Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Xếp hạng chỉ số PCI 2009: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu

Xếp hạng chỉ số PCI 2009: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu

Viết email In

Ở góc độ địa phương, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (*) chính là công cụ đo lường và đánh giá kết quả điều hành kinh tế cấp tỉnh dựa trên cảm nhận của khu vực kinh tế tư nhân, trong năm 2009 đầy biến động về kinh tế.

Cũ và mới

Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI 2009, Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu  với 75,96 điểm (trên thang điểm 100), kế đó là Bình Dương, tỉnh đã từng dẫn đầu trong ba năm 2005-2007, với 74,01 điểm. Ngoài ra, nằm trong nhóm tỉnh được xếp hạng rất tốt (mức cao nhất) còn có Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc.



Nhóm nghiên cứu PCI cũng ghi nhận trong hai năm qua, nhiều địa phương đã nỗ lực để cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng như Cà Mau, Điện Biên, Long An và Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, tỉnh Điện Biên đã cắt giảm đáng kể các chi phí không chính thức, nâng cao tính năng động của lãnh đạo tỉnh và thúc đẩy chất lượng đào tạo lao động.

Trong khi đó, Cà Mau thăng hạng nhờ giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Các bước tiến của Long An và Thừa Thiên - Huế nhờ vào việc cải thiện chỉ số tính minh bạch, người dân dễ dàng tiếp cận với các văn bản pháp luật, tài liệu kế hoạch của tỉnh.

Năm nay, trọng số của các chỉ số thành phần cấu thành PCI đã được các chuyên gia tính toán lại nhằm đảm bảo chỉ số PCI phản ánh đúng sự vận động của nền kinh tế và những thay đổi trong môi trường thể chế của Việt Nam (bảng 2).

Các chỉ số thành phần có tác động lớn nhất đến tăng trưởng, đầu tư và mức lợi nhuận của khu vực kinh tế tư nhân sẽ có trọng số cao nhất - 20%, đó là các chỉ số tính minh bạch và đào tạo lao động.Đây cũng là năm thứ năm liên tiếp chỉ số tính minh bạch nhận được trọng số cao nhất dù phương pháp tính toán có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Hai chỉ số có trọng số thấp nhất là tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý (5%) không phải vì các chỉ tiêu này không quan trọng. Trên thực tế đây là vấn đề trên phạm vi cả nước, rất ít tỉnh được điểm cao về chỉ số này, dẫn tới sự khác biệt giữa các tỉnh không lớn, vì vậy không tác động nhiều đến sự phát triển của khu vực tư nhân. Để cải thiện chỉ số này, bên cạnh sáng kiến của địa phương, rất cần những cải cách chính sách ở tầm quốc gia.

Một thay đổi khác trong bộ các chỉ số thành phần của PCI là việc bỏ chỉ số “ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước”. Theo nhóm nghiên cứu, cho đến nay các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý phần lớn đã được cổ phần hóa và không còn là rào cản đối với sự phát triển của khu vực tư nhân. 

Phác họa chân dung doanh nghiệp

Số doanh nghiệp tham gia điều tra: 9.890, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 35%, công ty TNHH 45%, công ty cổ phần 18%.

• Về lĩnh vực kinh doanh: hơn một nửa thuộc lĩnh vực dịch vụ hoặc thương mại; 32% thuộc lĩnh vực sản xuất và xây dựng.

• Về quy mô vốn: khoảng 43% số doanh nghiệp có vốn 1-5 tỉ đồng, 29% có vốn dưới 1 tỉ và 27% có vốn trên 5 tỉ đồng.

• Về quy mô lao động: 41% doanh nghiệp có 10-50 lao động, 6% có trên 200 lao động và 50 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động. 

Nói như vậy không có nghĩa là môi trường cạnh tranh ở các tỉnh đã bình đẳng mà vấn đề hiện nay là việc ưu đãi cho các công ty con của các doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương quản lý, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn. Mặc dù đây là vấn đề quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, nhưng PCI không phải là công cụ thích hợp để đo lường việc này, bởi PCI cần tập trung vào các nhân tố mà chính quyền địa phương có thể tác động.

Các xu hướng tích cực

Theo kết quả xếp hạng PCI, điểm trung vị năm nay tiếp tục tăng, điều đó thể hiện chất lượng công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh năm qua có nhiều tiến bộ. Đi sâu vào phân tích chín chỉ số thành phần cho thấy có năm chỉ số được cải thiện đáng kể.

