Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng

Cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng

Viết email In

Đầm nuôi trồng thủy sản khu vực cống Rộc, xã Vinh Quang được ông Đoàn Văn Vươn nhận khai hoang từ năm 1992. Năm 1997 UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) ra quyết định giao bổ sung đất nuôi trồng thủy sản với diện tích 19,3ha cho ông Vươn. Thời hạn sử dụng đất là 14 năm, tính từ ngày 4/10/1993.

Hết thời hạn sử dụng, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất. Không đồng tình, ông Đoàn Văn Vươn và một chủ đầm tôm là ông Vũ Văn Luân đã có đơn khởi kiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng ra TAND huyện. Bị bác đơn, ông Vươn và ông Luân tiếp tục kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng.

Ngày 9/4/2010, ông Ngô Văn Anh - thẩm phán TAND TP Hải Phòng - đã cho lập một biên bản thỏa thuận giữa các bên đương sự. Ông Phạm Xuân Hoa, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Tiên Lãng, nói trong biên bản: “Quan điểm của UBND huyện Tiên Lãng là quan tâm đến người lao động nếu người lao động chấp hành tốt quy định của Nhà nước. Nếu ông Luân rút đơn thì huyện sẽ cho ông Luân tiếp tục thuê đất theo quy định của pháp luật”. Biên bản được thẩm phán Ngô Văn Anh ký, đóng dấu cùng chữ ký xác nhận của ông Phạm Xuân Hoa và các ông Vươn, Luân. Nhận được biên bản này, các ông Vươn, Luân đã rút đơn kháng cáo.

  • Ảnh bên: Khu vực xảy ra vụ cưỡng chế tại khu Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng đã không thực hiện lời hứa nói trên. Ngược lại, cuối năm 2011 UBND huyện đã ra quyết định thu hồi đất của ông Vươn, tổ chức cưỡng chế. Ông Vươn cùng các đồng phạm chống trả quyết liệt làm sáu công an và quân nhân bị trọng thương ngày 5/1/2012. 

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ:

UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai 

Là người tận tường Luật đất đai, khi xem các quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Hùng Võ cho rằng các quyết định giao đất do huyện Tiên Lãng ban hành đều trái Luật đất đai.

Ông phân tích:

Với các quyết định giao đất cho ông Vươn, phải khẳng định không thuộc trường hợp đất công ích do cấp xã đứng ra đấu thầu, cho thuê trực tiếp để tạo ngân sách xã. Đây là việc giao đất cho hộ gia đình cá nhân, theo Luật đất đai năm 1993, cụ thể là theo nghị định 64 về việc giao đất sản xuất đối với đối tượng ở đây là giao đất sản xuất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì thời hạn giao đất được Luật đất đai quy định là 20 năm.

Cách tính thời hạn được xác định nếu quyết định đó giao sau ngày 15/10/1993 thì được tính từ thời hạn ban hành quyết định giao đất. Nếu giao đất từ trước thời điểm trên thì bắt đầu tính thời hạn từ 15/10/1993. Như vậy, thời hạn mà huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn quy định 14 năm là trái luật, mà phải giao 20 năm mới đúng.

Quyết định giao bổ sung 19,3ha đất do huyện Tiên Lãng ký ban hành ngày 9/4/1997 nhưng lại tính thời điểm giao đất từ ngày 4/10/1993 rồi UBND huyện lý giải việc tính thời hạn như vậy vì ngày 4/10/1993 đã có quyết định giao 21ha đất cho ông Vươn, nay chỉ giao bổ sung nên tính cùng một thời điểm cũng không đúng.

Luật đất đai 1993 không cho phép tính như vậy. Nếu thời điểm năm 1997 huyện Tiên Lãng ban hành quyết định điều chỉnh diện tích giao đất thì có thể được, nhưng quyết định năm 1997 của huyện Tiên Lãng là quyết định giao đất bổ sung, do vậy thời hạn giao đất bắt buộc phải tính từ ngày ban hành quyết định 9/4/1997, thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm, tức là đến năm 2017 mới hết hạn. Còn việc giao 21ha đất vào thời điểm năm 1993 thì được tính đến năm 2013 mới hết hạn.

Hiện nay việc giao đất theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ ngày 15/10/1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là hết thời hạn giao đất thì làm gì.

Nên việc huyện Tiên Lãng lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa.

Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7/4/2009 phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84. Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất... Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.

Một điểm sai nữa của huyện là về hạn mức giao đất. Luật quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng giao tới hơn 40ha thì về diện tích giao cũng sai. Trong trường hợp này nếu là cho thuê đất thì không có vấn đề gì, thậm chí cho thuê 14 năm hay ít hơn cũng được, nhưng cả hai quyết định đều ghi là giao đất mà giao đất thì bắt buộc theo hạn mức quy định và thời hạn quy định.

Việc sửa chữa những cái sai của cơ quan chức năng bây giờ là muộn. Tuy nhiên, tôi nghĩ công và tội cần nên rạch ròi. Cái gì áp dụng sai thì phải sửa. Nếu theo luật thì huyện Tiên Lãng phải quyết định lại việc giao đất đối với ông Vươn kéo dài thời hạn đúng 20 năm, nhưng diện tích giao đất chỉ tối đa 2ha, còn lại là chuyển sang cho thuê.

Vấn đề ở đây là cả UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều có trách nhiệm. Trách nhiệm của huyện là làm sai, còn trách nhiệm của TP là kiểm tra thực thi pháp luật không trọn vẹn. Vấn đề là Nhà nước nói với người dân qua các quyết định hành chính thì Nhà nước phải giữ chữ tín, do vậy sai của cơ quan chức năng đến đâu thì phải sửa đến đó.

Xuân Long (ghi)

Phải bàn giao mới cho thuê tiếp 

Sau cả chiều 9/1 và gần hết buổi sáng 10/1 chờ đợi được gặp lãnh đạo huyện, cuối buổi sáng 10/1 các phóng viên mới được chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh tiếp chuyện xung quanh việc cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ngày 5/1.

Ông Khánh nói chưa xếp được lịch để các phóng viên phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền, nếu muốn phỏng vấn thì từng báo phải có công văn, câu hỏi cụ thể gửi xuống.

* Truyền hình An ninh: Trong biên bản thỏa thuận được lập tại TAND TP Hải Phòng, đại diện UBND huyện có nói là dân rút đơn kiện thì được tiếp tục cho thuê đất, nhưng sau đó UBND huyện không thực hiện, xin ông cho biết thông tin chính thức?

- Văn bản thỏa thuận là có. Nhưng mà nói huyện không thực hiện là không đúng. Tức là văn bản thỏa thuận này nói rằng khi anh Vươn chấp hành trả lại vùng đầm cho Nhà nước, huyện sẽ tạo điều kiện để anh Vươn tiếp tục thuê đất sản xuất trên vùng đầm đó. Tức là mọi cái sau này phải theo thỏa thuận với nhau. Anh vẫn như mọi công dân khác, nhưng anh được ưu tiên.

* Tuổi Trẻ: Nhưng sau khi có văn bản thỏa thuận, ông Vươn đề nghị được tiếp tục giao đất để sản xuất, nuôi trồng thủy sản, tại sao UBND huyện không gia hạn mà lại thu hồi?

- Đây là quy định. Dứt khoát anh phải làm các thủ tục bàn giao lại, anh cứ phải bàn giao tôi mới cho anh thuê tiếp.

* Nông Thôn Ngày Nay: Có thông tin cho rằng UBND huyện thu hồi để tổ chức đấu giá?

- Cái đó chúng tôi không thể nói là có hay không có. Nhưng nếu thu hồi thì việc kế tiếp phải thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

* Pháp Luật TP.HCM: UBND huyện chỉ giao đất cho ông Vươn 14 năm, trong khi pháp luật về đất đai quy định là giao 20 năm cho loại đất nuôi trồng thủy sản, tại sao vậy?

- Tôi nghĩ về cái chung pháp luật khống chế mức sàn của nó. Nhưng về địa phương chúng tôi có thể giao mức thấp hơn do tình hình thực tế, có thể năm năm, mười năm. Còn đối với anh Vươn chúng tôi giao đất có thời hạn theo những thỏa thuận hai bên.

* Pháp Luật TP.HCM: Quyết định thu hồi đất nói là không bồi thường cho ông Vươn, nội dung này căn cứ vào quy định nào của Nhà nước?

- Quyết định ghi rõ khi hết hạn được giao đất, anh Vươn phải bàn giao toàn bộ đất và tài sản trên đó cho Nhà nước. Còn căn cứ vào đâu thì anh phải hỏi cơ quan chuyên môn, chứ tôi làm chánh văn phòng không thể biết hết được.

* Tuổi Trẻ: Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn và ông Vũ Văn Luân đều đã công bố, vậy khi nào UBND huyện sẽ thực hiện cưỡng chế với ông Luân?

- Việc này hiện nay xin phép chưa thông tin. Hôm nay các nhà báo chỉ nên nắm việc cưỡng chế với ông Vươn thôi.

Lê Kiên (thực hiện) 

 

 

Lời bình  

 
+1 # Nguyen.Do 12/01/2012 14:59
Theo mình biết thì luật Việt Nam chưa rõ ràng về việc xử lý khi thời hạn giao đất kết thúc và có lẽ thời hạn đó là một ngày xa xôi trong tương lai nên chính quyền có vẻ chưa quá xốt xắng. Vụ Tiên Lãng có lẽ đăt ra câu hỏi lớn cho sự chậm trễ cũng như yếu kém của hệ thống pháp lý và năng lực của chính quyền địa phương (vốn bản thân rất ít hiểu biết về pháp luật như mình thấy trong quá trình hành nghề).
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3397 khách Trực tuyến

Quảng cáo