Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Thủ Thiêm công bố quy hoạch và thu hút đầu tư

Thủ Thiêm công bố quy hoạch và thu hút đầu tư

Viết email In

Khu đô thị Thủ Thiêm nằm ở vị trí đắc địa - được khu lõi trung tâm TPHCM “ôm vào lòng” - nhưng mấy năm qua phát triển ì ạch vì không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Ngày 8/5, Ban quản lý đầu tư – xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu đô thị này với hy vọng sẽ thay đổi tình hình.  


Mô hình khu đô thị Thủ Thiêm 

 

Chỉnh sửa quy hoạch 

Tại hội nghị, ông Trang Bảo Sơn, Phó ban quản lý Đầu tư – Xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm cho biết, với quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cục bộ mới đây của UBND TPHCM thì một số công trình công cộng, dịch vụ… có sự thay đổi như mở rộng mặt cắt đường Bắc Nam, diện tích đất dành cho thương mại tăng,… so với quy hoạch trước đây. 

Theo ông Sơn, hiện nay một số khu vực (cục bộ) ở khu đô thị Thủ Thiêm vẫn tiếp tục được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tình hình đầu tư thực tế; nhưng về cơ bản Thủ Thiêm được quy hoạch thành 8 khu chức năng (xem hình) với đặc điểm riêng về công năng sử dụng, mật độ xây dựng, không gian công cộng và công trình điểm nhấn. 

Cụ thể, khu chức năng số 1 (một phần của lõi trung tâm đô thị) thuộc một nửa phía Bắc của lõi trung tâm. Đây là khu thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Các tòa tháp cao nhất được dây dựng dọc theo đại lộ Vòng Cung và quảng trường trung tâm, giảm dần chiều cao về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm.

Các công trình điểm nhấn trong khu chức năng số 1 là trung tâm tài chính ngân hàng cao 50 tầng, trung tâm hội nghị triển lãm, cầu đi bộ (qua kênh số 1), nhà bảo tàng, nhà hát giao hưởng, trung tâm thông tin quy hoạch, công viên bờ sông, khu phức hợp khách sạn, quảng trường trung tâm...

Khu chức năng số 2 (phần còn lại của lõi trung tâm đô thị) nằm ở phía Nam của lõi trung tâm, là khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư và thể thao, giải trí. Toàn bộ khu vực được chia thành 3 khu nhỏ (2a, 2b, 2c): khu 2a ở phía Bắc đại lộ Mai Chí Thọ; khu 2b – khu phức hợp tháp quan sát; khu 2c – khu phức hợp thể thao, giải trí. Công trình điểm nhấn quan trọng trong khu chức năng số 2 này là phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng.

Khu chức năng số 3 là một khu chức năng dân cư hỗn hợp, nằm dọc bờ bắc Thủ Thiêm - dưới chân cầu Thủ Thiêm 1. Khu thương mại đa chức năng cao tầng được bố trí dọc đại lộ Vòng Cung; các chức năng dân cư hỗn hợp có mật độ dân cư thấp hơn ở phía bờ sông Sài Gòn và hồ trung tâm. Điểm nhấn kiến trúc cho khu vực này là nhà bảo tàng và trường học…

Khu chức năng số 4 cũng là khu dân cư hỗn hợp nằm phía Bắc Thủ Thiêm. Các công trình thương mại đa chức năng nằm dọc đại lộ Vòng Cung. Các chức năng dân cư hỗn hợp và công trình công cộng có mật độ thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn và rạch Cá Trê lớn. Các công trình quan trọng của khu vực này là trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trạm cứu hỏa, trạm cung cấp nhiên liệu… 

Khu chức năng số 5 bao gồm khu công trình công cộng phía Bắc và khu dân cư mật độ thấp phía Nam đại lộ Mai Chí Thọ và đường Bắc – Nam. Các công trình điểm nhấn quan trong của khu vực là cung thiếu nhi, tòa nhà cơ quan hành chính đô thị…

Khu chức năng số 6 là khu nằm dọc theo đại lộ Mai Chí Thọ và tiếp cận với rạch Cá Trê lớn. Tại đây bố trí công viên phần mềm phía Bắc (đầu mối của các hoạt động kinh tế, nghiên cứu về công nghệ thông tin). Kế cận là bệnh viện quốc tế. Phía Nam đại lộ Mai Chí Thọ là các khối thương mại hỗn hợp và khu ở yên tĩnh mật độ thấp. 

