Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Những điểm nhấn của TP. Hồ Chí Minh năm 2010

Những điểm nhấn của TP. Hồ Chí Minh năm 2010

Viết email In
Năm 2010 là một năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng của TPHCM.

Với việc hoàn thành đưa vào sử dụng toà nhà Bitexco Financial Tower - BFT cao nhất TPHCM, chính thức cho xe ôtô lưu thông qua cây cầu dây văng Phú Mỹ hay hợp long hầm dìm vượt sông Sài Gòn dài nhất Đông Nam Á và mới đây thông xe cụm nút giao thông khác mức cầu Thủ Thiêm… đã tạo ra được những điểm nhấn mới cho đô thị TPHCM hiện đại.

Búp sen trỗi dậy

Ngày 31/10/2010, tòa tháp tài chính Bitexco (Bitexco Financial Tower – BFT) đã chính thức khánh thành. Tính đến nay, BFT là tòa nhà cao nhất Việt Nam, gồm 68 tầng, cao 262m, tọa lạc tại khu trung tâm tài chính của TPHCM. BFT cũng là tòa nhà đầu tiên có thiết kế sân đỗ máy bay trực thăng (2-10 chỗ) ở độ cao 191m (tầng 50). Để xây dựng sân đỗ trực thăng, nhà thầu Hyundai đã phải cử 15 chuyên gia từ Hàn Quốc sang trực tiếp thi công.

Hầu hết các vật liệu để xây dựng sân đỗ trực thăng được nhập khẩu từ Châu Âu và Hàn Quốc. Sau công đoạn chế tạo được hoàn thành, toàn bộ kết cấu sân trực thăng được đưa về Việt Nam và được ráp thử nghiệm ở Đồng Nai trước khi được lắp ráp chính thức vào tòa nhà. Ngoài ra, BFT còn phá vỡ hàng loạt các kỷ lục khác về xây dựng trên địa bàn thành phố như là tòa nhà văn phòng hạng A+ đầu tiên, bao gồm 38.000m2 văn phòng hạng A+ cho thuê và 8.000m2 trung tâm thương mại. Do hình dáng độc đáo của tòa nhà lấy cảm hứng từ búp sen, nên 6.000 tấm kính bao quanh tòa nhà có diện tích và hình dáng hoàn toàn khác nhau.

Tổng vốn đầu tư cho BFT khoảng 270 triệu USD. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Vũ Quang Hội – Chủ tịch Tập đoàn Bitexco - cho biết: “Mong ước được thấy Việt Nam phát triển và gia nhập các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã thôi thúc chúng tôi xây dựng BFT. Chúng tôi muốn xây dựng một tòa nhà không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển của Việt Nam mà còn là niềm tự hào và cảm hứng của người dân Việt Nam”. 5 năm trước, khi Bitexco công bố ý định xây tòa tháp 68 tầng hình búp sen ở giữa trung tâm TPHCM, đã có không ít nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng táo bạo này. Thế nhưng đúng 5 năm sau, BFT đã được khánh thành, đưa vào sử dụng và trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của nền kinh tế của TPHCM và là một trong những công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của cả khu trung tâm thành phố trong thời kỳ đổi mới.

Những đường cong uốn lượn

Nếu như Bitexco Financial Tower là tòa nhà cao nhất TPHCM, thì cầu Phú Mỹ (nối liền Q.7 với Q.2, dài hơn 2.101m, rộng 27,5m, với hai trụ tháp hình chữ H cao khoảng 140m, có tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng) lại được xem là cây cầu biểu tượng dây văng hiện đại dài nhất TPHCM. Cầu Phú Mỹ chính thức cho xe ô tô lưu thông từ 3/2010 đã góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực trung tâm TPHCM, đồng thời rút ngắn được khoảng cách gần 20km cho các phương tiện khi đi từ khu vực phía đông sang phía tây thành phố, và ngược lại.

Vượt ra khỏi quy mô của tầm quốc gia, sự kiện hợp long và kết nối thành công 4 đốt hầm Thủ Thiêm (mỗi đốt hầm dài 93m, rộng 33m, cao 9m, nặng 27.000 – 28.000 tấn, được dìm sâu dưới sông Sài Gòn cách mặt nước bên trên 24 - 26m) vào ngày 21/9/2010 đã đánh dấu một kỷ lục mới về công trình hầm dìm vượt sông dài nhất Đông Nam Á. Cùng với đường hầm Thủ Thiêm là 20km đại lộ Đông – Tây, rộng 10 làn xe kết nối chạy xuyên qua 8 quận – huyện (điểm đầu từ QL1A tại huyện Bình Chánh và điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội tại Q.2) được ví như một dải lụa uốn lượn tô điểm thêm cho các khu đô thị.


Ảnh trái : Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài nhất Đông Nam Á.
Ảnh phải : Cụm nút giao cầu Thủ Thiêm vừa đưa vào sử dụng sẽ tạo tiền đề phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Tuy không có những cái nhất, song cụm nút giao thông khác mức cầu Thủ Thiêm (gồm đường hầm chui, đường trên bộ và đường trên không, có tổng mức đầu tư trên 1.340 tỉ đồng) vừa đưa vào sử dụng ngày 25/12/2010 lại mang một ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là giải cứu cho cầu Sài Gòn đang quá tải và xuống cấp trầm trọng.  Cụm nút giao thông cầu Thủ Thiêm như một sợi dây liên kết giữa khu trung tâm cũ vốn có từ hàng trăm năm nay, với một khu trung tâm đang hình thành, thu hút đầu tư và tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của khu đô thị mới Thủ Thiêm – nằm bên kia sông Sài Gòn.  

Đặng Ngọc - Trần Phan
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1855 khách Trực tuyến

Quảng cáo