Liên quan đến chi phí gia nhập thị trường, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian đăng ký kinh doanh bình quân đã giảm từ 12,25 ngày xuống còn 10 ngày. Hoặc chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước cũng đã có những cải thiện sau nhiều năm giậm chân tại chỗ. Tổng thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính của các nhà quản lý doanh nghiệp giảm từ 22% xuống còn 15%. Trong khi đó, thời gian trung bình của mỗi đợt thanh tra thuế cũng giảm từ 8 giờ xuống còn 5 giờ…

Kết quả này cho thấy việc cải cách hành chính đã có những tiến bộ.Ngoài hai chỉ số nói trên, ba chỉ số khác là tiếp cận đất đai, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý cũng được các doanh nghiệp đánh giá tốt hơn hẳn năm ngoái.

Những thách thức còn lại

Tính minh bạch, chỉ số thành phần có trọng số cao nhất, tuy đạt được những bước tiến dài trong nhiều năm qua nhưng lại thể hiện sự đảo chiều trong năm nay. Trước hết, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch của tỉnh giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh đã trở về mức của năm 2006 (khoảng 61,26%).

  • Ảnh bên : Sông Hàn, Đà Nẵng về đêm

Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán việc thực thi pháp luật của tỉnh, và phải thương lượng với cán bộ thuế cũng quay về mức của năm 2007.Điều đáng quan tâm hơn là, trong chỉ số thành phần này, khả năng tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật (như luật, nghị định, văn bản hướng dẫn của cấp trung ương) được doanh nghiệp đánh giá là ngày càng dễ dàng hơn so với việc tiếp cận các tài liệu kế hoạch của tỉnh (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi...).

Nhóm nghiên cứu dẫn báo cáo của hai chuyên gia Phan Vinh Quang và John Bently như một gợi ý để giải thích vấn đề này. Hai tác giả này nhận thấy rằng Chính phủ đã bắt đầu có xu hướng sử dụng công văn thay vì ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong vòng bốn năm, 2005-2008, Chính phủ đã ban hành 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật, nhiều gấp ba lần số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó (1987-2004). Trước năm 2004, trung bình một tỉnh có 19 công văn trên 81 văn bản quy phạm pháp luật, nay tỷ lệ này là 55/45. Tình hình này tạo ra một rừng văn bản pháp luật, khiến các mối quan hệ trở nên đặc biệt quan trọng.

Một chỉ số khác cũng không có sự cải thiện đáng kể là chi phí không chính thức. Có tới 52% số doanh nghiệp tại một tỉnh được xếp khoảng giữa tin rằng cán bộ tỉnh sử dụng các quy định riêng của tỉnh với mục đích trục lợi. Tỷ lệ này tăng so với năm 2008 và 2007 (37%). Kết quả này cũng phù hợp với phân tích ở trên về tính minh bạch.

Ngoài ra, 53% số doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đồng thời, năm 2009, cảm nhận của doanh nghiệp về tính năng động của chính quyền tỉnh cũng sụt giảm về mức của năm 2007.

“Nhiệt kế doanh nghiệp” - có dấu hiệu lo ngại

Trong nội dung điều tra hàng năm để xây dựng chỉ số PCI đều có phần liên quan đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong hai năm tới. Câu hỏi này có tên là nhiệt kế doanh nghiệp. Năm nay, chỉ số PCI 2009 được công bố trong bối cảnh niềm tin của doanh nghiệp có chiều hướng suy giảm bất chấp các thông số kinh tế vĩ mô lạc quan hơn những dự báo trước đó.

Theo kết quả điều tra, chỉ 65% doanh nghiệp tư nhân dự định mở rộng hoạt động kinh doanh trong hai năm tới, thấp hơn so với 78% của năm 2008 và 77% của năm 2007. Các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động nặng hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên chỉ có 47% số doanh nghiệp cho biết có ý định mở rộng kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh, thì đâu là địa phương được xem là hấp dẫn để mở rộng đầu tư? Một số lượng lớn chọn Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng do ưu thế về thị trường hấp dẫn, tuy nhiên nếu bỏ qua ưu thế này thì sự lựa chọn lại rơi vào các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt như Bình Dương, Vĩnh Phúc…

Phương Quỳnh

__________

(*) Chỉ số PCI được xây dựng từ năm 2005, là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ. Nhóm TBKTSG là đơn vị được chọn để công bố kết quả này suốt năm năm qua.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2998 khách Trực tuyến

Quảng cáo