
  • Một môi trường đề cao tính hợp tác trong đó tâm hồn mỗi người được làm giàu bởi sự xuất hiện của những con người khác.

Tóm lại, một yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo dựng một “không gian văn hóa” chính là hành vi giao tiếp và tham gia các hoạt động cộng đồng của con người trong “đô thị đại học”. Điều này cũng là một quan niệm xuyên suốt lịch sử phát triển của lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị: một cộng đồng đô thị tốt là nơi con người có nhiều cơ hội để giao tiếp với con người và với thiên nhiên. Từ thế kỷ 4 trước Công Nguyên, Aristotle đã nhận định trong tác phẩm Chính trị học (the Politics) rằng một cộng đồng lý tưởng là nơi có quy mô đủ nhỏ để “tiếng nói của mỗi cá nhân được lắng nghe bởi cả cộng đồng”[7]. Trong tác phẩm Nền văn minh Hy Lạp (The Greeks), tác giả Kitto [8] đã nhận thấy rằng “cuộc sống cộng đồng và mối liên hệ giữa từng bộ phận của cộng đồng với nhau (trong nền văn minh Hy Lạp cổ đại – NV) đã đạt được là nhờ tỉ lệ nhỏ nhắn của không gian vật chất”.

Yếu tố “tỉ lệ nhỏ nhắn” hay còn được gọi chính xác hơn là “tỉ lệ con người” (human-scale) được tiếp tục phát triển sau này trong các trào lưu đô thị như Thành phố Vườn (Garden City) của Ebenzer Howard tại nước Anh vào cuối thế kỷ 19 và Tân Cổ điển (Neo-Tradionalism) hay còn gọi là Chủ nghĩa Đô thị mới (New Urbanism) vào cuối thế kỷ 20 tại Mỹ. 


Phần lớn các công trình của trường Princeton nằm trong bán kính đi bộ 10 phút tính từ khu trung tâm.
(Nguồn: Princeton University - 2008)

Peter Calthorpe và Fulton William, những người sáng lập của trào lưu Tân Cổ Điển, nhấn mạnh rằng “tỷ lệ con người đối với (các công trình xây dựng trong) một cộng đồng đồng nghĩa với việc tạo ra một mối quan tâm chung của các cá nhân trong cộng đồng đó cũng như một môi trường khuyến khích các hoạt động giao tiếp hàng ngày”[9]. Peter Calthorpe và các đồng nghiệp của ông tìm thấy chìa khóa để xây dựng giá trị và tinh thần cộng đồng thông qua các hoạt động giao tiếp, tính có thể đi bộ của không gian vật chất (walkability) và sự đa dạng về các loại hình sử dụng đất và các hoạt động của con người trong cộng đồng [10]. 

Hiện nay, chúng ta thường chỉ thấy khuôn viên các trường đại học như là một tập hợp vô tổ chức, ngẫu hứng của những công trình kiến trúc, xen vào giữa các bãi đậu xe và đường giao thông. Để khuyến khích con người giao tiếp với nhau và từ đó hình thành một không gian văn hóa đô thị đại học, những nguyên tắc thiết kế đô thị [11] dưới đây có thể được áp dụng:

- Để mọi người có thể giao tiếp và tham gia vào một chuỗi các hoạt động văn hóa trong không gian văn hóa của một “đô thị đại học”, họ phải di chuyển chủ yếu trên đôi chân của mình hoặc cùng lắm là đi xe đạp chứ không phải là đi xe máy hoặc xe hơi. Tốc độ, kích thước cồng kềnh và đối với xe hơi là sự bao bọc trong vỏ xe khép kín không giúp con người có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của kiến trúc, gặp gỡ những con người khác và hòa mình vào các hoạt động công cộng. 

- Không gian đi bộ cần được phân tách với giao thông cơ giới nhằm tạo ra sự an toàn cho người bộ hành, cần trồng cây xanh tạo cảnh quan và lấy bóng mát và cần được che chắn một phần để tạo nơi trú trong điều kiện thời tiết khắc nghiệp (nắng nóng hoặc mưa lớn).

- Một môi trường thân thiện với con người được nhấn mạnh bởi khoảng cách gần gũi thích hợp giữa các tòa nhà (mật độ xây dựng), quy mô công trình (“tỷ lệ con người” đạt được bởi các tòa nhà không cao quá 4 tầng) và sự tập trung của các hoạt động đa dạng khác nhau.

- Các công trình nơi diễn ra các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và sinh hoạt cộng đồng của một “đô thị đại học” nên nằm trong bán kính đi bộ trung bình của một người bình thường trong vòng 5 phút, tức là khoảng 400m, và không được cách xa quá 800m tính từ trung tâm “đô thị đại học”.

- Các không gian sinh hoạt xã hội trong nhà và ngoài trời được phân bố đều khắp trong khu “đô thị đại học” thay vì chỉ tập trung vào một số điểm trung tâm.

- Bố trí và thiết kế nội/ngoại thất của các không gian sinh hoạt xã hội nên có tính thân mật, gần gũi và tạo sự thoải mái nhằm thu hút và kích thích các hoạt động giao tiếp.

