Hiện có 3 quan điểm về chế độ sở hữu đất đai, song phần lớn trong số đó vẫn ủng hộ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết tại buổi họp báo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, do cơ quan này tổ chức chiều 17/4.
Theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai được quy định từ Hiến pháp 1980 đến nay đã được đón nhận chung. Hiện cùng với hàng loạt các chính sách, quy định của nhà nước dựa trên tinh thần chung của hiến pháp đã được Đảng, Nhà nước thực thi trong suốt quá trình từ đó đến nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chế định này, ngoài những mặt tích cực, việc thực thi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai vẫn nổi lên một số bất cập, hạn chế.
Nhưng, điều đáng nói ở đây, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp là hiện nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa rõ hạn chế là do nguyên nhân ở Hiến pháp hay ở hệ thống các văn bản pháp luật thực thi.
"Kết quả tổng kết cho đến lúc này còn chung chung, chưa chỉ rõ tính đúng đắn của Hiến pháp tới đâu, điều gì là do hạn chế của quá trình ban hành luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đáp ứng được tinh thần và yêu cầu của Hiến pháp", ông Liên nói.
Cũng theo Thứ trưởng Liên, phần lớn tổng kết Hiến pháp 1992 của 63 tỉnh, thành phố và 30 bộ, ngành đều đề nghị giữ nguyên chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong hiến pháp, nhấn mạnh cần chú trọng hơn quá trình thể chế hoá chế định này vào các luật và nghị định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số ý kiến cho rằng “sở hữu toàn dân" là một khái niệm trừu tượng, chưa cụ thể về chủ sở hữu, do vậy họ đề nghị sửa thành "sở hữu đất đai thuộc Nhà nước".
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đặt vấn đề trong thời gian tới cần đa dạng hoá sở hữu đất đai.
Trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Bộ trước đề xuất này, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng “đưa ra đề xuất thì dễ dàng, nhưng để tìm đủ cơ sở lý luận, thực tiễn để lập luận một cách thuyết phục thì tất cả các kiến nghị trên đều chưa làm được”.
Ông Liên cũng cho biết, hiện Chính phủ cũng đã có chỉ đạo và nhấn mạnh, đất đai là một trong những vấn đề cần tiếp tục đi sâu trong giai đoạn 2 của tổng kết Hiến pháp, có khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo để lập luận sâu sắc và chính xác hơn.
Trang Anh
- TPHCM: Dự án trọng điểm tiếp tục vướng mặt bằng
- Thanh Hóa xây khu đô thị hơn 1.500 ha
- FPT City ra mắt căn hộ mẫu thông minh FPT Smart Nano Flat Đà Nẵng
- Hà Nội: Đề xuất 6 điểm tái định cư rộng khoảng 157ha
- Dự án gang thép Formosa tăng vốn lên 22 tỉ đô la Mỹ
- Dự án “rùa” gia tăng trở lại
- Hà Nội: “ì ạch” hàng chục dự án FDI
- Đà Nẵng lấn khoảng 120ha biển xây khu du lịch cao cấp
- Chạy vốn xây hạ tầng
- Thành Đông xây khu đô thị 500ha tại TP Hải Dương