Thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng TPHCM: Phải có cơ chế phù hợp

Thứ hai, 28 Tháng 6 2010 12:56 SGGP
In

Vừa qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị “Thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở”. Tại hội nghị, phần lớn các đại biểu đã thống nhất được một ý lớn: phải có cơ chế phù hợp mới thu hút được đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Dự án đầu tư nhiều, nhà đầu tư không thiếu…

Nếu tính tất cả các dự án xây dựng công trình giao thông cùng các dự án cấp, thoát nước được đưa ra kêu gọi đầu tư trong hội nghị thì TPHCM có đến hàng trăm dự án đang cần vốn xây dựng. Các dự án hạ tầng kỹ thuật này có trị giá rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng/dự án, thậm chí có dự án trị giá đến hàng ngàn tỷ đồng như dự án xây dựng metro, đường vành đai…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài ước tính, chỉ tính riêng các dự án mà TPHCM mong muốn thực hiện trong năm, năm tới cũng đã trị giá vào khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Rõ ràng đang có một “nguồn” công việc khổng lồ tại TPHCM cho các nhà đầu tư.

Không chỉ có việc, TPHCM còn luôn “chào đón các nhà đầu tư” như Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài khẳng định. Theo ông Nguyễn Thành Tài, trong khả năng của mình TPHCM sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, TPHCM sẽ cố gắng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đã giải phóng xong cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong từng dự án cụ thể, các điều kiện này sẽ được quy định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.

Ở bình diện cả nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trong vòng 10 năm tới Việt Nam cần tới khoảng 150-160 tỷ USD cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 5%/tổng nhu cầu. Do vậy, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật là một trong những giải pháp quan trọng mà Việt Nam sẽ làm trong thời gian tới.

Đây cũng là kinh nghiệm phát triển hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật luôn đòi hỏi có một số vốn rất lớn mà hầu như không một ngân sách nào dù là của nước giàu, có thể gánh một mình. Là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ.

Hội nghị không chỉ có các nhà đầu tư trong nước mà còn có nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Lan, Anh, Hàn Quốc… Bên cạnh các dự án, điều mà các nhà đầu tư quan tâm hơn cả là thủ tục đầu tư. Hầu hết các trao đổi giữa nhà đầu tư với ngành chức năng đều xoay quanh chủ đề này.

Hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông, trước đây TPHCM và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước cũng đã kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật bằng các mô hình BOT, BT, BOO… Đây thực chất cũng là một phương cách hợp tác công tư, tuy nhiên những mô hình này còn một số vấn đề bất cập. Nhà đầu tư phải tự lo thủ tục thực hiện dự án và phải mất rất nhiều thời gian cho những công việc như thế.

Nếu cứ để thực tế này tồn tại thì Việt Nam sẽ không thể sớm có một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ông Đặng Huy Đông nói. Chính vì thế, một hình thức hợp tác công tư mới hoàn thiện hơn sẽ cần thiết hơn bao giờ hết.

Mô hình đầu tư PPP mới được Bộ Kế hoạch - Đầu tư giới thiệu có một cơ cấu vốn (dự kiến) như sau: vốn Nhà nước chiếm khoảng 30%, vốn tự có của nhà đầu tư tối thiểu 21% và còn lại là vốn vay thương mại của nhà đầu tư. Có một nguyên tắc cơ bản ở đây là nhà đầu tư tự vay vốn, Nhà nước không bảo lãnh cho khoản vay này.

Tuy nhiên, đó cũng chưa phải là điểm quan trọng nhất, hay nhất của hình thức PPP. Cái hay nhất của hình thức PPP là Nhà nước chịu trách nhiệm lo thủ tục đầu tư, thậm chí soạn sẵn các hợp đồng hợp tác. Sự hợp tác này bình đẳng trước pháp luật và trách nhiệm xử lý rủi ro sẽ được giao cho bên có khả năng xử lý rủi ro tốt hơn.

Tất nhiên, kèm theo trách nhiệm sẽ là những quyền lợi tương xứng.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, những dự án được đưa ra kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP sẽ là những dự án tốt nhất, khả năng thu hồi vốn lớn nhất. Ông Đặng Huy Đông nêu ví dụ, sắp tới Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ bàn với UBND TPHCM chọn ra những tuyến metro dự kiến đông khách nhất để kêu gọi đầu tư. Tất cả những điều này để đảm bảo cho các bên: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư cùng có lợi, ông Đặng Huy Đông nói.

Về phía nhà đầu tư, một hình thức hợp tác công tư mới PPP là khá hấp dẫn. Thế nhưng, như bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) - đơn vị đang xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng của TPHCM như xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B…, vấn đề là người dân có sẵn sàng trả phí (mua phí giao thông) cho quá nhiều công trình xây dựng theo hình thức này không?

Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, muốn thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật cần có một hành lang pháp lý toàn diện phù hợp, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nguyễn Khoa

>> TP.HCM: kêu gọi đầu tư sáu tuyến metro 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: