Ashui.com

Thursday
Oct 03rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Điều chỉnh quy hoạch cảng Liên Chiểu “hút” nhà đầu tư

Điều chỉnh quy hoạch cảng Liên Chiểu “hút” nhà đầu tư

Viết email In

Nhiều liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư từ Ấn Độ, Nhật Bản đề xuất được phát triển dự án cảng Liên Chiểu - một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam.

Đà Nẵng vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu (tỷ lệ 1:500) nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu. Theo đó, khu cảng biển Liên Chiểu có diện tích 469,55ha, trong đó bến cảng là 450ha, gồm 8 bến container dài 2.750m cho tàu tải trọng đến 200.000 DWT.


Theo điều chỉnh quy hoạch, cảng biển Liên Chiểu có thể đón tàu lên đến 200.000 DWT.

Đây là đồ án thuộc nhóm 1 trong 2 nhóm hạng mục của dự án Cảng Liên Chiểu. Trong đó, nhóm 1 là hợp phần cơ sở dung chung liên quan đến đầu tư công gồm có đê chắn sóng, nạo vét vùng biển và đường kết nối từ đường cao tốc vào cảng Liên Chiểu; nhóm 2 là các bến cảng, cầu cảng tại khu hậu cần logistics là phần kêu gọi đầu tư.

Theo Đồ án quy hoạch đã điều chỉnh, tổng diện tích khu Cảng Liên Chiểu là 450 ha, với ranh giới vị trí như sau: phía Bắc giáp đèo Hải Vân, phía Nam giáp cửa sông Cu Đê, phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng và phía Tây giáp tuyến đường tránh Nam Hải Vân.

Trong đó, quy mô sử dụng đất của bến cảng Liên Chiểu gồm có các khu chức năng như: khu bến container tiếp nhận được tàu đến 8 nghìn TEUS (giai đoạn 1) và định hướng tiếp nhận các tàu đến 18 nghìn TEUS (tương đương 200 nghìn DWT) trong dài hạn; quy mô quy hoạch gồm 8 bến container với tổng chiều dài 2.750 m cho tàu từ 30.000 - 200.000 DWT.

Khu bến tổng hợp quy hoạch tiếp nhận được tàu đến 100 nghìn DWT (phía ngoài) và các tàu cỡ nhỏ hơn ở phía trong (khoảng 30 nghìn DWT); tổng số lượng bến là bến có tổng chiều dài 1.550m.

Khu bến thủy nội địa có tổng chiều dài 1.200 m, quy hoạch cho các tàu, sà lan đến 5 nghìn DWT phục vụ gom hoặc chia hàng cho khu bến container, khu bến tổng hợp đến các cảng biển, thủy nội địa khác trong cả nước.

Khu bến hàng lỏng và khí quy hoạch cho cỡ tàu đến 30 nghìn DWT (trong đó có bố trí khu vực để di dời các bến hàng lỏng hiện hữu); quy mô gồm 6 bến, bố trí tại khu vực đê chắn sóng, kết nối với đê chắn sóng bằng cầu dẫn; các công trình hàng lỏng và khí được bố trí đủ khoảng cách an toàn đến các công trình khác trong quy hoạch và lân cận. Khu kho bãi đường sắt quy hoạch bãi tập kết, bốc xếp hàng hóa phục vụ đường sắt nhằm kết nối trực tiếp khu bến cảng Liên Chiểu với mạng đường sắt quốc gia; vị trí quy hoạch ở phía sau khu bến container.

Đê kè chắn sóng có tổng chiều dài hơn 2.000 m, đảm bảo che chắn sóng theo hướng Đông Bắc và Đông Đông Bắc; trên mặt đê quy hoạch bố trí các tuyến đường ống dẫn hàng lỏng từ bến cảng vào đến kho hàng lỏng phía trong bờ...

Theo quy hoạch, hệ thống giao thông đường bộ dùng chung của bến cảng Liên Chiểu chạy dọc theo ranh giới quy hoạch, giáp chân núi và tuyến đường bờ hiện hữu, đảm bảo khả năng kết nối đến từng khu chức năng cảng, chỉ tiêu cấp đường đáp ứng ô tô chuyên dụng, kết cấu mặt đường cấp cao A1; Giao thông nội bộ trong các khu chức năng Cảng sẽ do nhà đầu tư khai thác cảng tổ chức trên cơ sở phù hợp với công nghệ và thiết bị khai thác đề xuất, đảm bảo khả năng lưu thông của các phương tiện.

Giao thông đường biển, luồng hàng hải vào cảng Liên Chiểu được thiết lập mới có chiều dài hơn 7km, bề rộng 160 - 220m, cao trình đáy luồng từ 14,6 - 17,8 m; giao thông đường sắt sẽ định hướng kết nối đường sắt từ ga Kim Liên vào đến trong cảng Liên Chiểu với chiều dài khoảng 1,5 km, chạy dọc theo đường sau cảng vào khu bãi hàng hóa đường sắt.

Đối với tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết có quy mô sử dụng đất gần 20 ha, tổng chiều dài 2,95 km kết nối từ đường vào cảng đến tuyến đường tránh Nam Hải Vân; quy mô mặt cắt ngang đảm bảo 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 30 m; trên tuyến đường này có cầu vượt nút giao đường sắt Bắc - Nam và QL1A, hầm chui vào đường lên Suối Lương, đồng thời mở rộng cầu Liên Chiểu trên đường Nguyễn Văn Cừ…

UBND TP. Đà Nẵng nhận định việc đầu tư dự án đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập kết nối đường nội bộ Cảng Liên Chiểu đi đường tránh Nam Hải Vân. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp 1, có tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng. Trong đó, 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và phần còn lại từ ngân sách Thành phố. Thời gian triển khai dự án vào năm 2022 - 2025.

Được biết, cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Thành phố sẽ khởi công xây dựng Dự án cảng Liên Chiểu trong năm 2022 và hoàn thành trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.


Cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Ảnh: Khu vực sẽ xây dựng cảng Liên Chiểu.

Theo ông Lê Thành Hưng, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, việc điều chỉnh Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng cảng Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu nhằm tạo lập hình ảnh khu bến cảng này là cảng biển hiện đại, phù hợp với điều kiện hiện trạng khu vực bờ biển, hài hòa với cảnh quan rừng tự nhiên đèo Hải Vân, kết nối đồng bộ với các khu vực lân cận.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động, cảng Liên Chiểu sẽ có không gian khai thác cảng được tổ chức theo hướng mở, trong đó, điểm nhấn là các công trình kiến trúc văn phòng, nhà điều hành... kết hợp với các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa kích thước lớn, công nghệ hiện đại.

Cảng biển Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt. Đối với hợp phần nhóm 2, sẽ có tổng diện tích 44ha, quy mô 02 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên là đơn vị được giao làm chủ dự án.

Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, liên doanh giữa Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát đã được UBND TP. Đà Nẵng trao chứng nhận cho phép tiến hành nghiên cứu đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu. Theo đó, Tập đoàn Adani - Đại gia lĩnh vực cảng biển cam kết phát triển cảng Liên Chiểu cùng toàn bộ khu tiếp vận và khu công nghiệp tại Đà Nẵng trở thành cửa ngõ kinh tế của miền Trung Việt Nam.

Do đó, Tập đoàn Adani mong muốn sự hỗ trợ từ Chính phủ để tạo cơ sở hạ tầng chung như nạo vét luồng lạch, đê chắn sóng, kết nối đường bộ và đường sắt đến cảng và khu công nghiệp song song với việc xây dựng cảng. Tập đoàn Adani sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi công năng khu cảng cũ để phục vụ du lịch trước khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động.

Với việc lấy “Kiến tạo quốc gia” là triết lý cốt lõi, kim chỉ nam hành động, Tập đoàn Adani cam kết phát triển Cảng Liên Chiểu trở thành trung tâm cảng đẳng cấp thế giới và biến Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế thương mại của toàn khu vực miền Trung Việt Nam.

Không chỉ Tập đoàn Adani của Ấn Độ, mới đây, liên danh 2 tập đoàn BRG và Sumitomo cũng đã làm việc với TP Đà Nẵng về kế hoạch đầu tư cảng Liên Chiểu. Đây là lần làm việc thứ 2 kể từ sau biên bản ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng và liên danh đầu tư này tại Nhật Bản vào năm ngoái.

Theo đại diện hai doanh nghiệp này, mục đích của việc đầu tư cảng Liên Chiểu theo chủ trương chung của Đà Nẵng là chuyển hàng hóa từ Tiên Sa sang Liên Chiểu, loại bỏ việc vận chuyển container trong nội đô để dành không gian và diện tích tái phát triển khu vực xung quanh cảng Tiên Sa.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp đề xuất ý tưởng đầu tư thì thiết kế cảng Liên Chiểu dựa theo chức năng giữa cảng và trung tâm logistics. Trong đó, cảng biển tập trung vào việc vận hành phục vụ tàu, còn trung tâm logistics giữ vai trò lưu trữ hàng hóa, giao/ nhận container. Dự án cũng hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống và an toàn bằng phương án chuẩn bị đề phòng thảm họa thiên nhiên, chuyển khu vực trữ container sang khu vực đất liền sâu bên trong cảng. Dự án cũng hướng đến hành động chống biến đổi khí hậu theo hướng điện khí hóa, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo với nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp, hay bằng 0…

Theo thiết kế về công suất cảng Liên Chiểu mà BRG và Sumitomo đưa ra, khi được đầu tư, cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn ghé vào cảng, phát triển cảng phù hợp cho tàu lớn hơn (hiện tại, cảng Liên Chiểu mới thu hút được tàu có tải trọng 2.800 TEU. Trong tương lai, sẽ đón tàu tải trọng 12.000 TEU).

Thy Hằng

(Diễn đàn Doanh nghiệp)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3457 khách Trực tuyến

Quảng cáo