Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Quy định nhiều, tai nạn xây dựng vẫn xảy ra

Quy định nhiều, tai nạn xây dựng vẫn xảy ra

Viết email In

Quy định về an toàn trong xây dựng có đầy đủ nhưng tai nạn trong lĩnh vực này vẫn cứ xảy ra, và các chuyên gia an toàn lao động cho rằng nguyên nhân là do đơn vị thi công chủ quan, thiết bị thi công không đảm bảo an toàn.

Minh chứng cụ thể là sự cố cần cẩu thi công công trình tòa tháp đôi The One của Bitexco tại trung tâm TPHCM với 35 tấn sắt bất ngờ đổ sập, đè tường rào Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM ngày 4/1 vừa qua.  

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online (TBKTSG Online) ngày 6/1, ông Hoàng Quang Nhu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng khẳng định về an toàn trong hoạt động xây dựng đã được ràng buộc chặt bởi Luật Xây dựng và Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư 22/2010/TT-BXD quy định an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. 


Thi công tại tòa tháp đôi The One của Bitexco
(Ảnh: Uyên Viễn) 

Cũng theo ông Nhu, ngoài ra hàng năm Bộ Xây dựng có chỉ thị gởi UBND các tỉnh thành nhắc nhở các sở xây dựng địa phương kiểm tra đảm bảo an toàn xây dựng. Các tỉnh thành theo đó đều ban hành đầy đủ quy chuẩn về an toàn lao động trong xây dựng. 

“Nhìn chung về pháp lý đã có đầy đủ các quy định chặt chẽ, ràng buộc chủ đầu tư đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng”, ông Nhu nói.

Nhưng thực tế cho thấy, những năm gần đây đã xảy ra một số vụ sập cần cẩu tại các công trình xây dựng, có vụ còn gây chết người. Và nhiều người dân tại TPHCM vẫn cảm thấy lo lắng khi đi bên dưới các cần cẩu các công trình xây dựng; các vật liệu nặng, các khối bê tông đong đưa trên đầu là mối nguy lớn bởi tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp Phân viện Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam, nói rằng theo quy định về an toàn xây dựng thì tuyệt đối không để người đi, vật đứng dưới tải trọng cẩu đang hoạt động, cần cẩu để vươn cả ra đường đang có người đi là sai quy định.

Ông Dũng cho rằng, những sự cố về mất an toàn trong hoạt động xây dựng xảy ra gần đây chủ yếu là do đơn vị thi công sử dụng cẩu vật liệu nặng là cẩu quá tầm, quá tải, dây cáp ròng rọc sử dụng lâu ngày, vật trên cẩu rơi, người lái cẩu không kiểm tra nhấc thử tải trước khi thi công, công nhân chủ quan và hầu hết là do yếu tố chủ quan của các đơn vị thi công.

Liên quan đến an toàn trong xây dựng, thông tư 22/2010/TT-BXD quy định: “Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Trường hợp khi hoạt động, thiết bị thi công vượt khỏi phạm vi mặt bằng công trường thì chủ đầu tư phải phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình trong, ngoài công trường chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng. Trường hợp do điều kiện thi công, thiết bị phải đặt ở ngoài phạm vi công trường và trong thời gian không hoạt động nếu các thiết bị thi công vươn ra khỏi phạm vi công trường thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của địa phương”.

Theo phân tích của ông Lê Thành Công, một chuyên gia ngành xây dựng tại TPHCM, thông thường khi xảy ra sự cố về gãy, đỗ cần cẩu vật liệu xây dựng là thuộc về lỗi của cả nhà thầu xây dựng và tư vấn giám sát công trình.

Cụ thể, theo ông Công, sự cố sập cần cẩu vật liệu có thể do thiết bị cẩu không đủ điều kiện an toàn thi công (thông thường thiết bị này phải được kiểm định định kỳ).

Khi thực hiện việc cẩu vật liệu nặng phải có nhân viên an toàn giám sát, kiểm định khối lượng, điều kiện an toàn như nền đất đặt xe cẩu, đảm bảo an toàn xung quanh khu vực thi công bằng biển báo, loa phóng thanh … mới được phép thi công, ông Công nói qua trao đổi với TBKTSG Online hôm nay.

Theo thông cáo báo chí được tập đoàn Bitexco gửi tới Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 6/1, Bitexco cho rằng sự cố cần cẩu đang thi công tại công trình xây dựng dự án The One đã đổ sập, vắt qua đường Lê Thị Hồng Gấm và làm hư hại một phần cổng của Bảo tàng Mỹ Thuật đối diện là do nguyên nhân xe cẩu đứng trên vị trí đất nền yếu. 

Bitexco cho rằng khi xe cẩu đang thực hiện cẩu hệ thống cọc thép để làm tường vây như thường lệ đã xảy ra sụt lún tại vị trí xe cẩu, khiến xe này bị mất thăng bằng và lật đổ. Xe cần cẩu mà đơn vị thi công sử dụng có tải trọng đạt 90 tấn, khối lõi thép có trọng lượng khoảng 35 tấn.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, nhà thầu thi công xây dựng phần cọc khoan nhồi và tường vây của dự án là liên doanh Raffles - Phú Cường đã phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng xử lý sự cố. Đến 13 giờ ngày 4-1, hệ thống dây cáp điện đã được khắc phục, toàn bộ phần cẩu và cọc thép đã được tháo dỡ, trả lại giao thông cho tuyến đường Lê Thị Hồng Gấm.

“Riêng phần cổng rào của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, đơn vị nhà thầu thi công Raffles - Phú Cường sẽ có trách nhiệm khôi phục lại toàn bộ cho Bảo tàng trong thời gian sớm nhất”, theo thông báo của Bitexco .

Dự án The One nằm tại khu vực trung tâm thành phố, đối diện chợ Bến Thành, và có mặt tiền là bốn tuyến đường: Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmett - Phạm Ngũ Lão, là dự án phức hợp đa chức năng bao gồm các khu văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ dịch vụ cho thuê. Dự án do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. 

Văn Nam - Đình Dũng (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online /thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3176 khách Trực tuyến

Quảng cáo