Khu chức năng số 7, khu chức năng cực Đông của Thủ Thiêm, được quy hoạch thành khu phức hợp cửa ngõ phía Đông với nhà cao tầng trung bình và khu khách sạn nghỉ dưỡng. Ở đây còn có khu phức hợp bến du thuyền và quần thể khu thương mại…

Khu chức năng số 8 là khu ngập nước phía Nam Thủ thiêm, là khu phát triển đa dạng sinh học. Khu vực này ngập nước nên các dự án phát triển phải hết sức cân nhắc. Tuy nhiên, tại đây cũng được quy hoạch 3 dự án lớn là khách sạn nghỉ dưỡng vùng châu thổ phía Nam; công viên nước; và viện nghiên cứu châu thổ phía Nam. Tất nhiên các dự án này phải được thiết kế và quản lý theo phương thức bền vững, có bảo vệ sinh thái. 


8 khu chức năng của Khu đô thị Thủ Thiêm

 

Vì sao khó thu hút đầu tư? 

Tổng hợp các tiêu chí quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm

Tổng diện tích khu đất quy hoạch: 657 héc ta
Diện tích khu đất có thể phát triển: 2.158.751 mét vuông (215,9 héc ta)
Tổng diện tích sàn xây dựng (trên mặt đất): 7.563.750 mét vuông
Tổng diện tích sàn xây dựng (dưới mặt đất): 2.220.079 mét vuông
Tổng diện tích sàn nhà ở hữu dụng: 2.540.588 mét vuông
Tổng diện tích sàn thương mại hữu dụng: 2.555.977 mét vuông
Hệ số sử dụng đất thuần: 3,5
Số lượng căn hộ ở: 26.618 căn
Dân số cư trú: 145.369 người
Số người làm việc: 217.470 người
Số lượng căn hộ dịch vụ: 573 căn
Dân số ở căn hộ dịch vụ: 1.719 người 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý Đầu tư – Xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, quy hoạch Thủ Thiêm hoàn thiện, giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành 98,2%... nhưng tình hình thu hút đầu tư chưa như mong đợi.

Đến nay, theo ông Tuấn, ngoài các dự án hạ tầng mới chỉ có 9 dự án có chủ trương của UBND thành phố cho phép nghiên cứu đầu tư; 6 dự án đã có nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư... Và ngay tại hội nghị đầu tư này, ban cũng chỉ đưa ra 4 dự án để kêu gọi đầu tư (xem cụ thể ở các box bên dưới).

Lý do nhà đầu tư chưa mạnh dạng vào Thủ Thiêm, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, là hạ tầng đô thị, nhất là các trục đường chính chưa hoàn thiện. “Chúng ta nghĩ có hầm và cầu Thủ Thiêm thì sẽ thu hút được nhà đầu tư vào Thủ Thiêm, nhưng thực tế đã không xảy ra do mạng lưới giao thông khung sườn của Thủ Thiêm chưa có”, ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, trở ngại thứ hai đối với nhà đầu tư muốn vào Thủ Thiêm là giá đất quá cao, thủ tục hành chính rờm rà; đó là chưa nói đến yếu tố khách quan là sự suy giảm của nền kinh tế…

Ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM, nói: “Hoài bão của chúng ta về khu đô thị Thủ Thiêm lớn nhưng đến nay kết quả không như mong muốn thì cần coi lại cách làm của chúng ta”. Theo ông Việt, nhà đầu tư thật sự muốn đầu tư, họ cần sự cam kết của chính quyền về kế hoạch hoàn thành các công trình hạ tầng, các công trình điểm nhất của Thủ Thiêm. “Nhà đầu tư vào nhưng hạ tầng không xong như cam kết, khi đó dự án của họ phải chờ đợi sao?", ông Việt nói.

Ông Việt đề nghị phải quyết tâm thực hiện các dự án hạ tầng, đồng thời phải chia ra 3 giai đoạn phát triển Thủ Thiêm để giải quyết bài toán giá đất cao như hiện nay. Theo đó, giai đoạn 1 cần ưu tiên cho các nhà đầu tư tiên phong (có chọn lựa) giá đất thấp, nhà nước chấp nhận lỗ; giai đoạn 2 bán đất với giá hòa vốn để thu hút đầu tư; và giai đoạn 3, khi hạ tầng đã hoàn thiện bán đất với giá cao, có lời.

Thực tế, tại hội nghị này hầu hết các câu hỏi của các nhà đầu tư đều xoáy vào giá đất và kế hoạch thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm ở Thủ Thiêm. Cho nên, theo ông Việt, nếu chính quyền TPHCM nỗ lực và có những chính sách phù hợp, kịp thời thì chắc chắn Thủ Thiêm sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn và đô thị này sẽ sớm hình thành được hình hài. 

Các dự án có chủ trương đầu tư: 

  1. Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng quốc tế (khu chức năng số 2a) có diện tích 11 héc ta, do Công ty Lotte Assets (Hàn Quốc) đầu tư;
  2. Dự án Nhà ở và thương mại dịch vụ tổng hợp có diện tích 4,02 héc ta (khu chức năng số 1 và 3), do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư;
  3. Dự án Khu dân cư phía Đông – chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của thành phố có diện tích 13 héc ta (khu chức năng số 7), do một số liên doanh làm chủ đầu tư;
  4. Dự án Khu nhà thấp tầng và thương mại dịch vụ tổng hợp bao gồm dự án trường học và trung tâm văn hóa (khu chức năng số 5) với diện tích 22,3 héc ta, do Công ty cổ phần Đại Quang Minh đầu tư;
  5. Dự án Khu nhà ở thấp tầng và thương mại dịch vụ tổng hợp (khu chức năng số 6) diện tích 18,8 héc ta cũng do Đại Quang Minh đầu tư;
  6. Dự án phức hợp Tháp quan sát có diện tích 11,2 héc ta (khu chức năng số 2), do liên doanh Tiến Phước - Trần Thái – Gaw capital Partners đầu tư;
  7. Dự án trường tiểu học và trung học cơ sở có diện tích 2,26 héc ta (khu chức năng số 7) do Ban quản lý Đầu tư – Xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm đầu tư;
  8. Dự án bệnh viện chuẩn quốc tế (3,9 héc ta) thuộc khu chức năng số 6) do Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đầu tư;
  9. Dự án Công viên trí thức (1,8 héc ta) nằm trong khu chức năng số 6 do Công ty cổ phần Phát triển nguồn lực Việt - Nhật đầu tư.

Các dự án có nhà đầu tư quan tâm: 

  1. Trung tâm hội nghị triển lãm và khu phức hợp khách sạn (trung tâm hội nghị 5,1 héc ta; phức hợp khách sạn 3,2 héc ta) thuộc khu chức năng số 1. Hiện nay đã có các nhà đầu tư như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Liên doanh Gaw Capital Partners – Pico Investment tìm hiểu.
  2. Dự án Khách sạn nghỉ dưỡng phía Đông có diện tích 6,8 héc ta (khu chức năng số 7) có Tập đoàn Tân Hiệp Phát và Vietracimex tìm hiểu.
  3. Dự án quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và cầu đi bộ (29 héc ta tại khu chức năng số 1 và 2) có Công ty cổ phần Đại Quang Minh tìm hiểu.
  4. Dự án Lâm viên sinh thái (17,9 héc ta trong khu chức năng số 8) có Vingroup đang tìm hiểu.
  5. Dự án trường học tiêu chuẩn quốc tế (1,4 héc ta trong khu chức năng số 3) có Công ty Khai Dương và Công ty Đạt Long đang tìm hiểu.
  6. Dự án khu phức hợp Bến du thuyền (5,4 héc ta trong khu chức năng số 7) có Công ty Sult marina và Công ty cổ phần Du thuyền Sài Gòn đang tìm hiểu.

Các dự án mời gọi đầu tư: 

  1. Dự án Khu trung tâm thương mại tài chính ngân hàng quốc tế (thuộc khu chức năng số 1 và số 2a). Nơi đây được quy hoạch là một khu vực (93 héc ta) hoạt động tài chính sôi động, sầm uất, tập trung các tổ chức tài chính quốc tế và chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm…
  2. Dự án Khu dân cư phía Bắc (thuộc khu chức năng số 3 và 4) có diện tích 84 héc ta với chức năng dân cư hỗn hợp, thương mại đa chức năng và công trình công cộng.
  3. Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm (15,9 héc ta trong khu chức năng số 6) là trung tâm thông tin, trung tâm nghiên cứu - cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
  4. Dự án Khu trung tâm thể thao giải trí đa năng (39 héc ta thuộc khu chức năng 2c) gồm có sân vận động 30.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu đa năng, công viên thể thao… 

Đá Bàn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2390 khách Trực tuyến

Quảng cáo