Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật 12/16 công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM chậm tiến độ

12/16 công trình giao thông trọng điểm tại TP.HCM chậm tiến độ

Viết email In

Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm 2012 của thành phố tắc vì “trên nói sao, dưới đồng tình vậy”! Đó là kết luận của ông Phạm Văn Đông, trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM tại buổi giám sát tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm năm 2012 trên địa bàn thành phố vào chiều ngày 16/10 vừa qua.  

“Không thể chấp nhận được” 


Thi công dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (ảnh chụp ngày 16/10/2012) (Ảnh: Thanh Hảo) 

Theo báo cáo của sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 16 công trình giao thông trọng điểm đang thi công. Ngoài bốn công trình là nâng cấp mở rộng cầu Kinh Thanh Đa, cầu vượt bằng thép ở ngã tư Thủ Đức, Hàng Xanh và cầu Sài Gòn 2 có khả năng hoàn thành đúng tiến độ, 12 công trình còn lại đều chậm so với tiến độ đề ra. Theo ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM, cái vướng chủ yếu ở đây là mặt bằng. Điển hình là công trình xây dựng Cầu Đỏ (quận Bình Thạnh), được khởi công từ tháng 8/2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, trễ hai năm vì mặt bằng. Công trình nâng cấp mở rộng đường Bến Vân Đồn (quận 4) khởi công từ năm 2010, đến nay vẫn còn 12 hộ và một tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. 

Gay go nhất có lẽ là việc giải phóng mặt bằng ở ba công trình lớn: Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (vốn đầu tư 171 triệu USD, tương đương với 3.562,789 tỉ đồng); công trình mở rộng xa lộ Hà Nội (tổng vốn đầu tư 22.000 tỉ đồng) và công trình mở rộng tỉnh lộ 10 từ ranh Long An đến cầu Tân Tạo (tổng vốn đầu tư 772 tỉ đồng). Ở công trình Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, theo ông Cường còn hơn 230 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng. Riêng ở công trình mở rộng xa lộ Hà Nội, dù thành phố đã năm sáu lần gia hạn phải dứt điểm bàn giao mặt bằng, nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Tại dự án mở rộng tỉnh lộ 10, đến nay còn hơn 100 hộ chưa giao mặt bằng. 

“Ở ba dự án kể trên, có những dự án sáu tháng mà mặt bằng không nhúc nhích là không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Văn Lâm, phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM bức xúc.

12 công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ

Công trình xây dựng Cầu Đỏ; nâng cấp mở rộng đường Bến Vân Đồn; xây dựng đường tỉnh lộ 10B; xây dựng đường liên cảng A5; xây dựng cầu Suối Cái – xa lộ Hà Nội; nút giao thông hoàn chỉnh ở cổng chính đại học Quốc gia; xây dựng cầu Rạch Tra; mở rộng tỉnh lộ 10; mở rộng xa lộ Hà Nội; xây dựng đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài ; xây dựng đường Vành đai đông và dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh đến khu công nghiệp Phú Hữu. 

“Phải quy trách nhiệm”

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, các công trình giao thông trọng điểm chậm tiến độ vì vướng mặt bằng không chỉ gây đội vốn mà còn đang từng ngày, từng giờ đe doạ tính mạng người tham gia giao thông. “Ở tỉnh lộ 10, bản thân tôi biết tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên mà nguyên nhân là do thi công dở dang, chấp vá vì thiếu mặt bằng”, ông Lâm nói. Theo ông Lâm, chuyện để vướng đền bù cần phải quy trách nhiệm rõ ràng của từng địa phương. “Tôi đề xuất HĐND làm công văn yêu cầu các địa phương để xảy ra tình trạng chây ỳ trong công tác giải phóng mặt bằng, phải báo cáo cụ thể để có hướng giải quyết cũng như xem xét trách nhiệm”, ông Lâm nhấn mạnh. 

Ông Phạm Văn Đông thì cho rằng, chuyện gây tranh cãi nhiều nhất trong tất các dự án là về đền bù giải toả. Mà nguyên nhân xuất phát từ việc “trên nói sao, dưới đồng tình vậy”. Ông Đông dẫn chứng ở dự án mở rộng đường Bến Vân Đồn (quận 4), đến bây giờ mới quyết định không giải toả một chung cư trên tuyến đường này để đẩy nhanh dự án. “Đúng ra khi lập dự án phải cân nhắc trước. Khi các sở ngành, đơn vị trình dự án thì địa phương phải xem xét thực tế tình hình địa phương mình thế nào thì mới đồng ý, đằng này ai đưa gì cũng đồng ý thì không vướng sao được”, ông Đông nhấn mạnh. 

Theo ông Đông, ở các dự án đã lỡ chậm tiến độ vì mặt bằng thì ngay từ bây giờ, lãnh đạo địa phương phải gần dân. “Như ở dự án tỉnh lộ 10, tôi biết có hai hộ dân ở cầu Xáng chưa giao mặt bằng, vì họ đang đợi lãnh đạo huyện xuống nghe dân chia sẻ. Nếu lãnh đạo huyện xuống thì rất có thể mặt bằng ở đây sẽ không bị kéo dài đến bây giờ”, ông Đông nói. 

 

Ông Phạm Văn Đông, trưởng ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM: 

Nhiều dự án không lấy ý kiến người dân 

Trao đổi kỹ hơn với phóng viên về tình trạng này, ông Đông chỉ rõ: “Việc lấy ý kiến địa phương, cơ sở trong tất cả các dự án xây dựng, làm đường mà cứ làm qua loa cho xong chuyện là hết sức nguy hiểm”. Chẳng hạn dự án nâng cấp và mở rộng đường Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) không thể hoàn thành đúng hạn vì vướng mặt bằng, do đụng phải một chung cư với nhiều hộ sinh sống. 

Vậy ông đánh giá thế nào về chuyện đang diễn ra ở dự án mở rộng đường Bến Vân Đồn? 

- Các cơ quan liên quan yêu cầu UBND quận 4 có ý kiến về dự án, nếu UBND quận 4 thận trọng một chút thì tổ chức một hội nghị nhỏ ở nội bộ quận để nghe ý kiến, sau đó cân nhắc ký vào dự án của sở, ngành ở trên địa bàn mình. Tuy nhiên, địa phương lại làm điều đó chưa tốt, dẫn tới chuyện ký rồi, đồng tình rồi nhưng làm không được.

Cái đó là chọc dân, ghẹo dân. Nếu biết rằng việc giải toả chung cư sẽ ảnh hưởng đến nhiều người dân, giải quyết không ổn thì ban đầu đừng có đụng vào. Mặt khác, nếu biết chưa tìm được chỗ tái định cư cho dân ở tốt hơn thì thôi đừng đụng. Vậy mà cứ đụng để đến khi dân bức xúc mới bảo thôi không đụng tới đó cũng được. Cái đó chính là chọc ghẹo dân còn gì nữa! 

  • Ảnh bên: Ông Phan Văn Yến, tổ trưởng tổ dân phố 10, phường 12, quận 4 cho biết, chung cư Rau Quả, 33 Bến Vân Đồn hiện có 25 hộ dân đang sinh sống. Chung cư này có chủ trương giải toả từ năm 1999 để làm trường THPT Nguyễn Khuyến và mở rộng đường Bến Vân Đồn, nhưng do chưa có nơi ở mới và giá đền bù thấp nên nhiều hộ dân chưa chịu di dời (Ảnh: Đoàn Quý) 

Theo quy định, đơn vị lập dự án phải lấy ý kiến chính quyền địa phương, địa phương phải lấy ý kiến dân. Thực tế nhiều dự án không lấy ý kiến dân, song lại cho rằng đã có ý kiến đồng thuận của người dân?

- Nếu địa phương muốn có được quyết định chính xác, hợp lý thì phải nghe được ý kiến dân. Nếu một trong ba cấp là ấp, phường hay quận bỏ qua khâu trên là không đúng.

Vậy theo ông, phải làm sao để tìm được sự đồng thuận của dân?

Đường đụng chung cư nên phải dừng 

Dự án nâng cấp và mở rộng đường Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) dài 2.586m, tổng vốn đầu tư 253 tỉ đồng được khởi công từ tháng 11.2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên đến nay, theo báo cáo của sở Giao thông vận tải, dự án này không thể hoàn thành đúng hạn vì không thể giải phóng mặt bằng do đụng phải một chung cư với nhiều hộ sinh sống. Đây là một điển hình cho việc thiếu phản biện từ cơ sở, dẫn đến tiến độ hoàn thành dự án kéo dài. 

- Theo kinh nghiệm của tôi, khi lấy ý kiến dân thì phải giải thích và vận động cho thật cặn kẽ. Nếu không làm tốt khâu này rất dễ bị “gấp hồ sơ” cất luôn, không sử dụng được. Lý do: người dân rất ít khi đồng tình với chuyện bị giải toả, nếu không được giải thích thoả đáng và thuyết phục. Ví dụ khi cần mở rộng đường để không kẹt xe, không gây ách tắc giao thông..., thì người dân sẵn sàng đồng tình nhưng với điều kiện đi chỗ khác cuộc sống người ta tốt hơn.

Theo nguyên tắc lúc lập dự án, người ta phải lấy ý kiến địa phương. Điều này trong luật đã quy định. Ở đây tôi xin nói thêm, để tránh gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ người dân, ở mỗi dự án cần phải cân nhắc tính khả dụng trong từng thời điểm. 

Ví dụ như một con đường đang rộng 10m, muốn mở rộng lên 30m, nếu dự tính cho 20 năm nữa thì chúng ta chọn 30m. Nhưng để cho phù hợp với tình hình hiện tại, phù hợp lòng dân, tránh gây xáo trộn quá mức (giải toả) thì địa phương ít ra phải có ý kiến chỉ nên mở rộng 20m, như vậy dân rất dễ ủng hộ. Nếu đùng một cái làm ngay 30m thì dân phản ứng là điều khó tránh khỏi. 

Ở buổi giám sát tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm năm 2012 trên địa bàn TP.HCM vào chiều ngày 16/10 vừa qua, ông có nói: nhiều địa phương đã không gần dân, khiến cho công tác giải phóng mặt bằng dậm chân tại chỗ. Dựa vào đâu ông kết luận như vậy?

- Như câu chuyện ở Cầu Xáng (thuộc dự án tỉnh lộ 10). Ở đây có hai hộ dân nằm ngay ngã ba, ngay giao lộ nhưng không chịu di dời vì lo sợ sau khi bị giải toả trắng không biết phải sống ra sao. Do đó chính quyền phải xuống gặp dân, đối thoại với dân, trao đổi với dân. Nhưng do chính quyền chưa làm như trên nên tình trạng ì ạch mới kéo dài.

Nhìn chung nếu không gần dân, không tham khảo ý kiến của dân là rất khó thành công. 

Đào Lê - Đoàn Quý (thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2032 khách Trực tuyến

Quảng cáo