Lời giải nằm ở cơ chế phối hợp

Thứ năm, 04 Tháng 2 2010 09:38 Đầu tư
In

Sự chần chừ của các nhà đầu tư cùng hàng loạt kế hoạch bàn thảo trước đó, với tổng giá trị khoảng 500-700 triệu USD bị huỷ bỏ do phía chủ đầu tư gặp khó khăn đã khiến các kế hoạch của Khu công nghiệp Đình Vũ bị ảnh hưởng. Có vẻ như kế hoạch lấp đầy diện tích gần 400 ha của giai đoạn 2 Khu công nghiệp Đình Vũ sẽ không thể hoàn thành trong vòng 2-3 năm như dự kiến, nếu không có sự đột phá nào trong giải pháp. Vào tuần trước, trong một buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các vị lãnh đạo Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) đã đề nghị được hỗ trợ hơn trong thu hút đầu tư mới.

Trong bối cảnh tương tự, Khu công nghiệp Quế Võ 2 (Bắc Ninh) cũng đang lấn cấn với bài toán tìm kiếm các nhà đầu tư. Chưa có một động thái tích cực nào cho thấy sẽ có dự án đầu tư mới trong đầu năm nay khi các chuyến thăm quan ít ỏi của một số các nhà đầu tư Hàn Quốc không thấy phản hồi. Tình cảnh chung cũng hiển thị trong báo cáo tháng 1 của TP.HCM về thu hút đầu tư, khi “vùng trắng” nằm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Câu chuyện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất dường như phức tạp hơn khi những đề xuất giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xem xét tác động tiêu cực của Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch, sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; và Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, tới các bài tính lợi nhuận của các nhà đầu tư khi chọn địa điểm, sau vài tháng đưa ra vẫn chưa có sự phối hợp hồi âm của các cơ quan liên quan.

Cũng phải nhắc lại rằng, trong năm 2009, lượng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giảm rất mạnh. Nhiều khu công nghiệp lớn cũng buộc phải chấp nhận mức giảm 50% so với năm trước đó. Thậm chí, không ít khu công nghiệp buộc phải để đất trắng trong khi các khoản mục đầu tư hạ tầng đã được thực hiện.

Loại trừ nguyên nhân lớn từ khó khăn của chính các nhà đầu tư do chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế, có một phần nguyên nhân từ sự thay đổi chính sách liên quan đến đầu tư trong khu công nghiệp. Sự hấp dẫn về yếu tố trọn gói trong hạ tầng của các khu công nghiệp không đủ để khoả lấp các ưu đãi mà lâu này các nhà đầu tư trong khu công nghiệp được hưởng hiện đã bị loại bỏ. Khá nhiều công đoạn trong đầu tư khu công nghiệp dang dở khi chi phí về đền bù giải phóng mặt bằng thay đổi. Nhiều khu công nghiệp trong giai đoạn mở rộng để đón lõng sự dịch chuyển dòng vốn FDI sau khủng hoảng đang “án binh bất động”. Sự lãng phí nguồn lực không hề nhỏ.

Trở lại bài toán mà Khu công nghiệp Đình Vũ đang kêu gọi sự hỗ trợ, có lẽ lời giải nằm ở cách thức, chiến lược thu hút đầu tư.

Lâu nay, phần lớn hoạt động xúc tiến đầu tư còn phụ thuộc khá nhiều vào thế mạnh, cả về lợi thế và nguồn lực riêng của từng đơn vị tổ chức. Ngay cả hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia đến năm thứ 3 thực hiện vẫn chưa thực sự tạo nên những điểm nhấn nổi trội do chưa giải tốt “bài toán” về trùng lặp.

Hơn thế, cũng phải thấy rằng, trong thu hút đầu tư công nghiệp, sự đồng bộ, kết nối của các nhà đầu tư trong chuỗi giá trị là một đặc điểm. Cách đi của Đình Vũ thực sự chuyên nghiệp khi lựa chọn các nhà đầu tư công nghệ hiện đại, không thâm dụng nhiều lao động, song điều này không đồng nghĩa với sự chia cắt các nhà đầu tư chính và các thầu phụ của họ. Sự kết hợp các khu công nghiệp trong vùng về thu hút đầu tư có thể sẽ cùng giải được bài toán lựa chọn nhà đầu tư và tận dụng cơ hội đầu tư trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Bảo Duy


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: