Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Không được lấy đất sân golf xây biệt thự để bán

Không được lấy đất sân golf xây biệt thự để bán

Viết email In

Thủ tướng vừa yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đất đai trong xây dựng sân golf.

Tại Công văn số 8170/VPCP ngày 17/11 gửi các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu không được lấy vào đất lúa, đất màu, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.

Đặc biệt, đối với dự thảo quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, Thủ tướng nhấn mạnh tiêu chí quan trọng nhất là tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ để xây dựng sân golf.

Thủ tướng nêu rõ, trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyệt đối không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.

Thời hạn thực hiện đầu tư một dự án sân golf cũng không được quá 4 năm kể từ khi được cấp phép.

Đặc biệt, để hạn chế tình trạng núp bóng sân golf để đầu tư, kinh doanh bất động sản, Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch phát triển sân golf phải quy định rõ việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Tỷ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10% và mật độ xây dựng gộp của sân golf tối đa không quá 5% diện tích của dự án sân golf.

Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu không được sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư sân golf. Việc sử dụng nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước để hỗ trợ xây dựng sân golf công cộng chỉ được xem xét trong trường hợp Nhà nước có nhu cầu xây dựng sân golf công cộng và cho từng dự án cụ thể.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu trong quy hoạch phát triển sân golf phải quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định và chịu trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf và thu hồi giấy phép theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định các dự án sân golf không nằm trong quy hoạch này, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sân golf.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân golf; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng sân golf, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng sân golf; tiêu chuẩn kỹ thuật sân golf; xây dựng, công bố nội dung, tiêu chí đánh giá tác động môi trường sân golf; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, sử dụng đất đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

Theo thống kê, hiện cả nước có 166 dự án xây dựng sân golf do các địa phương phê duyệt, trong đó có khoảng 60 sân golf đã đi vào hoạt động và đang xây dựng. Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ cắt giảm 51 dự án, giữ lại 115 dự án.

Riêng thành phố Hà Nội vừa qua cũng đã đề xuất Chính phủ không cho tiếp tục triển khai 11 dự án sân golf trên địa bàn, đồng thời kiên quyết dừng các dự án dự định sử dụng đất trồng lúa, nhất là ở những vùng đông dân cư, khó giải quyết việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi đất, những vị trí nhạy cảm về chính trị, xã hội, văn hóa, tâm linh...

Từ Nguyên

>> Không để mượn danh sân golf 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1556 khách Trực tuyến

Quảng cáo