- Nối kết các không gian sinh hoạt xã hội với nhau và với các công trình tập trung đông người trong “đô thị đại học” như nhà ăn, nhà hát, thư viện, các giảng đường lớn, v.v…

  • Không gian công cộng có mái che tại Đại học Cicinatti (Ohio, Hoa Kỳ). (Nguồn: Moore Rudle Yudel Architects & Planners)

Kết luận

“Đô thị đại học” là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ trong lĩnh vực giáo dục đại học tại nước ta. Tạo dựng một môi trường văn hóa đặc trưng và sống động trong một “đô thị đại học” là một công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực từ giáo dục đại học, quản lí giáo dục, tổ chức hoạt động cho sinh viên – thanh niên, quy hoạch đại học và thiết kế đô thị. Từ góc đô tạo dựng một trường vật chất cho “đô thị đại học”, thiết kế đô thị sẽ tác động thế nào đến hành vi của con người để rồi tác động đến môi trường văn hóa là một câu hỏi lớn và các nhà thiết kế đô thị cũng như đô thị học luôn theo đuổi. Câu trả lời chung mà họ có được là làm sao khuyến khích con người giao tiếp thông qua thiết kế. Tạo ra một không gian vật chất khuyến khích con người giao tiếp và tham gia các hoạt động cộng đồng chính là góp phần tạo ra một không gian văn hóa trong “đô thị đại học”. Để có được một không gian vật chất như vậy, các nguyên lý thiết kế đô thị cần được áp dụng trong quy hoạch và thiết kế “đô thị đại học”. Các nguyên lý thiết kế đô thị được trình bày trong bài bao gồm thiết kế không gian tỉ lệ với con người, thân thiện với người đi bộ, tập trung các công trình của “đô thị đại học” trong bán kính đi bộ (400m ~ 800m), phân bố các không gian giao tiếp đều khắp và thiết kết tạo sự thân thiện, thỏai mái cho sinh viên. Điều quan trọng cần nhận thấy rằng bản thân các nguyên lý này không đủ để tạo ra một môi trường khuyến khích giao tiếp và tinh thần cộng đồng. Ban giám hiệu, các bộ môn học thuật và các tổ chức đoàn thể trong một trường đại học phải cùng tham gia tạo dựng một môi trường văn hóa giàu có thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng và cách ứng xử dân chủ, tôn trọng và bình đẳng giữa con người với con người trong phạm vi nhà trường./.

Chú giải:

- [1] : Tác giả hiểu khái niệm “đô thị đại học” được sử dụng trong các thảo luận của cuộc hội thảo mà bài viết này tham dự tương đương khái niệm university campus hoặc college/university town trong trường hợp trường đai học có quy mô sinh viên và diện tích lớn đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Tác giả tạm chấp nhận sử dụng khái niệm “đô thị đại học” trong khuôn khổ bài viết này.
- [2] Princeton University (2008)
- [3] UrbanDesign.org (2009). Thu thập từ http://www.urbandesign.org/urbandesign.html ngày 07/09/2009.
- [4] Moughtin, C. & Cuesta, R. & Sarris, C. & Signoretta, P. (2004)
- [5] Cao Huy Thuần (2008)
- [6] Theo email trao đổi của giáo sư Robert Kirby với tác giả về “Các thành phần tạo nên một trường đại học” (The elements of University) tháng 09/2008.
- [7] LeGates, R. & Stout, F. (eds, 2003)
- [8] Kitto, H.D.F. (1951)
- [9] Calthorpe, P. & Fulton, W (2001)
- [10] Katz, P. (1994)
- [11] Kenney, D. & Dumont, R. & Kenney, G. (2005)

Nguyễn Đỗ Dũng 

Tham khảo:

  • Cao Huy Thuần (2008). Trách nhiệm xã hội của đại học. Tạp chí Thời Đại Mới, số 14,2008.
  • Calthorpe, P. & Fulton, W (2001). The Regional City: Planning for the End of Sprawl. Washington, DC: Island Press.
  • Kenney, D. & Dumont, R. & Kenney, G. (2005). Mission and Place: strengthening learning and community through campus design. Westport, CT: Praeger Publishers.
  • LeGates, R. & Stout, F. (eds, 2003). The City Reader. New York, NY:Routledge. p.22
  • Kitto, H.D.F. (1951). “The Greeks” in LeGates, R. & Stout, F. (eds, 2003). The City Reader. New York, NY:Routledge.
  • Katz, P. (1994). The New Urbanism: Toward an Architecture of Community. New York, NY: McGraw-Hill
  • Moughtin, C. & Cuesta, R. & Sarris, C. & Signoretta, P. (2004). Urban Design: Method and Techniques. Burlington, MA: Architectural Press.
  • Princeton University (2008). Chapter 3: The evoluation of a campus (1756 – 2006) trong Princeton Campus Plan.
  • UrbanDesign.org (2009). Thu thập từ http://www.urbandesign.org/urbandesign.html ngày 07/09/2009.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm