Ashui.com

Monday
Oct 07th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Hà Nội kiến nghị sửa 12 nhóm vấn đề tại Luật Đất đai

Hà Nội kiến nghị sửa 12 nhóm vấn đề tại Luật Đất đai

Viết email In

Tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn Hà Nội ngày 15/3, nhiều bất cập, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật đã được kiến nghị để nghiên cứu sửa đổi bổ sung như: vấn đề sở hữu đất đai; việc điều tiết giá trị gia tăng từ đất; cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất, xây dựng và công bố bảng giá đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Luật Đất đai năm 2003 ra đời đã góp phần hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất; khắc phục tình trạng bao cấp về giá đất, thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong cơ chế thị trường; đẩy mạnh phân cấp và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý đất đai.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Phó ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành luật đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, trong quá trình triển khai luật này những năm qua đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tài bất cập cần điều chỉnh.

Đó là: vai trò của Nhà nước trong sở hữu về đất đai trong quá trình điều tiết các nguồn lợi về đất đai và phát triển; phân bổ nguồn tài nguyên về đất đai; chính sách giao đất nông nghiệp; chính sách điều tiết lợi ích về đất đai giữa nhà nước-nhà đầu tư và người dân; cơ chế chính sách tạo quỹ đất phục vụ mục tiêu công ích...

Riêng đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng cho rằng cần làm rõ các đặc thù về vấn đề vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất đai; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư của Nhà nước; vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp liên quan đến quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; vấn đề thế chấp, bảo lãnh, góp vốn sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; xây dựng, ban hành bảng giá đất...

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai trên địa bàn Hà Nội đã kiến nghị kiến  nghiên cứu sửa đổi bổ sung 12 nhóm vấn đề lớn liên quan đến các chính sách về đất đai. Về vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý, Hà Nội đã kiến nghị bổ sung các quy định cụ thể về quyền của người chủ sở hữu đất đai (Nhà nước) theo hướng tăng quyền và cụ thể hóa quyền định đoạt; điều chỉnh, xác định lại một số quyền của người sử dụng đất theo hướng phân định rõ loại bỏ các nội dung thuộc quyền của chủ sở hữu...

Hà Nội cũng kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 54 nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai như thu tiền chênh lệch địa tô sau khi Nhà nước mở đường, xây dựng các khu đô thị để điều tiết giá trị gia tăng cho những người sử dụng đất bị thu hồi và bổ sung lại nguồn tiền từ ngân sách đã bỏ ra để đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra còn các kiến nghị liên quan tới vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến quyền sử dụng đất, vấn đề thu tiền sử dụng đất, vấn đề xây dựng giá đất và công bố bảng giá đất hàng năm, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Hà Nội đã đề nghị điều chỉnh bổ sung quy định về thành lập đơn vị tư vấn giá đủ mạnh để tư vấn giá đất sát giá thị trường làm cơ sở cho việc xây dựng khung giá đất, phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Từ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong công tác thực thi Luật Đất đai 2003, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 một cách đồng bộ, hệ thống hóa, tạo điều kiện thuận lợi khi thực hiện là cần thiết.

Năm 2010, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2011 trong đó có đề cập vấn đề sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Trong số nhiều đạo luật dự kiến được Quốc hội Khóa 13 xây dựng có Luật đất đai là một trong những đạo luật phức tạp.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai ở 63 tỉnh, thành phố mà đặc biệt là một số tỉnh, thành phố trọng điểm như: Tp.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... sẽ đúc kết ra những vấn đề vướng mắc, tồn tại lớn cần phải tháo gỡ khắc phục trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai 2003 sửa đổi để đảm bảo Luật được sửa đổi căn cơ và có tầm nhìn dài hơi hơn với thời gian khoảng hơn 10 năm.

Phan Anh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2173 khách Trực tuyến

Quảng cáo