Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Thí điểm đầu tư PPP: rất chậm

Thí điểm đầu tư PPP: rất chậm

Viết email In

Dù được kỳ vọng là hình thức đầu tư thu hút tư nhân tham gia nhưng do khuôn khổ pháp lý chưa được hoàn thiện nên hơn 20 dự án hạ tầng và dịch vụ công được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) triển khai rất chậm, thậm chí nhiều dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Để tháo gỡ những vấn đề thuộc khuôn khổ pháp lý cho các dự án PPP, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng cần xây dựng luật cụ thể cho loại hình đầu tư này, tại buổi tọa đàm về kinh nghiệm và đề xuất cho dự án PPP diễn ra ngày 17/7 ở TPHCM. Các chuyên gia, các đại biểu quốc hội cũng như nhà đầu tư đã mổ xẻ các vấn đề với mục đích thu hút tư nhân tham gia đầu tư.

Vì sao các dự án PPP thực hiện chậm?

Mặc dù Quyết định số 71/2010/QĐ.TTg về quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP đã ban hành được gần 2 năm nhưng đến nay các dự án được chọn thí điểm tiến hành rất chậm, thậm chí có dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói rằng các dự án thí điểm hầu như không có chuyển biến gì.

“Trong số hơn 20 dự án mà các địa phương và các bộ, ngành trình Chính phủ thì chỉ có vài dự án có tính khả thi, phần còn lại tính khả thi không cao. Hiện nay, mới chỉ có duy nhất dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới bước vào phần báo cáo khả thi, các dự án còn lại mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu tiền khả thi”, ông Trương nói.

Chỉ ra những nguyên nhân khiến các dự án này không có bước chuyển biến, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, hiện nay hình thức đầu tư PPP còn quá nhiều trở ngại. Trong đó, các thủ tục đấu thầu vô cùng phức tạp và mất rất nhiều thời gian.

Ông Anh cho biết một vấn đề khác được nhà đầu tư ví như ác mộng mỗi khi thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, những rủi ro khác như môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, khuôn khổ pháp lý bất cập, những bất định về chính sách luôn xảy ra trong quá trình thực hiện…

Theo ông Anh, tiềm năng PPP ở Việt Nam là rất lớn nhưng chỉ với Quyết định 71 thì chưa đủ hành lang pháp lý đảm bảo cho nhà đầu tư nên họ vẫn chọn hình thức BOT cho chắc chắn. Bởi vì BOT có hành lang pháp lý đầy đủ hơn bằng nghị định đầu tư có hướng dẫn cụ thể, trong khi PPP thì thủ tục phải qua nhiều khâu, khi đầu tư dự án phải trình và xin quyết định của Thủ tướng.

Ở khía cạnh tư vấn cho các nhà đầu tư, luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, chia sẻ rằng mặc dù Việt Nam đã có một định nghĩa mang tính tạm thời về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư từ năm 2010, nhưng cho đến nay vẫn có nhiều cách hiểu, quan niệm khác nhau về hình thức đầu tư này tại Việt Nam. Có nơi, có lúc, các dự án đối tác công-tư được coi là các dự án xã hội hóa hay nhà nước và nhân dân cùng làm. Có thời điểm, các dự án đối tác công - tư chỉ được coi đơn thuần là những dự án đầu tư thu lợi nhuận của khu vực tư nhân. Do đó, khi tư vấn cho các nhà đầu tư vào các dự án PPP có rất ít thông tin để tư vấn cho họ.

Về phía nhà đầu tư, ông Dương Quang Châu, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), cho biết hiện nay hình thức BOT và BT vẫn gặp nhiều vướng mắc về khuôn khổ pháp lý chứ đừng nói đến việc đầu tư theo hình thức PPP. Những rắc rối xảy ra với hình thức đầu tư BOT hiện nay là giai đoạn thu phí hoàn vốn.

Theo ông Châu, ở giai đoạn này Nhà nước cũng rất lúng túng, dẫn đến quyền lợi của nhà đầu tư không được đảm bảo. Đơn cử như việc tăng phí cầu đường, trong hợp đồng BOT nhà đầu tư ký với UBND nhưng khi đến lộ trình tăng phí như hợp đồng thì quyền quyết định lại thuộc HĐND.

Cần có luật về đầu tư PPP

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều câu hỏi được đặt ra là làm sao để giải quyết những vướng mắc về hành lang pháp lý đã gây cản trở suốt gần 2 năm qua. Đã có rất nhiều ý kiến đề xuất được đưa ra nhưng các chuyên gia và nhà đầu tư đều đồng tình rằng cần xây dựng luật đầu tư PPP.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng trong việc đầu tư PPP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ.TTg ngày 9-11-2010, trên thực tế quyết định này không đủ bảo đảm một khuôn khổ pháp lý để vận hành mô hình PPP và không đủ mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Mặt khác, nếu các địa phương  và các ngành có điều kiện thực hiện hình thức đầu tư PPP bằng những sáng kiến riêng của mình sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện trong chính sách và không bảo đảm sự an toàn về pháp lý cho các bên. Do đó, cần ban hành luật đầu tư PPP để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

“Khi xây dựng luật cần xác định rõ các lĩnh vực đầu tư theo hình thức này, chính sách bù đắp cho nhà đầu tư để bảo đảm sinh lời trong quá trình đầu tư như về đất đai; thuế; tín dụng ưu đãi; bảo lĩnh tín dụng; tham gia vốn của nhà nước; cơ chế thu phí hoàn vốn và sinh lời… Luật cũng cần quy định rõ quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, cũng như quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan. Đồng thời cần quy định rõ cơ chế vận hành của dự án…”, ông Lịch nói.

Ông Lịch đề xuất khi đã có lối ra cho PPP thì nên chấm dứt hình thức đầu tư BT (xây dựng – chuyển giao hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng), bởi trong cơ chế thị trường cần phải minh bạch vấn đề đầu tư thông qua đấu thầu để tránh cơ chế xin - cho như trước đây.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trương từ Cục quản lý đấu thầu cũng đồng tình với việc cần có luật đầu tư PPP nhưng lại cho rằng để ra đời được một bộ luật cần phải có thời gian.

Theo ông Trương, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án thí điểm theo hình thức PPP, trước mắt Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 71 hoặc ban hành một nghị định về đầu tư PPP để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện.

Chưa thực hiện dự án cảng container quốc tế Vũng Tàu

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chưa thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng container quốc tế Vũng Tàu.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp, dịch vụ hàng hải dầu khí tại khu vực Sao Mai - Bến Đình, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần lưu ý giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến Công ty cổ phần cảng container quốc tế Vũng Tàu và dự án đầu tư xây dựng cảng container quốc tế Vũng Tàu theo quy định của pháp luật trước khi tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai dự án mới.

Đồng thời, Thủ tướng lưu ý phương án triển khai dự án mới phải bảo đảm khả năng chuyển đổi công năng khi cần thiết phù hợp với các quy hoạch được duyệt và hiệu quả đầu tư của dự án.

(Theo Website Chính phủ)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2731 khách Trực tuyến

Quảng cáo