Bộ Xây dựng có Công văn số 4891/BXD-QHKT ngày 01/11/2022 đề nghị các ban, ngành đóng góp ý kiến về Dự thảo xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi tham khảo ý kiến nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung chính sách về lấy ý kiến khi lập quy hoạch.
Kinh nghiệm vận động, lấy ý kiến nhân dân của TPHCM trong lập quy hoạch, triển khai dự án nhiều năm qua đã có tác động tích cực trong đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng. (Ảnh: TL)
Quy hoạch là công cụ điều tiết hàng đầu và quy hoạch xây dựng có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều năm qua, hoạt động lấy ý kiến đối với các quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định pháp luật về lấy ý kiến đối với quy hoạch còn chung chung, chưa cụ thể, chưa có cơ chế giám sát việc lấy ý kiến.
VCCI cho rằng, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung chính sách về lấy ý kiến khi lập quy hoạch, theo đó bắt buộc việc đăng tải dự thảo quy hoạch trên website của cơ quan nhà nước lập quy hoạch và gửi một bản để đăng tải trên website của Bộ Xây dựng.
Thời gian đăng tải trên website tối thiểu 60 ngày trước ngày thẩm định quy hoạch; nội dung thông tin đăng website phải bao gồm đầy đủ các tài liệu như nội dung đồ án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược, các tài liệu thuyết minh và các tài liệu khác.
Đối với quy hoạch chung của thành phố, thị trấn thì cần gửi lấy ý kiến hoặc tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các khu công nghiệp, nhà máy, các chủ sử dụng đất lớn trên địa bàn. Điều này có thể giúp tránh tình trạng quy hoạch khu dân cư ngay cạnh nhà máy đã tồn tại từ trước đó, gây xung đột giữa nhà máy và người dân địa phương, như đã diễn ra tại một số thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh hiện nay.
Đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cần thiết phải tổ chức lấy ý kiến thông qua cuộc họp và văn bản đối với các hộ gia đình, tổ chức trong phạm vi phân khu và bán kính 500 m. Bắt buộc phải có ý kiến của các chủ thể này hoặc xác nhận của chính quyền địa phương về việc không liên lạc được.
Bên cạnh đó, về chuyên môn hoá hoạt động thẩm định quy hoạch, theo VCCI, kinh nghiệm của lĩnh vực xây dựng pháp luật cho thấy, việc chuyên môn hoá công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết giúp nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, đặc biệt là vấn đề tuân thủ về quy trình thủ tục lấy ý kiến và bảo đảm tính thống nhất. Đối với lĩnh vực quy hoạch hiện nay cũng gặp tình trạng tương tự khi việc lấy ý kiến chưa thực chất và có nguy cơ chồng chéo giữa các loại quy hoạch.
Thái Huy
(KTSG Online /Theo TTXVN và VCCI)
- Lấy ý kiến đóng góp cho Luật Đất đai sửa đổi đến ngày 15/3
- Hà Nội cần khoảng 560.000 m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư
- Hà Nội lấy ý kiến về hệ số bồi thường xây dựng lại chung cư cũ
- Không quy định đánh thuế cao với người nhiều nhà, đất trong Luật Đất đai
- Khánh Hòa thu hồi đất cho dự án khu đô thị hơn 1 tỷ USD
- Phú Yên cần hơn 77.300 tỷ đồng để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025
- Bất động sản tìm động lực phục hồi từ M&A
- Lấy ý kiến người dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi từ tháng 12
- Tìm giải pháp “cứu” hàng loạt công viên trăm tỷ tại Hà Nội
- Đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn