Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Quản lý hoạt động xây dựng: Chế tài chưa đủ mạnh

Quản lý hoạt động xây dựng: Chế tài chưa đủ mạnh

Viết email In

Mỗi năm có hàng chục nghìn dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ... Nhiều công trình, dự án thuộc vào diện cấp bách cần đưa vào sử dụng đúng tiến độ, song theo thống kê sơ bộ, chỉ trừ các dự án nhóm A hoặc các dự án trọng điểm nhà nước về cơ bản đáp ứng được tiến độ theo hợp đồng đã ký.

Phần lớn các dự án nhóm B, C, phân cấp cho địa phương quản lý, đều bị chậm tiến độ.

Nhiều lỗ hổng của luật

Tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường năng lực quản lý hợp đồng xây dựng” do Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức sáng 27.1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn thừa nhận một thực tế là, việc quản lý dự án và quản lý hợp đồng ở VN còn nhiều bất cập vì chưa có những quy định có tính pháp lý cao, đồng bộ để đưa hoạt động này vào nền nếp.

  • Ảnh bên : nguồn baoxaydung.vn 

Năm 2007, NĐ 99 về quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình được ban hành là văn bản pháp lý đầu tiên chuyển đổi quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ cơ chế tập trung, sang cơ chế thị trường đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Song đến nay, theo đánh giá của Bộ Xây dựng: Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng vẫn chưa đáp ứng, chưa phù hợp yêu cầu thực tế.

TS Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng - cho biết: Quá trình triển khai dự án, do chưa quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng, làm cho các chủ thể thực hiện tuỳ tiện, thiếu minh bạch và thiếu nghiêm túc trong thực hiện cam kết, quá trình thực hiện xảy ra nhiều tranh chấp.

Hơn nữa, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm cũng không cụ thể hoặc chưa đủ sức nặng để răn đe, nên những tranh chấp xảy ra ngày một nhiều và hầu như chẳng xử phạt được ai. Đặc biệt đối với các dự án ODA, nhiều quy định trong hợp đồng xây dựng không phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ chế thị trường. Nhiều quy định cũng hạn chế vai trò của DN trong nước tham gia vào các dự án có vốn nước ngoài, làm cản trở sự phát huy nội lực...

Bịt lỗ hổng cách nào?

Theo TS Phạm Văn Khánh, một trong những điểm quan trọng trong dự thảo nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, là sẽ khắc phục được những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hợp đồng, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.  khung pháp lý giúp vận dụng rõ ràng, đơn giản, đồng thời có thể sử dụng chung cho các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn trong nước và cho cả các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

Trước đây, hình thức hợp đồng chưa có quy định đầy đủ về nội dung cho từng loại hợp đồng thì nay đã quy định chi tiết như riêng hợp đồng tư vấn xây dựng có trên 10 loại, HĐ xây dựng có 5 loại, HĐ thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng công trình có đến chục loại.

Một trong những lỗ hổng của Luật Đấu thầu dẫn đến hệ lụy là các nhà thầu trong nước thua ngay trên sân nhà được chỉ ra là do trong luật không quy định yêu cầu về chất lượng sản phẩm, đối với thiết bị hàng hoá NK phải quy định về nguồn gốc xuất xứ, thì nay tại dự thảo nghị định đã nêu vấn đề này.

Để hạn chế việc tranh chấp hợp đồng giữa các chủ thể xây dựng, đặc biệt liên quan đến những tranh chấp phát sinh khi điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng, dự thảo nghị định cũng có hẳn một chương cho vấn đề này. Theo đó, chỉ những trường hợp khối lượng công việc phát sinh lớn hơn 20% khối lượng công việc trong hợp đồng, hoặc phát sinh chưa có đơn giá thì mới được điều chỉnh giá trị hợp đồng.

Đối với hình thức giá hợp đồng theo đơn giá cố định và giá hợp đồng ký kết theo tiến độ thực hiện, có giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị do Nhà nước kiểm soát biến động lớn; khi Nhà nước thay đổi chính sách thuế, tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến giá hợp đồng thì sẽ được điều chỉnh đơn giá nếu được phép của cấp chủ quản đầu tư. Đây là điểm rất cởi mở trong dự thảo nghị định mới, trong khi việc này đã từng xảy ra vào năm 2007, rất nhiều hợp đồng xây dựng bị đình đốn vì đơn giá vật tư tăng cao, vượt quá tổng mức đầu tư, phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được điều chỉnh.

Hồng Quân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2467 khách Trực tuyến

Quảng cáo